Thứ Sáu, 29/03/2024 17:57:25 GMT+7

Tin đăng lúc 19-12-2018

Lượt xem: 24534

Tuyên Quang thực hiện ba khâu đột phá

Nhiệm kỳ 2015-2020, Ðảng bộ tỉnh Tuyên Quang đề ra ba khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực. Sau nửa nhiệm kỳ quyết tâm với những nỗ lực cao nhất, các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt mức kế hoạch.
Tuyên Quang thực hiện ba khâu đột phá

Báo cáo giữa nhiệm kỳ của Ðảng bộ tỉnh nêu rõ, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thực hiện năm 2016 đạt 8,2% so với năm 2015, ước thực hiện năm 2018 đạt 8,04% so với năm 2017. Cơ cấu kinh tế thực hiện năm 2016: công nghiệp - xây dựng: 32,33%, các ngành dịch vụ: 40,11%, nông, lâm nghiệp, thủy sản: 27,56%. Năm 2017, lần lượt là 32,95%, 40,89%, 26,16%. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 1.430 USD, ước thực hiện năm 2018 đạt 1.600 USD. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt 12.204 tỷ đồng, năm 2017 đạt 13.192 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2018 đạt 14.500 tỷ đồng . Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hằng năm đạt 4%. Thu hút khách du lịch ước năm 2018 đạt 1.712 nghìn lượt khách (nghị quyết đến năm 2020 thu hút 1.700 nghìn lượt khách). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới năm 2016 giảm 4,48%, năm 2017 giảm 4,01%, ước năm 2018 giảm 3,94%...

 

Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

 

Là tỉnh miền núi phía bắc, không đường sắt, cảng biển, cửa khẩu, sân bay cho nên tỉnh Tuyên Quang xác định tập trung thực hiện thật tốt việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để thu hút các nguồn lực. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến Ðầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2017; hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức chương trình cà-phê doanh nhân. Các cơ quan, đơn vị thực hiện cải cách TTHC, giảm bình quân 30% thời gian thực hiện các TTHC liên quan người dân và doanh nghiệp. Giải quyết kịp thời đơn thư có liên quan đến doanh nghiệp. Tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với công dân, để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của công dân liên quan đến TTHC. Vì vậy, năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng sáu bậc so với năm 2016, xếp vị trí thứ 39 trong số 63; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 22 trong số 63; chỉ số PAPI xếp thứ 19 trong số 63 tỉnh, thành phố. Môi trường đầu tư có nhiều cải thiện đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh như: Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Mường Thanh, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty cổ phần Woodslands Tuyên Quang, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty cổ phần Tập đoàn TH,... Ðến 31-10-2018, tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.493 với tổng số vốn đăng ký hơn 14.631 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai dự án có vốn đầu tư nước ngoài là Dự án LOTTECINEMA Tuyên Quang của Công ty TNHH LOTTECINEMA Việt Nam và Dự án Nhà máy sản xuất giày, dép xuất khẩu Tuyên Quang của Công ty TNHH tập đoàn Better Power/Samoa, đưa tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lên 253 dự án với tổng số vốn hơn 33.560 tỷ đồng. Triển khai xây dựng hạ tầng thiết yếu ở hai khu công nghiệp và bốn cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số nhà máy chế biến nông, lâm sản hoạt động ổn định như: Nhà máy sản xuất Bột giấy và Giấy An Hòa; Nhà máy Ðường Sơn Dương; các nhà máy sản xuất chè, đũa gỗ... góp phần tăng giá trị công nghiệp trên địa bàn. Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sản xuất gạch không nung với công suất 21,5 triệu viên/năm; đang đầu tư xây dựng một số dự án điện sản xuất như: dự án Nhà máy Thủy điện Yên Sơn; dự án Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7; Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8A; Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B... Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp da giày, cơ khí, phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Nhiều dự án đang hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng như: Nhà máy chế biến thức ăn gia súc công suất 200 nghìn tấn/năm; Dự án Nhà máy cơ khí đúc công suất bi gang 10 nghìn tấn/năm...

 

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

 

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22-5-2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tỉnh tập trung vào cây trồng chủ lực như chè, mía, cam, gỗ nguyên liệu; đồng thời phát triển chăn nuôi trâu, cá đặc sản. Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại. Do vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng nông thôn mới, công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hằng năm đạt 4%. Sản lượng lương thực năm 2016 đạt 346 nghìn tấn, bằng 103,9% kế hoạch; năm 2017 đạt gần 339 nghìn tấn, bằng 100,7% kế hoạch; năm 2018 ước đạt gần 344 nghìn tấn; mở rộng diện tích trồng lạc giống vụ hè thu, đưa diện tích cây lạc lên hơn 4.300 ha, tập trung ở hai huyện Chiêm Hóa và Lâm Bình; xây dựng nhãn hiệu lạc Chiêm Hóa.

 

Giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên; tổng diện tích vùng cam đạt 7.801,2 ha (tăng 3.246,2 ha so năm 2015), trong đó chủ yếu ở huyện Hàm Yên và huyện Chiêm Hóa, diện tích cho sản phẩm đạt 4.926 ha; xây dựng chợ đầu mối cam sành; kho bảo quản và nhà máy chế biến nước ép cam sành tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, công suất bảo quản 4.500 tấn/năm, chế biến 1.500 tấn nước ép/năm; đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành và quy hoạch chi tiết phát triển vùng sản xuất cam. Thực hiện các mô hình nâng cao năng suất mía, sử dụng các giống mới, thâm canh đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, cơ giới hóa trong khâu làm đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất.

 

Phát triển chăn nuôi hàng hóa đã hình thành theo từng vùng: chăn nuôi trâu, bò, lợn ở các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương; phát triển bò sữa trên địa bàn hai huyện Yên Sơn và Sơn Dương, với tổng đàn gần 4.000 con, chất lượng đàn bò sữa ngày càng được nâng lên, sản lượng sữa bình quân tại các đơn vị là 26 kg/con/ngày; trong đó, một cơ sở chăn nuôi bò sữa được chứng nhận "Ðạt chuẩn quốc tế GlobalGAP"; phát triển đàn bò thịt tại huyện Yên Sơn và huyện Sơn Dương với tổng đàn bò hiện có hơn 34 nghìn con; chăn nuôi gà, vịt bầu đặc sản giống địa phương tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa gắn với thị trường tiêu thụ, nâng tổng đàn gia cầm hiện có lên hơn năm triệu con. Chăn nuôi đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại. Toàn tỉnh có 13 hợp tác xã chăn nuôi, 245 trang trại chăn nuôi, 117 tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động có hiệu quả. Thu hút một số nhà đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi quy mô lớn vào tỉnh như: trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Hồ Toản. Ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Tiến hành rà soát, điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân ba loại rừng. Hiện nay, có hơn 90% diện tích rừng của các công ty lâm nghiệp được thực hiện theo hình thức liên doanh với hộ gia đình. Trong đó, Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hòa đã thực hiện liên kết trồng 3.350 ha rừng với chính sách hỗ trợ toàn bộ cây giống keo lai hom trên một đơn vị diện tích cho các hộ gia đình, cá nhân và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng sau khi khai thác theo giá tại thời điểm mua bán phù hợp giá thị trường.

 

Phê duyệt và thực hiện Quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 11.000 ha, sản lượng thủy sản năm 2017 hơn 7.250 tấn, trong đó cá đặc sản hơn 300 tấn. Sản phẩm cá lăng được bình chọn danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

 

Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch

 

Ðược ví như bảo tàng cách mạng của cả nước với hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có hơn 300 di tích lịch sử cách mạng. Tiêu biểu và nổi bật nhất là quần thể di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt Tân Trào và di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 28-KL/TU về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hành động số 15-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn. Tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu du lịch sinh thái Na Hang, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu di tích thắng cảnh Ðộng Tiên,... Ðồng thời, hoàn thành quy hoạch tổng thể ba khu du lịch: Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang và Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Một số điểm du lịch trên địa bàn huyện, thành phố được phục dựng như: chùa Phật Lâm, xã Nhữ Hán; chùa Ba ông Phật, xã Phú Lâm; đình An Lạc, xã Xuân Vân; đình Minh Cầm, xã Ðội Bình (Yên Sơn); xây dựng đình Thọ Vực, thôn Gò Ðình, xã Hồng Lạc; đền Thượng (Sơn Dương); chùa Nà Seo, xã Kiên Ðài (Chiêm Hóa); đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm (Lâm Bình)... Hoàn thiện hồ sơ Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Danh lam thắng cảnh quốc gia. Lập hồ sơ xây dựng Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) - Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới; hoàn thiện Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể "Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam" trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức quy mô lớn, các mô hình diễn diễu đặc sắc, lễ hội đã thu hút sự tham gia của nhân dân Tuyên Quang, du khách trong và ngoài nước.

 

Ðầu tư xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình ở các thôn: Nà Tông, Nà Ðông (xã Thượng Lâm), Nà Muông (xã Khuôn Hà) và Nặm Ðíp (xã Lăng Can). Thực hiện đề án Bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với khu di tích lịch sử Kim Bình và phát triển dịch vụ du lịch tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa.

 

Tích cực, chủ động triển khai các hoạt động hợp tác, giao lưu hữu nghị và thiết lập quan hệ với các địa phương nước ngoài: Hợp tác với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), Hợp tác với thành phố An-xơng, tỉnh Ki-ong-gi (Hàn Quốc); kết nối, trao đổi thông tin để thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác, địa phương như tỉnh Ô-i-ta, tỉnh A-ô-mô-ri (Nhật Bản), Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam của Nhật Bản, Công ty cổ phần hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật - Việt; tỉnh Xa-con Na-khon, Thái-lan; tỉnh Phúc Kiến, Hội đồng Thương mại Trung Quốc - ASEAN... tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện một số nước (Hung-ga-ri, Hoa Kỳ, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Lào, Ấn Ðộ, Xin-ga-po...) tại Việt Nam cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại một số nước (Nhật Bản, Trung Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Ðức) trong việc hỗ trợ kết nối với các địa phương, tổ chức nước ngoài, giúp quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có năng lực đến đầu tư tại tỉnh.

 

Nguồn Nhân Dân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang