Thứ Tư, 17/04/2024 02:17:56 GMT+7

Tin đăng lúc 13-04-2019

Lượt xem: 2211

Tuyên Quang: Cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp

Những kết quả trong cải cách hành chính những năm gần đây của tỉnh Tuyên Quang đã và đang tạo sự thông thoáng trong môi trường đầu tư, tạo đà phát triển và tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Tuyên Quang: Cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp
Các đại biểu tại Chương trình Cà phê doanh nhân

Năm 2013, Tuyên Quang là tỉnh đứng cuối trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của cả nước, nhưng đến năm năm 2014, tỉnh Tuyên Quang đã tăng 13 bậc trong bảng xếp hạng, vươn lên đứng thứ 50 trong 63 tỉnh, thành phố; điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất trong các tỉnh, thành phố với 6,22 điểm; Và từ đó chỉ số PCI của tỉnh tăng đều qua các năm. Năm 2017, Tuyên Quang xếp ở vị trí 39/63 tỉnh thành (tăng 6 bậc so với năm 2016) và đến năm 2018, xếp ở vị trí 34/63 tỉnh thành (tăng 5 bậc so với năm 2017).

 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, tăng cường trợ giúp doanh nghiệp, giảm thời gian cấp chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt, Chương trình Cà phê doanh nhân” là kênh thông tin đối thoại cởi mở giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất.

 

Được tổ chức từ năm 2014, đến nay chương trình “Cà phê doanh nhân” tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 13 kỳ với hơn 3.000 lượt doanh nghiệp, 138 ý kiến tham gia đối thoại đề nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc, đã giải quyết được 132 ý kiến.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, cà phê doanh nhân đã đưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành đến gần với doanh nghiệp hơn. Không chỉ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, chương trình cà phê doanh nhâncòn giúp các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng doanh nghiệp bàn chiến lược phát triển.  Sự “lan tỏa” của Cà phê doanh nhân đã một phần làm thay đổi tư duy giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phục vụ doanh nghiệp.  

 

Đặc biệt, hoạt động đối thoại doanh nghiệp đã được triển khai tới cấp huyện, ngành như: Tư pháp, Giao thông, thuế, các huyện: Chiêm Hóa, Lâm Bình, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang. Đối thoại doanh nghiệp tại cấp huyện đã được lãnh đạo coi là hoạt động quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

 

Ông Đỗ Trung Kiên – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết,  doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Tuyên Quang được hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư đúng theo quy định của Luật đầu tư và các văn bản dưới Luật. Công tác tiếp nhận hồ sơ và xử lý hồ sơ kịp thời, không có tình trạng gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

 

Các dự án được cấp Chứng nhận đầu tư thực hiện theo đúng quy định tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trên cơ sở phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, quy hoạch ngành và chiến lược phát triển vùng nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực cũng như phát huy lợi thế để phát triển bền vững. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đều được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết.

 

 

Biểu đồ so sánh các chỉ số thành phần PCI qua các năm

 

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Tuyên Quang đã góp phần vào việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một số nhà đầu tư lớn đang tiến hành đầu tư tại Tuyên Quang, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty Cổ phần Woodsland, Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Việt Nam... Nhiều Tập đoàn lớn, Tổng công ty, tổ chức trong nước và nước ngoài đã khảo sát, nghiên cứu môi trường đầu tư tại tỉnh như: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn TH, Tập đoàn DSH (Tây Ban Nha), công ty DELTA, tổ chức JETRO và JICA; …

 

Các dự án đầu tư được triển khai, đi vào hoạt động đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bổ sung vốn cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng giá trị xuất khẩu, đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo việc làm cho người lao động. Các dự án cũng góp phần nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo niềm tin và hiệu ứng tốt đối với các cá nhân, tổ chức có ý định tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang.

 

Đến nay tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.518 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 14.825 tỷ đồng; tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 263 dự án với tổng số vốn trên 37.048 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 08 dự án đầu tư của 06 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Samoa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đã và đang triển khai hoạt động với tổng vốn đăng ký 184,4 triệu USD, trong đó, có 01 nhà đầu tư nước ngoài mới (công ty TNHH tập đoàn Better Power/Samoa) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất giày, dép xuất khẩu Tuyên Quang, với tổng vốn đầu tư là 25 triệu USD. Các dự án FDI triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho 5.535 lao động.

 

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang rất ghi nhận những cách làm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp khẳng định, môi trường kinh doanh của tỉnh đang được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng dần vị trí xếp hạng qua các năm.

 

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ông Trần Ngọc Thực - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI tỉnh Tuyên Quang đề nghị ,mỗi thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu bộ chỉ số, thực hiện những giải pháp hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2019 và định hướng những năm tiếp theo. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục khởi xướng nhiều chương trình, phương thức để trao đổi, đối thoại cởi mở với chính quyền về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao tinh thần khởi nghiệp...

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang