Thứ Bẩy, 20/04/2024 21:40:54 GMT+7

Tin đăng lúc 22-02-2015

Lượt xem: 6225

Trường Cao đẳng nghề Điện: Nơi đào tạo nghề điện hàng đầu Việt Nam

Trường Cao đẳng nghề Điện - đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật điện) được thành lập năm 1967. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến nay, Trường đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo nghề uy tín hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực kỹ thuật điện.
Trường Cao đẳng nghề Điện: Nơi đào tạo nghề điện hàng đầu Việt Nam
HSSV của Trường trong giờ thực hành

Với mục tiêu "Xây dựng và phát triển đội ngũ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và giáo viên có vai trò quyết định đến chất lượng đào tạo nghề...", nên Trường Cao đẳng nghề Điện đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, gắn việc đào tạo lý thuyết với thực hành cho học sinh, sinh viên.

 

Hiện tại, Nhà trường có hơn 170 cán bộ, giáo viên (trong đó có 20 thạc sĩ, 01 giáo viên đang bảo vệ luận án tiến sĩ tại Cộng hòa Pháp và 35 người đang theo học cao học). Nhà trường đã xây dựng “Kế hoạch chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề Điện giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020”, với mục tiêu “Phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao tại Việt Nam và khu vực ASEAN. Cung cấp dịch vụ đào tạo nghề đa ngành, đa hệ có chất lượng cao, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và xuất khẩu lao động, tạo cơ hội học tập thuận lợi suốt đời cho mọi đối tượng trong EVN và xã hội”.

 

Chính vì vậy, hàng loạt các giải pháp được lãnh đạo Nhà trường triển khai, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh sinh viên (HSSV), thông qua việc tuyển dụng, tuyển sinh, đảm bảo số lượng và chất lượng chuyên môn; chú trọng đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật trực tiếp phục vụ các ngành nghề đang có nhu cầu cao như: Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp; vận hành, sửa chữa lò hơi và tuabin; thí nghiệm điện, đo lường điện,  các nghề về cơ khí; quản lý kinh doanh điện, quản lý điện nông thôn, lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp…. Nhà trường đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung nâng cấp trang thiết bị, nhà xưởng, xây dựng mới và rà soát hiệu chỉnh các chương trình, giáo trình dạy nghề... Đó là những yếu tố quyết định đến việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề của Nhà trường. HSSV sau khi tốt nghiệp có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và điều quan trọng là giúp cho người học có khả năng tìm được việc làm ngay sau khi ra trường, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trao đổi với chúng tôi, NGƯT, Hiệu trưởng Nguyễn Bình Minh cho biết, những năm gần đây, Trường đặc biệt quan tâm tới việc khuyến khích các thầy, cô giáo đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới vào thực tiễn giảng dạy; Nghiên cứu biên soạn 04 chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề Hệ thống điện; Đo lường điện; Thí nghiệm điện; Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Hiện nay các phòng, khoa, xưởng thực hành đã biên soạn hoàn chỉnh các chương trình dạy nghề, giáo trình các môn học và mô-đun. Nhà trường thường xuyên liên hệ và có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp sử dụng lao động, cập nhật các thông tin về nhu cầu đào tạo, các yêu cầu về ngành nghề, trình độ bậc thợ, những cải tiến và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh để kịp thời bổ sung điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy. Trong đó, Trường đã mở nhiều lớp đào tạo công nhân kỹ thuật cho các đơn vị: Công ty Truyền tải điện 1; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực Tp Hà Nội, Công ty TOYOTA Việt Nam; Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh; các Công ty Điện lực, các nhà máy và trạm thủy điện…Đồng thời liên kết với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật .... đào tạo liên thông hệ đại học các chuyên ngành kỹ thuật nghề điện cho các đối tượng trên địa bàn các tỉnh miền Bắc.

 

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Trường đã có hàng chục đề tài nghiên cứu KHCN các cấp và ứng dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả cao; Trường có 05 giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc, hàng năm có 2 - 4 giáo viên giỏi cấp thành phố, 20 - 23 giáo viên giỏi cấp trường; tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt 98,5% - 98,9%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt từ 97,6% - 99,3%. Năm 2008, Nhà trường là một trong 08 trường đào tạo nghề đầu tiên của cả nước được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề. Đặc biệt, mới đây, Trường Cao đẳng nghề Điện lại tiếp tục được Nhà nước cấp chứng nhận trở thành một trong những Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Với chức năng này, chắc chắn chất lượng nguồn lực trong ngành năng lượng, kỹ thuật điện sẽ được nâng cao và điều quan trọng là người lao động biết được mình đang ở trình độ nào để học tập và vươn lên.

 

Từ một cơ sở đào tạo thiếu thốn về vật chất, đội ngũ giáo viên yếu về chuyên môn, nội dung đào tạo nghèo nàn, chất lượng học sinh không cao… sau nhiều năm phấn đấu vì sự nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và ngành Điện lực Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2012 - 2014, Trường Cao đẳng nghề Điện đã có bước tiến vượt bậc cả về chất và lượng, khẳng định được thương hiệu là trường đào tạo nghề kỹ thuật điện hàng đầu và duy nhất ở Việt Nam.

 

Với những kết quả đã đạt được trong gần nửa thế kỷ nỗ lực phấn đấu, tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Nhà trường đã được tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động; Huân chương Chiến công; nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, các Bộ, ngành và Thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Trường Cao đẳng nghề Điện đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2012.

 

Phát huy thành tích đã đạt được, Trường Cao đẳng nghề Điện đang tập trung thực hiện các mục tiêu cụ thể như sau:

 

Phấn đấu xây dựng Trường Cao đẳng nghề Điện có vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục dạy nghề Việt Nam, trong đó có 02 nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn nghề trọng điểm khu vực và thế giới, 01 nghề trọng điểm cấp quốc gia; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao về các nghề ở cả 3 cấp: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý cả về quy mô, trình độ và cơ cấu, đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận thuộc diện quy hoạch đã trình EVN; Kết hợp chặt chẽ đào tạo và dịch vụ để đa dạng hóa và tăng tỷ trọng nguồn thu; Từng bước hoàn chỉnh cơ cấu các phòng, khoa, trung tâm nghiên cứu và cơ chế quản lý theo đề án nâng cấp trường đã được EVN phê duyệt; Thực hiện tốt mô hình hợp tác với các cơ sở nghiên cứu và sản xuất trong nước nhằm tăng cường điều kiện và năng lực thực tập và đào tạo thực hành, đào tạo theo nhu cầu xã hội; Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, để đào tạo cán bộ, giáo viên, đồng thời đẩy mạnh và nâng cao vị thế quốc tế của Trường Cao đẳng nghề Điện; Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên và giáo viên, xây dựng môi trường học tập, thực hành giàu tính nhân văn, xây dựng ý thức tự hào và trách nhiệm, tinh thần đoàn kết nhất trí của cán bộ và HSSV đối với sự nghiệp phát triển Nhà trường; Phấn đấu giữ vững mức 3 kiểm định chất lượng dạy nghề trong kỳ kiểm định tiếp theo. Phấn đấu hàng năm, đạt Trường “Tiên tiến xuất sắc”; “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu”; Công đoàn và Đoàn Thanh niên đạt danh hiệu xuất sắc…

 

Mai Hương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang