Thứ Sáu, 29/03/2024 00:03:59 GMT+7

Tin đăng lúc 05-06-2019

Lượt xem: 1323

“Ươm mầm” tình yêu di sản cho giới trẻ

Đến hẹn lại lên, kỳ nghỉ hè là dịp các hoạt động giáo dục di sản diễn ra sôi nổi tại nhiều bảo tàng, di tích. Năm nay, các chương trình giáo dục di sản đặc biệt hấp dẫn với rất nhiều điểm hoàn thiện hơn, góp phần gia tăng sức hút cũng như “ươm mầm” tình yêu di sản cho giới trẻ.
“Ươm mầm” tình yêu di sản cho giới trẻ
Học sinh tham gia tìm hiểu, học tập tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Đa dng hình thc tri nghim 

Đến với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long những ngày này, nhiều khách tham quan không khỏi ngạc nhiên khi thấy từng tốp học sinh đang tỉ mỉ đào bới đất. Thỉnh thoảng các em lại reo lên thích thú khi tìm thấy một hiện vật nào đó. Hỏi ra mới biết, đây là một phần trong chương trình giáo dục di sản “Em học làm khảo cổ” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai, mang tên “Đào cổ vật trong hố giả định”. 

Sau phần chơi, các em còn được tham gia nhiều nội dung hấp dẫn và bổ ích khác, như: Thi vẽ lại hiện vật, dập hoa văn cổ trên giấy dó… Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến cho biết, chương trình “Em học làm nhà khảo cổ” triển khai từ năm 2013, mỗi năm, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia, nhất là dịp nghỉ hè. Đến năm 2018, chương trình tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của nhiều học sinh hơn. Từ chỗ chỉ diễn ra dịp cuối tuần, đến nay chương trình được tổ chức tất cả các ngày trong tuần.
 
Là đơn vị tiên phong trong công tác triển khai giáo dục di sản theo phương pháp tiếp cận mới ở Thủ đô, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang triển khai 14 chủ đề trải nghiệm di sản, phù hợp với từng lứa tuổi, như: Lớp học xưa, bia Văn Miếu, vinh quy bái tổ, đi tìm linh vật, thi hương, thi hội, thi đình… 

Theo Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà, mỗi chủ đề mang đến một khám phá thú vị khác nhau. Nếu ở lớp học xưa, học sinh được trải nghiệm không gian học tập thời phong kiến, tìm hiểu về đồ dùng học tập của người xưa cũng như cách sử dụng bút, nghiên, giấy dó…, thì tại chủ đề khám phá linh vật trên kiến trúc cổ đại, các em được sử dụng công nghệ để tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của di sản. 

Tham gia chương trình giáo dục di sản tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, em Lê Quỳnh Như (lớp 6A2, Trường Trung học cơ sở Ngô Sỹ Liên, Hoàn Kiếm) bộc bạch: "Bản thân đã đến di tích nhiều lần, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên em quan sát kỹ hình dáng các linh vật trên từng công trình, bị cuốn hút bởi nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của từng linh vật. Qua hoạt động này, em rèn được tính kiên nhẫn, ý thức làm việc nhóm, cách đọc bản đồ, đặc biệt còn được “trò chuyện” với linh vật qua hệ thống phần mềm tương tác"...

Khơi dy tình yêu, trách nhim vi di sn

Không riêng điểm đến Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, những ngày này Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Khu di tích Cổ Loa, Nhà tù Hỏa Lò… cũng đón hàng nghìn lượt bạn trẻ đến hòa mình vào các hoạt động vui chơi bổ ích, theo từng chủ đề: Tìm hiểu các triều đại phong kiến Việt Nam, em học làm thuyết minh, mùa hè kỷ niệm… 

Dù mới triển khai hay đã thực hiện nhiều năm, song điểm chung của các hoạt động trên là đều hướng tới mục tiêu tạo điểm vui chơi lành mạnh gắn với giáo dục di sản, từng bước thúc đẩy say mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa nước nhà.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, ngành Giáo dục có nhiều môn học có thể kết hợp với các chương trình khám phá, tìm hiểu di sản. Nhiều trường học đã nhận thức được điều này, thay vì tham quan chung chung, đã phối hợp với trung tâm tổ chức các hoạt động trải nghiệm bổ ích cho học sinh tại khu di tích. 

Đặc biệt, từ tháng 9-2018, trung tâm ký thỏa thuận với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hợp tác đưa học sinh Thủ đô tới Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản theo hình thức học tập ngoại khóa. Kể từ khi ký thỏa thuận đến nay, đã có gần 17.000 học sinh được tham gia các chương trình giáo dục di sản tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong tổng số gần 2 triệu học sinh ở các cấp học của Hà Nội.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, từ tháng 11-2018 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.200 học sinh của 12 trường học tham gia thử nghiệm các chương trình giáo dục di sản mới. 

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) Trần Thị Sơn Ca khẳng định, việc được tiếp xúc trực tiếp với các di tích lịch sử, thay vì chỉ tìm hiểu trên sách vở đã giúp học sinh có được trải nghiệm thực tế quý báu, kích thích khả năng sáng tạo, ham học hỏi, từ đó hỗ trợ rất tốt cho việc học tập trong nhà trường. 

Đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm trong giáo dục di sản là hướng đi được nhiều bảo tàng, di tích lựa chọn nhằm tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến, nuôi dưỡng tình yêu đất nước, yêu các giá trị truyền thống trong các thế hệ, đặc biệt là cho giới trẻ. 

Để hoạt động này ngày càng phát huy hiệu quả, theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Văn Huy, những người tổ chức các sân chơi văn hóa như thế cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, khả năng của từng độ tuổi, đối tượng, tạo dựng được nhiều sân chơi phù hợp để truyền đam mê khám phá, học hỏi. Cùng với đó, cần có cách quảng bá rộng rãi, kết nối hiệu quả hơn để đưa các chương trình tới gần hơn với công chúng. Các cơ quan liên quan cần có thêm cơ chế, hỗ trợ các đơn vị triển khai những chương trình vui chơi bổ ích như vậy.

 

Theo hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang