Thứ Ba, 23/04/2024 21:25:34 GMT+7

Tin đăng lúc 13-08-2020

Lượt xem: 1503

Truyện ngắn: Hàng xóm

Hàng xóm của mình ở Hà Nội, mình vẫn gọi là hai bác và xưng em. Anh là người dân tộc thiểu số, quê ở huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Chị là người Hà Nội. Anh chị là hai người hàng xóm rất tình nghĩa.
Truyện ngắn: Hàng xóm
Niềm tự hào của ẩm thực quê hương

Rằm tháng Bảy, anh hay về quê. Khi xuống Hà Nội, lần nào chị cũng gọi cổng nhà mình cho bọn trẻ con vài cái bánh nếp, một ít măng tươi mà anh chị dù vất vả xe, tàu vẫn chở từ quê xuống.

 

Hồi mình mới về làm hàng xóm, anh chị còn khó khăn, con nhỏ, nhà cũ. Cả gia đình có cái xe đạp tàng là tài sản duy nhất thì hỏng không đi được. Chồng mình bảo: “Em sang đưa anh chị ít tiền để anh chị mua chiếc xe đạp mới”. Tiền chẳng đáng là bao, nhưng anh chị cứ nói “Cô chú tốt quá!”.

 

Tết đến, chồng mình mua tặng anh chiếc áo sơ mi của May 10 mừng tuổi anh. Mình đem cân gạo nếp từ quê Bắc Ninh sang biếu chị. Anh chị lại cho lại cặp bánh chưng tự gói. Khi anh chị làm nhà, nhà mình sang thưa chuyện: “Chúng em biếu anh chị mấy nghìn gạch “của nhà làm ra”. Rồi cả năm trời nhà mình làm nhà sau đó, quấy nhiễu gia đình anh chị, cát bụi, thợ thuyền, hai nhà như một.

 

Người ta hay nói Hà Nội là đất “Kẻ Chợ”, nhà ai biết nhà đó. Nhưng giữa nhà mình với nhà hàng xóm sát vách lại gần gũi như anh em ruột thịt.

 

Khi sang Mỹ, cả nhà mình dặn nhau: “Người da trắng họ rất tôn trọng sự riêng tư. Gia đình mình cố gắng sống “nhập gia tuỳ tục”, đừng ảnh hưởng đến họ”.

 

Bên cạnh nhà mình, thấy có một bà mẹ già và hai ông con trai tầm trên dưới 60 tuổi. Ông em không thấy có vợ, người anh có gia đình nơi khác, nhưng vì mẹ già, nên gần cả tuần ở nhà mẹ để chăm sóc mẹ, cuối tuần ông mới về nhà riêng.

 

Dạo đó là giữa mùa hè, buổi chiều trời trong xanh, cao vút, gió nhè nhẹ thổi qua những tán lá phong rập rờn, hoa cẩm tú cầu tưng bừng, hoa hồng các màu rực rỡ... Bãi cỏ xanh rờn trước sân nhà người hàng xóm trở thành nơi mỗi chiều hai người con đưa mẹ ra hóng mát. Mình đi qua, thường chào bà, bà hay giơ tay vẫy.

 

Một hôm, thấy gia đình mình đi mua sắm, khuân vác mọi thứ về cho căn nhà mới đến, người anh chặn mình lại và nói: “Nhà tôi có một bộ giường đệm mới mua chưa dùng đến và một lò vi sóng vẫn dùng tốt, tôi tặng bạn”.

 

Mình bối rối, chưa biết nói như thế nào, thì ông đã dẫn vào nhà. Rồi hai ông cùng nhà mình khiêng lễ mễ những thứ đó sang, lắp ráp cẩn thận rồi mới về.

 

Mấy hôm sau, mình nấu món Việt, làm nem rán, bún chả thịt nướng và mang sang biếu gia đình hàng xóm. Khi họ mang chiếc đĩa rửa trắng tinh sang trả, người hàng xóm kể hôm nay mẹ họ ăn được nhiều, bà khen món ăn Việt Nam tuyệt vời. Từ đó, thỉnh thoảng mình lại biếu họ đồ ăn Việt: Bún mọc, phở bò, bún sườn... Thậm chí, có lần thấy 5-6 ông hàng xóm ngồi trên thảm cỏ uống bia, mình bưng đĩa chả cốm nóng sang. Cốm mình mang từ Hà Nội qua. Một lúc sau, thấy một người hàng xóm khác cầm sang một chai rượu vang và bấm chuông, nói: “Tôi tặng bạn. Cảm ơn bạn đã cho chúng tôi thưởng thức lại món ăn Việt Nam mà tôi đã từng được ăn khi du lịch”.

 

Mình nhận ra một điều: Từ Đông sang Tây, những giá trị căn bản của con người, thực ra vẫn giống nhau và vẫn được gìn giữ. Một trong những giá trị đó là sự hoà hợp thân thiện giữa người với người và tình làng nghĩa xóm. Đó là nét đẹp của sự CỘNG SINH.

 

Như Trang


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang