Thứ Sáu, 29/03/2024 04:00:31 GMT+7

Tin đăng lúc 22-03-2016

Lượt xem: 3411

TRỰC TIẾP: Thủ tướng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ

Ngày 22/3, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
TRỰC TIẾP: Thủ tướng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

9.10: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật với các nội dung chủ yếu sau:

Thống nhất quản lý phát triển KTXH

 

Thứ nhất, về thống nhất quản lý phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững.

 

Theo đó, đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011 – 2015; bảo đảm mặt bằng lãi suất phù hợp và vốn tín dụng cho nền kinh tế; quản lý hiệu quả tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; tăng cường quản lý thu chi ngân sách nhà nước; điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đã đạt được kết quả bước đầu; tập trung thực hiện đạt những kết quả các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

 

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng tăng cường lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

 

Tích cực triển khai và đạt được những kết quả trong thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và Nghị quyết về chính sách xã hội, nhất là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách; bố trí tăng thêm ngân sách nhà nước và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; điều chỉnh tăng lương; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; giải quyết việc làm; giảm nghèo bền vững; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân...

 

Tăng cường quản lý nhà nước về y tế. Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là về y tế dự phòng; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; phát triển y tế biển đảo; y tế ngoài công lập, khuyến khích hợp tác công tư; y học cổ truyền; công nghiệp dược; quản lý thuốc chữa bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm... Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.... Chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thông tin, báo chí;..

 

Công tác xây dựng pháp luật đã có bước tiến mới

 

Về xây dựng và thực thi pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, Nhà nước, xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thi hành và xử lý các văn bản, quy định trái pháp luật.

 

Tích cực triển khai kế hoạch thực hiện và đề xuất 82 dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi hoặc xây dựng mới để thi hành Hiến pháp 2013.

 

Đã trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ và từng năm; ưu tiên hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp mới.

 

Đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, ổn định hơn. Ngoài các phiên họp Chính phủ thường kỳ còn tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

 

Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 95 luật, pháp lệnh, chiếm 86% tổng số luật, pháp lệnh được ban hành (chưa tính 7 dự án Luật được trình thông qua tại Kỳ họp này).

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.058 văn bản quy phạm pháp luật. Việc xây dựng luật, pháp lệnh cơ bản bảo đảm tiến độ.

 

Nợ đọng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm mạnh, năm 2015 chỉ còn nợ 4 văn bản, thấp nhất trong nhiệm kỳ (năm 2011 là 33 văn bản, năm 2012 là 24, năm 2013 là 17, năm 2014 là 6).

 

Công tác xây dựng pháp luật đã có bước tiến mới, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện, bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển và bảo vệ đất nước.

 

* 8.40': Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước.
 

Báo cáo kết quả công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Chủ tịch nước trình bày rõ các nội dung về: Lập pháp, hành pháp, tư pháp, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân…

 

Cụ thể, về lập pháp Chủ tịch nước đã giới thiệu nhân sự trình Quốc hội phê chuẩn và ký quyết định bổ nhiệm các chức danh theo thẩm quyền. Chủ tịch nước đã chỉ đạo tổng kết, góp ý Hiến pháp, ký lệnh công bố Hiến pháp, các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua;…

 

Về hành pháp, Chủ tịch nước thường xuyên làm việc với các bộ, ngành địa phương về những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước, những vấn đề quốc kế dân sinh;… xem xét thận trọng các vấn đề hợp tác quốc tế, nhất là về vay nợ, sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài; thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, đưa công tác này đi vào nề nếp, hiệu lực, hiệu quả.

 

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước.

 

Về tư pháp, Chủ tịch nước luôn quan tâm sát sao đến công tác đổi mới hoạt động tư pháp; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; công tác bổ nhiệm các chức danh tư pháp đạt kết quả tốt, góp phần kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp; đồng thời Chủ tịch nước luôn quan tâm chỉ đạo, giải quyết xử lý án oan sai; thực hiện tốt chính sách khoan hồng…

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đã chỉ đạo sát sao và có ý kiến kịp thời các vấn đề về quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới;…

 

Chủ tịch nước cũng phối hợp chặt chẽ với MTTQ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Khi đi công tác địa phương, công tác nước ngoài, Chủ tịch nước thường xuyên tiếp xúc, thăm hỏi, tặng quà động viên nhân dân, kiều bào…

 

Về hoạt động đối ngoại, trên cương vị của mình Chủ tịch nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào những thành tựu đối ngoại chung của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng nêu rõ một số hạn chế, vướng mắc; chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề xuất phương hướng để Chủ tịch nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

 

 

Thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ là ban hành Hiến pháp 2013

 

8.05': Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội.

Báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013, ban hành các đạo luật theo tinh thần của Hiến pháp với nhiều nội dung đổi mới.

 

Quốc hội, ĐBQH đã làm việc hết sức mình lắng nghe, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào trong và ngoài nước để cụ thể hóa trong Hiến pháp, trong đó đề cao quyền con người, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, bảo đảm các quyền về kinh tế, chính trị, dân sự… xác định các nguyên tắc cơ bản đổi mới bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.

 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, thành tựu nổi bật của khóa XIII là Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013, căn bản hoàn thành các đạo luật cụ thể hóa Hiến pháp, hoàn thiện thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa; hoạt động lập pháp không ngừng được nâng cao về chất lượng; việc thảo luận thông qua dự án luật đi vào nề nếp, đúng quy trình…

 

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét quyết định nhiều vấn đề trọng đại của đất nước về kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kịp thời ban hành các quyết sách đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức… theo đó, trong nhiệm kỳ qua, KT-XH phát triển ổn định, đời sống nhân dân tăng lên, an ninh trật tự được bảo đảm, quốc phòng được giữ vững, hoạt động đối ngoại đạt được nhiều thành tựu.

 

Hoạt động giám sát; hoạt động chất vấn; hoạt động đối ngoại,... của Quốc hội; hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, hoạt động của các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

Tuy nhiên, hoạt động lập pháp của Quốc hội vẫn còn những hạn chế như: một số dự án luật chưa đúng tiến độ, chương trình; nội dung nhiều luật chưa cụ thể; việc ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn luật vẫn là khâu yếu làm cho luật chậm đi vào cuộc sống,…

 

Quốc hội nhận thức rõ trách nhiệm trong các mặt: Chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn; vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế,…

 

 

Theo chương trình kỳ họp thứ 11, buổi sáng ngày 22/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội.

 

Tiếp đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước.

 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.

 

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.

 

Buổi chiều, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

 

Tiếp đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

 

Theo Chinhphu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang