Thứ Sáu, 19/04/2024 16:18:46 GMT+7

Tin đăng lúc 19-05-2015

Lượt xem: 5112

Trung tâm xúc tiến thương mại Bình Định: Một chặng đường nhìn lại

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua (sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước), với không ít khó khăn, thách thức luôn đan xen cùng những thành công và tồn tại của những CBVC làm công tác xúc tiến thương mại (XTTM) Bình Định mới thấu hiểu hết ý nghĩa của những thành quả đạt được giờ đây trong lĩnh vực này.
Trung tâm xúc tiến thương mại Bình Định: Một chặng đường nhìn lại
Ông Nguyễn Thanh Kỳ - Giám đốc TT XTTM Bình Định (thứ 4 từ trái sang)

Thay đổi tư duy và nhận thức về XTTM

 

Trước đây, hoạt động thương mại trong nước chủ yếu dựa trên cơ sở phân phối hàng hóa theo kế hoạch, quan hệ ngoại thương chưa phát triển, sản phẩm xuất khẩu còn quá ít, công tác XTTM chưa phải là nhu cầu cấp thiết với các nhà: lãnh đạo, quản lý, với các doanh nghiệp thương mại. Tuy nhiên, từ năm 1986, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách và mở cửa nền kinh tế, thì tư duy quản lý kinh tế đã có sự thay đổi căn bản, hoạt động thương mại trong cả nước nói chung, ở Bình Định nói riêng cũng có bước “chuyển mình” theo chiều hướng tích cực, đồng thời với những thành quả có được từ sự nghiệp đổi mới, như được tiếp thêm nguồn lực để ngành thương mại tạo đà “cất cánh”. Bên cạnh đó, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đã mang đến cho các nhà sản xuất - kinh doanh thương mại không ít thời cơ và thách thức: thị trường trong, ngoài nước trở nên sôi động hơn, sức cạnh tranh hàng hóa ngày một khốc liệt. Nhìn lại những năm 90 sẽ thấy, XTTM đã được mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm, bàn luận, nhưng để đến với XTTM thì mỗi người, mỗi tư duy, mỗi cách tiếp cận, nhìn nhận thị trường khác nhau, nên khó có sự đồng thuận… bởi vậy, muốn XTTM hiệu quả, trước hết phải có sự thay đổi về tư duy, nhận thức.

 

Trung tâm XTTM Bình Định, đơn vị trực thuộc Sở Công Thương, có chức năng giúp Sở thực hiện quản lý nhà nước về XTTM tại địa phương và tổ chức triển khai các hoạt động XTTM quan trọng mang tính quốc gia, vùng và địa phương. Trung tâm được thành lập, ghi dấu ấn cho lĩnh vực XTTM địa phương bước sang thời kỳ phát triển mới. Các khóa đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng hoạt động XTTM thường xuyên được tổ chức, tham gia với nội dung phong phú, thiết thực như: “phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” (tổ chức tại Quảng Ngãi); các lớp tập huấn: “nghiệp vụ XTTM” (tổ chức tại Khánh Hòa); “thương mại điện tử năm 2014” (tổ chức tại Bình Định)… và hàng loạt chương trình được mở ra đã thu hút đông đảo các nhà: lãnh đạo, quản lý, các cán bộ làm công tác XTTM, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng… trong, ngoài tỉnh tham gia.

 

XTTM là phạm trù rộng bao trùm từ sản xuất đến lưu thông, từ nghiên cứu phát triển  đến xây dựng nền văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc. XTTM đâu chỉ là trách nhiệm của một cơ quan, tổ chức…, mà ở đó cần huy động được nguồn lực, quy tụ được sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp. Với phương châm “kết nối đa chiều - vì lợi ích doanh nghiệp”. Chỉ 5 năm trở lại đây, Trung tâm XTTM Bình Định đã triển khai hiệu quả, để lại dấu ấn cho không ít mô hình, đề án XTTM như: phát động tháng bán hàng khuyến mãi, giảm giá trên toàn tỉnh; đưa hàng Việt về nông thôn; Phối hợp các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông tổ chức hội chợ triển lãm, phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu; khuyến khích “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Công tác XTTM ở Bình Định đã được các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm, chỉ đạo sát sao. Hiện, Bình Định có 1 Trung tâm XTTM và nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hoạt động XTTM khá sôi nổi… Nhờ vậy, đã góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh phát triển bền vững.

 

Mặc dù, ngân sách dành cho hoạt động XTTM tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có hạn, công tác XTTM gặp không ít khó khăn, đặc biệt với các huyện vùng sâu, vùng xa. Nên hàng năm tỉnh vẫn dành khoảng 1.300 triệu đồng hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh hoạt động XTTM. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành TW thường xuyên hỗ trợ cung cấp thông tin, tổ chức đoàn đi nước ngoài, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường; các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại, các trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam… đã phát huy tốt vai trò cầu nối hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp Bình Định. Phải thừa nhận, việc tổ chức hoạt động XTTM ở nước ngoài lúc này đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận như: tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam… được triển khai khá đa dạng, nội dung phong phú, hấp dẫn hơn; tài liệu nghiên cứu, thông tin thị trường, giới thiệu đối tác kinh doanh… được cập nhật, gửi về nước kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp…

 

Hoạt động XTTM cần có trọng điểm

 

XTTM ở nước ngoài như: tổ chức tham gia Hội chợ triển lãm thương mại, thuê chuyên gia tư vấn, lập văn phòng đại diện, nghiên cứu, khảo sát thị trường… là những hoạt động đòi hỏi không ít kinh phí, vì thế tổ chức các hoạt động XTTM không có định hướng rõ ràng cho nội dung hoạt động, thị trường, mặt hàng… thì các doanh nghiệp khi tham gia dễ bị phân tán, tham gia theo kiểu “ngẫu hứng”, không mang lại hiệu quả. Hiện, Bình Định có quan hệ với 81 quốc gia, vùng lãnh thổ, hàng hóa chủ lực như: đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thủy sản… mang thương hiệu “Bình Định” đã được xuất khẩu sang 81 nước. Việc hình thành chương trình XTTM trọng điểm hàng năm là nhằm tập trung sức mạnh nguồn lực khai thác hiệu quả một số thị trường trọng điểm, tiềm năng như: Lâm sản, thủy sản, nông sản và hàng công nghiệp tiêu dùng. Đến nay, hoạt động XTTM của Bình Định đã có đổi thay rõ rệt, từ chỗ hoạt động không có định hướng, mạnh ai nấy làm, thì nay đã được đưa vào chương trình, triển khai có kế hoạch, có sự điều tiết của Nhà nước, địa phương. Rõ nét nhất, công tác xây dựng và điều phối chương trình trọng điểm ở Bình Định ngày càng được hoàn thiện, được các doanh nghiệp đón nhận, hưởng ứng.

 

Sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, XTTM Bình Định đã có bước tiến rõ rệt, là chất xúc tác quan trọng, kích thích sự phát triển kinh tế địa phương. Mặc dù trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập kinh tế khu vực, thế giới ngày càng sâu, rộng; khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm, sản phẩm các doanh nghiệp làm ra tiêu thụ chậm, thị trường đầu ra sản phẩm bấp bênh…, song, các doanh nghiệp Bình Định vẫn tự tin, phát huy tối đa nội lực vượt qua thách thức tiếp tục gặt hái thành công, đón tiếp không ít đối tác, khách hàng trong, ngoài nước tìm đến ký kết hợp đồng kinh tế… Tất cả cho thấy, XTTM Bình Định đã tạo được những “cú hích” ngoạn mục để lại dấu ấn đậm nét ở chặng đường đã qua.

 

XTTM là lĩnh vực đầy thách thức, không ít cam go, song lại là nhân tố quan trọng, có tác động tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung, phát triển thương mại nước nhà  nói riêng. Đó cũng là niềm tự hào của  CBVC làm công tác XTTM ở Bình Định, họ đã góp phần đắc lực vào việc đẩy lùi khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

 

Ông Nguyễn Thanh Kỳ

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Bình Định


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang