Thứ Sáu, 29/03/2024 06:01:49 GMT+7

Tin đăng lúc 18-01-2017

Lượt xem: 6684

Văn hóa dân gian trong tranh Đông Hồ

Một dòng tranh có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gần 500 năm, tất phải có giá trị hiện thực, giá trị nhân văn và giá trị thẩm mỹ phong phú, độc đáo và đặc sắc.
Văn hóa dân gian trong tranh Đông Hồ
Tranh Đám cưới chuột là một trong những nét đặc trưng đẹp của Việt Nam

Hồn vía dân tộc, cách cảm, cách nghĩ, cách sống của cộng đồng thanh cao mà mộc mạc, uyển chuyển mà hồn nhiên, hài hòa mà bộc trực…, được những bàn tay vàng của nghệ nhân dân gian giầu tưởng tượng, am hiểu, chắt lọc sáng tạo và nâng lên nhiều cung bậc văn hóa. Nhịp điệu cuộc sống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ đều góp mặt vào tranh.

 

Giấy dó làng Đống Cao. Vỏ sò vùng biển An Quảng. Son đỏ, Đất nâu núi Thiên Thai. Quả dành dành chín bờ ao và hoa hòe phơi đầy ngõ xóm vàng ruộm. Lá tre đầu lũy đốt lọc thành đen. Gỉ đồng từ đồ phế thải cho màu xanh bắt mắt… Chỉ thế thôi mà chiều được con mắt tinh tường của người cày ruộng làm nghệ thuật thị giác nghiệp dư mà sinh động.

 

Liệu các nhà trọc phú mới nổi bằng tiền ăn cướp và ăn cắp của nước của dân có đáng mặt biết chơi chăng? Thưa quý vị, trưởng giả học làm sang, đổ tiền mua tranh nhái, tranh rởm về treo cao ốc. Các ngài có biết nhiều bảo tàng mỹ thuật lừng danh thế giới ở những cung điện dát vàng, nạm ngọc, trân trọng treo Tranh Đông Hồ để khách sành điệu nườm nượp vào thưởng lãm mà ngạc nhiên tấm tắc.

 

Những mộc bản canh ra từ gỗ thị, gỗ lòng mực, gỗ mỡ, vừa dai thớ, mịn và rất ăn màu lại không bị co, bị nứt, để những ve mỏng như lá lúa trổ những nét những hình ngọt xớt.

 

Vào thế giới nghệ thuật thị giác làng Đông Hồ, ta bỗng tự hào đến rưng rưng xúc động. Hóa ra, người lao động ở đất Bắc Ninh mình sao mà tài hoa thế! Còn rất táo bạo nữa đấy. Ví như tranh “Đánh Ghen”, tranh “Hứng Dừa”... Hóm đáo để. Ai bảo ngày xưa các cụ nhà mình không biết, hoặc không dám chơi tranh khỏa thân? Thế xiêm y của cô vợ bé trẻ trung “tình tình gió bay” đâu mất để cặp tuyết lê phơi ra bốc lửa? Có đời thuở nhà ai, người vợ Hứng Dừa đã bãi chân lại vội vàng tốc váy. Lãng mạn và “rất đời”. Hạnh phúc gia đình, cái đẹp được ngợi ca và ao ước. “Hiền nhân quân tử dùng dằng đi chẳng nỡ”. Tranh Đông Hồ đề tài đa dạng, chủ đề sâu sắc nhiều tầng bậc. Có đến gần mười thể loại. Tranh sinh hoạt; Tranh phong cảnh; Tranh chúc tụng; Tranh thờ; Tranh lịch sử; Tranh truyện; Tranh thư pháp; Tranh phương ngôn…

 

Tranh Đánh ghen - bức tranh nổi tiếng của làng tranh dân gian Đông Hồ

 

Cỏ cây hoa lá có tranh Tứ Quý. Động vật có con gà, con lợn, con trâu, con rồng, con phượng, con hạc, con rùa… Thần thánh và ma quỷ cũng được dặt vào bản khắc. Tranh chúc tụng giàu ước mơ; Tranh sinh hoạt vừa hiện thực vừa lãng mạn; Tranh lịch sử làm sống dậy những sự kiện và nhân vật hào hùng. Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… làm kinh hoàng quân xâm lược. “Nghe tiếng trống đồng tóc đốm hoa” (Trần Phu). Tranh truyện lấy sự tích ở truyện nôm khuyết danh và hữu danh: Thạch Sanh, Phương Hoa, Lục Vân Tiên, Thúy Kiều… vì thế tranh giàu chất thơ mà dễ hiểu nhân hậu.

 

Người đi chợ Tết sắm tranh thì tùy lứa tuổi và hoàn cảnh. Nhà có học trò thì treo tranh chăn trâu đọc sách. Nhà có trai đến tuổi dựng vợ, gái đến tuổi gả chồng, treo tranh “ông Tơ xe chỉ thắm, bà Nguyệt kết tơ đào”. Thầy đồ, thầy giáo chọn tranh lịch sử, tranh thư pháp, tranh song tiên vịnh thi. Nhà có ai bệnh tật mua tranh Mẫu Đơn hái thuốc, có con hươu theo về. Hội hè đình đám tưng bừng có Đu đôi, Đấu vật, Bắt chạch trong chum… Nhà làm ăn buôn bán, trước cửa dán tranh tiến tài, tiến lộc. Nhà có bằng, có sắc treo tranh vinh hoa phú quý. Làm ăn vất vả lại có tranh mò cua bắt ốc, nhưng tranh này đẹp lắm, cái đẹp khỏe mạnh của người lao động. Nhà hiếm muộn có tranh bé ôm cá chép, phúc lộc song toàn. Ngày nay xem tranh đám cưới chuột hiểu ngay các cụ ngày xưa đã từng chống tham nhũng.

 

Vào làng tranh Đông Hồ, được trực tiếp nghe các nghệ nhân giới thiệu, tận mắt xem các sản phẩm thủ công thành tựu của văn hóa dân gian nhiều thế hệ   nghệ sĩ bình dân truyền lại, góp vào nền thơ ca nhạc họa dân tộc nghìn năm văn hiến. Đến một lần để biết. Biết rồi rủ nhau đến nữa.

 

Tản văn của Nguyễn Văn Chương (Mão Điền, Xuân Đinh Dậu – 2017)

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang