Thứ Bẩy, 20/04/2024 01:38:07 GMT+7

Tin đăng lúc 21-10-2015

Lượt xem: 4023

VEPR: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực

Nền kinh tế có những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong quý II và 9 tháng đầu năm 2015. Tốc độ tăng trưởng sản lượng quý III đạt mức 6,81%, cao nhất trong các quý III kể từ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng tính chung trong 9 tháng đầu năm 2015 cao nhất trong giai đoạn này, đạt 6,5%.
VEPR: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực
Ảnh minh họa.

Đó là đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III-2015 vừa được công bố.

 

Theo VEPR, động lực cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng trưởng 9,69%, cao vượt bậc so với cùng kỳ nhiều năm (năm 2014 là 5,75%; 2013 là 4,88%). Ngược lại, khu vực nông nghiệp và dịch vụ có nhiều biến chuyển.

 

Bên cạnh số liệu về sản lượng, nhiều chỉ tiêu phản ảnh rõ nét xu hướng hồi phục của nền kinh tế. Chỉ số PMI liên tục cao hơn ngưỡng 50 điểm (trừ tháng 9-2015 do ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới). Tuy nhiên, theo phân tích của VEPR mức điểm của Việt Nam là 49,5 trong tháng 9 có thể coi là khả quan so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia là 47,4, Singapore là 48,6 và Malaysia là 48,3.

 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung trong 9 tháng đầu năm tăng 9,8%, trong khi mức tăng cùng kỳ năm 2014 chỉ đạt 6,7%. Khu vực sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi tuyển dụng thêm 7,1% lao động, cao hơn nhiều mức tăng 4,2% của năm 2013, 2014.

 

Lạm phát thấp nhưng có khả năng tăng trở lại

 

Chỉ số CPI tăng chậm trong 9 tháng đầu năm 2015, thậm chí giảm tuyệt đối trong tháng 9. Đáng chú ý theo chủ kỳ hằng năm, tháng 9 là thời điểm mặt bằng giá chịu nhiều áp lực tăng ở nhóm mặt hàng giáo dục do vào đầu năm học mới. Tuy nhiên, 2 nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực giảm giá, vón đóng góp tổng trọng số xấp xỉ 17% trong rổ hàng hoá CPI, là tác nhân chính dẫn tới hiện tượng bất thường trong năm 2015.

 

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR lưu ý, xu hướng lạm phát thấp không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang phổ biến ở các thị trường mới nổi do tác động của giá hàng hoá và năng lượng. Theo đó, giá năng lượng suy giảm được cho là đã tác động mạnh đến mặt bằng giá ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các dự báo về giá năng lượng cho năm 2016 và 2017 đều thuận lợi cho việc giữ ổn định mặt bằng giá trong nước.

 

Nhìn nhận xu hướng lạm phát thấp trong một, hai quý tiếp theo dù mặt bằng giá có thể chịu áp lực vào thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, nhưng theo TS Nguyễn Đức Thành, tốc độ tăng lượng tiền đang vượt xa GDP danh nghĩa sẽ tạo ra rủi ro cho mặt bằng giá trong năm 2016. Đồng thời, chính sách tiền tệ nới lỏng quá-mức cùng mức tỷ giá kém cạnh tranh có thể đang tích luỹ những rủi ro gây bất ổn về giá trong ngắn hạn.

 

Cán cân thương mại thâm hụt nhẹ

 

Cho rằng cán cân xuất nhập khẩu tương đối cân bằng trong quý III-2015 với mức thâm hụt nhẹ là 700 triệu USD, giảm dần so với mức thâm hụt 2,7 tỷ USD của quý I và 1,2 tỷ USD của quý II, nhưng TS Nguyễn Đức Thành nhìn nhận, đây cũng là quý thứ tư liên tiếp có thâm hụt thương mại và kết thúc giai đoạn thặng dư kéo dài 5 quý liên tiếp của năm 2013 và 2014.

 

Đánh giá sự thay đổi trong cấu trúc cán cân thương mại này một phần do tỷ giá thực cao đã không hỗ trợ tốt cho xuất khẩu, đồng thời khuyến khích tiêu dùng - VEPR lưu ý, cán cân thương mại có thể sẽ xấu đi vào quý IV do nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng cho Tết Nguyên đán.

 

Hiện tại Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu lớn nhất với 32,4% tổng kim ngạch. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 9 tháng đầu năm là 24,3 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VEPR cho rằng, diễn biến này không quá lo ngại, mà phản ánh nhiều hơn về hoạt động sản xuất đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hiện Việt Nam chủ yếu thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ nguồn nguyên liệu đầu vào bán thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó xuất sang các thị trường tiêu thụ như Mỹ, EU, Nhật Bản…. Ngoài ra, với việc Việt Nam gia nhập hàng loạt các FTA và chi phí lao động của Trung Quốc đang tăng cao thì mô hình sản xuất trên sẽ tiếp tục mở rộng và đi kèm với đó là mở rộng quy mô nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc.

 

Bên cạnh sức ép từ cán cân thương mại, cán cân vốn có thể sẽ tác động tiêu cực đến cán cân tổng thể trong năm 2015; nhưng VEPR nhận định, cán cân thanh toán tổng thể quý IV có thể có chuyển biến tích cực hơn khi thị trường ngoại hối ổn định, nguồn kiều hối gia tăng cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cũng tăng sau khi đàm phán TPP kết thúc.

 

Theo Chí Trung/ nhandan.com.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang