Thứ Sáu, 29/03/2024 13:10:01 GMT+7

Tin đăng lúc 31-10-2018

Lượt xem: 26064

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn: Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng liên kết với Doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế, gắn đào tạo với thị trường lao động.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (CĐKTCN) ngày nay có truyền thống đào tạo nghề trong 56 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, ngày 26/4/2017 Bộ Lao động TB&XH đã có quyết định số: 604/QĐ-LĐTBXH đổi tên chính thức là Trường Cao đẳng KTCN Quy Nhơn.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn: Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng  đào tạo, mở rộng liên kết với Doanh nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế, gắn đào tạo với thị trường lao động.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng KT-CN nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Định

Ngày 20/10/2018, Trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới (2018-2019), PV Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Tuyết Nhung – Hiệu trưởng Nhà trường về định hướng phát triển và phương thức đào tạo mới gắn bó mật thiết với  thị trường lao động.

 

PV: Xin bà cho biết kết quả đào tạo của Nhà trường năm học 2017 – 2018 và quyết định của Bộ Lao động TB&XH về việc đổi tên trường? Xin bà cho biết ý nghĩa của việc Trường mang tên Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ?

 

Hiệu trưởng Võ Thị Tuyết Nhung: Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật GDNN) được Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 27/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 đã thực sự tạo nên sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI.

         

Một trong những đổi mới then chốt của Luật GDNN đó là làm thay đổi toàn diện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, các trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp không còn phân biệt trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề; cao đẳng chuyên nghiệp, trung cấp chuyên nghiệp mà thống nhất do Bộ LĐTB&XH quản lý nhà nước; đào tạo nghề có 3 cấp trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

         

Theo đó hệ thống văn bằng chứng chỉ phải thay đổi cho phù hợp: Người tốt nghiệp trình độ cao đẳng các ngành, nghề kỹ thuật sẽ được cấp bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng và được công nhận danh hiệu Kỹ sư thực hành; người tốt nghiệp các ngành, nghề kinh tế, dịch vụ sẽ được công nhận danh hiệu Cử nhân; phương thức đào tạo đã có nhiều đổi mới.

         

Nắm bắt cơ hội đổi mới của hệ thống đào tạo nghề theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Nhà trường thống nhất đổi tên Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn (tên viết tắt QCET). Được Bộ LĐTB&XH cấp giấy chứng nhận hoạt động ngày 26/4/2017.

         

Mục tiêu của Nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng.

 

Năm học 2017-2018 là năm học đầu tiên nhà trường thực hiện đổi mới theo luật giáo dục nghề nghiệp.

 

PV: Xin bà cho biết quy mô và phương thức đào tạo niên học (2018-2019) của Trường đã có những chuyển biến tích cực nào về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, mở rộng liên kết đào tạo phù hợp với tên gọi mới?

 

Hiệu trưởng Võ Thị Tuyết Nhung: Năm học 2017-2018, Nhà trường tiến hành tổ chức xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo theo Luật GDNN, trong đó nội dung chương trình đào tạo xây dựng tiếp cận hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia, cấu trúc chương trình đào tạo xây dựng theo hệ thống mở, linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Nhà trường dành khoảng 20 tín chỉ trong tổng số 70 tín chỉ dùng để sinh viên, học sinh thực tập tại doanh nghiệp, 70% chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tích hợp. Đây thực sự là cơ hội để người học tiếp cận doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm, tạo mối quan hệ gắn kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp.

 

 

Bà Võ Thị Tuyết Nhung – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đánh trống khai giảng năm học 2018-2019

 

Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ theo từng nghề, các phòng học tích hợp với trang thiết bị hiện đại. Từ khi được nâng cấp lên Trường Cao đẳng, được Nhà nước đầu tư nghề trọng điểm, hàng năm Nhà trường được Bộ LĐTB&XH đầu tư từ 8-10 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị từ năm 2009, đạt chuẩn Quốc tế, khu vực ASEAN, Quốc gia.

 

Đội ngũ Nhà giáo được đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn Quốc tế, khu vực và Quốc gia trên các phương diện: Chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học…; phẩm chất chính trị; đạo đức lối sống.

         

Trong bối cảnh tuyển sinh đào tạo nghề gặp rất nhiều khó khăn, Nhà trường vẫn duy trì kết quả tuyển sinh đạt chỉ tiêu đã đề ra, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và có việc làm đạt trên 80%. Hàng năm số lượng sinh viên, học sinh tốt nghiệp trên 750 sinh viên, học sinh chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp.

         

Tuyển sinh: Trên 1200 người học trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy và trên 400 người học các trình độ khác.

 

Nhà trường luôn giữ vững thương hiệu là trường đứng tốp đầu trong hệ thống GDNN của cả nước.

         

Năm học 2018-2019: Trường tiếp tục duy trì chất lượng đào tạo, làm tốt công tác tuyển sinh, mở rộng đối tượng tuyển sinh và hình thức tuyển sinh. Kết quả tuyển mới hơn 1.150 người học trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy và hơn 600 người học các trình độ khác, nâng quy mô đào tạo của Nhà trường lên 3.250 người học nghề.

 

PV: Đổi mới công tác đào tạo trong giai đoạn cách mạng Công nghiệp 4.0 đã được Nhà trường triển khai và đưa vào định hướng phát triển trong những niên khóa tiếp theo, giữ vững mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại như thế nào, thưa bà?

 

Hiệu trưởng Võ Thị Tuyết Nhung: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) hiện phát triển như vũ bão, nó tác động đến tất cả các quốc gia tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay.

 

Đối với Việt Nam, việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này một mặt sẽ tạo ra những việc làm mới. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động ngày càng gia tăng, việc làm, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, internet kết nối vạn vật, công nghệ in ba chiều (3D), công nghệ vật liệu mới… tạo nhiều co hội về việc làm mới, hợp tác quốc tế trong đào tạo,…

 

 

Bà Nguyễn Thị Hằng- Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH phát biểu tại lễ khai giảng

 

Nắm bắt đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nhà trường đã có nhiều giải pháp trong năm học 2018-2019 và những năm tiếp theo đó là:

 

Một là, nghiên cứu thị trường lao động, mở rộng ngành, nghề đào tạo mới đổi mới đào tạo đáp ứng yêu cầu người học, thị trường lao động, bên cạnh những ngành nghề truyền thống; phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận năng thực hiện và hình thành “Ma trận học tập” trong Nhà Trường.

 

Hai là, với mục tiêu chất lượng luôn đi đầu Nhà trường luôn quan tâm đến    đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu mới. Trong đó chú trọng bồi dưỡng năng lực thực hành, năng lực  ngoại ngữ, tin học; đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng dạy học tích hợp, tạo điều kiện để người học sáng tạo, tạo ra sản phẩm trí tuệ cao; loại bỏ tư duy áp đặt, dạy học một chiều, truyền thụ kiến thức; thích ứng nhu cầu của doanh nghiệp, chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng chuyển đổi ngành, nghề.

 

Ba là, đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng chương trình, giáo trình, giảm nội dung lý thuyết, tăng cường thời lượng thực hành; chú trọng mô hình “học tập tại nơi làm việc”; học tập tại doanh nghiệp.

 

Bốn là, đầu tư thiết bị đào tạo theo hướng hiện đại, tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm tiếp cận và tận dụng được thiết bị hiện đại, giảm gánh nặng về đầu tư thiết bị. Nhà trường cần xây dựng các phòng học thông minh, phòng học phương tiện, đầu tư thiết bị thế hệ công nghiệp 4.0 và có sự hợp tác sâu rộng giữa Nhà trường, doanh nghiệp và xã hội đảm bảo lợi ích hài hoà.

 

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, các nước trong khu vực chú trọng xuất khẩu lao động nhằm tạo điều kiện người lao động tìm cơ hội việc làm, tiếp cận công nghệ; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

         

PV: Xin cám ơn và kính chúc Trường Cao đẳng KTCN Quy Nhơn vươn lên giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong niên học 2018-2019.

                                                                                         

Văn Thuận (thực hiện)

     


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang