Thứ Sáu, 29/03/2024 20:30:42 GMT+7

Tin đăng lúc 17-10-2014

Lượt xem: 10632

Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành (Hòa Bình): Nơi ươm mầm khát vọng cuộc sống

Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc bảo vệ chăm sóc, giúp đỡ cho những người khuyết tật, được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội tiếp cận xã hội. Tại tỉnh Hòa Bình, người tàn tật và trẻ mồ côi luôn được các cấp chính quyền quan tâm, trong đó có Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành (Trung tâm) - một tổ chức hoạt động xã hội nhân đạo mang tính nhân văn sâu sắc.
Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành (Hòa Bình): Nơi ươm mầm khát vọng cuộc sống

Bà Đào Thị Hiền - Giám đốc Trung tâm cùng ông Phạm Ngọc Hân – Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN công nghiệp Vừa và Nhỏ VN; ông Đinh Tiến Dũng – Phó giám đốc Sở Công Thương Hòa Bình thăm lớp học nghề may

 

Là một cơ sở dạy nghề tư thục được thành lập đầu tiên của tỉnh Hòa Bình, hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề may, mộc, mây tre đan, chổi chít, Trung tâm đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong lĩnh vực dạy nghề cho người khuyết tật, nuôi trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trải qua 13 năm hoạt động, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhưng bằng lòng nhiệt huyết và quyết tâm vượt mọi khó khăn, các cán bộ cùng thầy và trò của Trung tâm đã nuôi dạy và đào tạo được gần 2.700 học viên, trong đó có 850 học viên là người tàn tật, bị nhiễm chất độc da cam. Hiện tại, Trung tâm đã ổn định được tổ chức sản xuất với số lao động là người khuyết tật và người nghèo đang làm việc tại đây là 35 học viên. Các em đều được Trung tâm chăm lo ổn định cuộc sống, với mức thu nhập hàng tháng từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng/tháng. Trong đó, nhiều em đã có nghề, có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Theo đánh giá của các địa phương tỉnh Hòa Bình, việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp để kết thúc khoá học có thể tìm được việc làm, đáp ứng được nhu cầu thực tế. Người khuyết tật có những đặc điểm riêng, trong khi tại các Trung tâm dạy nghề ở các huyện chưa có giáo viên giảng dạy chuyên biệt, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Mặt khác, nhiều người khuyết tật còn tâm lý tự ti, e ngại khoảng cách địa lý, trong khi đó định kiến xã hội cũng là rào cản lớn đến việc học nghề, tìm việc làm của họ. Làm thế nào để giúp những người khuyết tật quên đi mặc cảm, có cơ hội hòa nhập với cộng đồng là một bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. Trung tâm Long Thành đã làm được điều đó khi nhiều học viên tại Trung tâm không chỉ được học nghề mà còn được nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho xã hội. Như trường hợp Anh Lương Văn Hiếu, ở xóm Lọng, xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc. Gia đình anh rất khó khăn, bố mẹ đều đã mất, bản thân anh bị mắc bệnh lao xương, sức khỏe yếu. Trước khi được nhận vào học và làm việc tại Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành, anh luôn bị mọi người coi thường, học hành cũng không đến nơi đến chốn. Anh tâm sự: “Em chỉ làm việc lặt vặt ở nhà, cuộc sống khó khăn, tâm lý nặng nề. Rất may được Trung tâm đăng ký cho đi chữa bệnh và nhận vào dạy học nghề may. Bây giờ, em đã có thể may thành thạo, ngoài việc được Trung tâm lo ăn, ở hàng ngày, thì bình quân mỗi tháng em còn được lĩnh 1.500.000 đồng nữa. Nhờ có sự quan tâm, chỉ bảo của các bác, các thầy cô ở Trung tâm, những người có hoàn cảnh như chúng em có thể chia sẻ cũng như có cơ hội có việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội”.

 

Điều đáng quý nhất ở cơ sở Long Thành chính là không lấy lợi nhuận làm mục tiêu, mà chú trọng hoạt động nhân đạo từ thiện. Từ năm 2009 đến năm 2014, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề mây tre đan tại các xã, bản, mỗi năm mở được 03 – 04 lớp, mỗi lớp khoảng 25 – 32 người. Hiện lớp học may, tuy đa số các em đều tàn tật nhưng đều biết chăm sóc lẫn nhau và coi Trung tâm chính là ngôi nhà chung của mình. Các em chăm chỉ làm việc, có nhiều em tiết kiệm được tiền gửi về cho gia đình. Bên cạnh việc đào tạo nghề, Trung tâm Long Thành còn thường xuyên tổ chức các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, rằm trung thu hàng năm để các học viên được giao lưu, học hỏi; trao tặng quà, hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

 

Với kết quả đã đạt được trong 13 năm qua, cùng với sự nỗ lực và lòng nhiệt tình, tâm huyết của các thầy, cô giáo, Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen do Bộ LĐTB&XH, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, UBND tỉnh Hòa Bình, Sở LĐTB&XH và Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em tỉnh Hòa Bình trao tặng. Đặc biệt trong tháng 1/2014, Trung tâm đã vinh dự được tặng kỷ niệm chương, cùng hai chữ “Tâm – Tài” của Chương trình Doanh nhân Việt Nam. Trong thành tích chung đó, không thể không nhắc tới vai trò của Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành Đào Thị Hiền – Một lãnh đạo có tâm, có tầm, một người mẹ, người cô đã không vụ lợi, dám nghĩ, dám làm và biết hy sinh, dành trọn cả tuổi thanh xuân cho mục đích duy nhất hết sức thiêng liêng và cao cả: Đó là cứu vớt những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh éo le, khốn khó, để giúp cho các em khuyết tật biết cách vượt lên chính mình, tự lo cho bản thân và gia đình. Bà đã được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh – Xã hội tặng Bằng khen. Đây là sự ghi nhận, là động lực to lớn để Trung tâm Long Thành ngày càng phấn đấu và phát triển hơn nữa thương hiệu một tổ chức hoạt động xã hội mang tính chất nhân văn sâu sắc, là địa chỉ tin cậy dành cho người khuyết tật.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành cho biết, dạy nghề cho người khuyết tật không chỉ cần phương pháp phù hợp mà còn cần sự đồng cảm giữa thầy và trò, từ đó kiên trì hướng họ vào nghề. Người khuyết tật rất dễ bị tổn thương, chỉ cần lời nói vô tình của giáo viên cũng làm họ buồn chán, mất tự tin, hiệu quả dạy nghề sẽ không cao, dẫn đến không thể làm được việc mặc dù đã học xong. Trung tâm luôn phấn đấu là nơi gửi gắm niềm tin của người khuyết tật trong tỉnh. Dự kiến trong những năm tới, Trung tâm sẽ đầu tư Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc để phục vụ đào tạo cho các đối tượng là người khuyết tật và nhiễm chất độc da cam, mở rộng trung tâm đào tạo và nuôi dưỡng người già. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ mở rộng quy mô, phát triển thêm ngành nghề đào tạo, xây dựng xưởng sản xuất các mặt hàng như may mặc, thêu, khai thác và chế biến các loại trà thảo dược...; phấn đấu nâng cấp thành trung tâm đào tạo đại diện cho 05 tỉnh vùng núi phía Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình)…Nếu thực hiện thành công dự án này, sẽ tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho khoảng 300 người khuyết tật và dạy nghề cho nhiều đối tượng tàn tật khác với những ngành nghề phù hợp với khả năng của từng người...

 

Tuy nhiên, để thực hiện được những dự định trên cần rất nhiều nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước, địa phương, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Mặc dù việc dạy nghề cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, song nếu được các cấp, các ngành và cá nhân quan tâm giúp đỡ bằng vật chất cũng như tinh thần, nhằm góp phần giúp họ cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện cho người khuyết tật vượt qua nỗi bất hạnh, để vững bước hòa nhập cộng đồng thì họ có thể thực hiện ước mơ, được sống, được làm việc và cống hiến như mọi người bình thường khác. Và chính những Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nhiễm chất độc da cam… như Trung tâm Long Thành sẽ là những cầu nối nhân văn, là nơi ươm mầm khát vọng sống cho những mảnh đời bất hạnh.

 

Dưới đây là một số hình ảnh về Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành:

 

                                Bà Đào Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành - Một người mẹ, người cô mẫu mực,

chỗ dựa tin cậy của những người khuyết tật tỉnh Hòa Bình

 

 

Học viên trong giờ học may

 

Khu nhà ở cho các học viên

 

Những phần thưởng của các Bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trao tặng cho các tập thể, cá nhân

 

Như Quỳnh - Vân Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang