Thứ Tư, 17/04/2024 01:17:22 GMT+7

Tin đăng lúc 20-07-2022

Lượt xem: 534

TP. Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định

Khôi phục sản xuất công nghiệp, xúc tiến thương mại, kết nối vùng, ngành công nghiệp nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển, đạt kết quả tăng trưởng cao.
TP. Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm đạt mức tăng cao 6,96% (cùng kỳ tăng 1,2%)

Nhiều ngành sản xuất công nghiệp tăng vượt trội

 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng/2022 tăng 3,05%. Đặc biệt, các ngành sản xuất công nghiệp hóa dược- cao su- nhựa, chế biến lương thực thực phẩm ghi nhận đạt mức tăng trưởng cao vượt trội.

 

Cụ thể ngành ngành hóa dược - cao su - nhựa đạt mức tăng trưởng cao kỷ lục 20,84% (cùng kỳ tăng 2,6%). Kết quả này cho thấy ngành nhựa đã tận dụng cơ hội thuận lợi từ việc Việt Nam ký kết các FTA thế hệ mới trong thời gian gần đây (như CPTPP, EVFTA, RCEP) để tăng thu hút đầu tư sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nhựa.

 

Với ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống cũng đạt mức tăng khá 6,96% (cùng kỳ tăng 1,2%). Bà Lý Kim Chi- Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại thị trường trong nước có chiều hướng tăng trở lại. Để đảm bảo đà tăng trưởng sản xuất, các doanh nghiệp bắt đầu kết nối với các đối tác toàn cầu tránh thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tăng cường sản xuất, tiến hành quy hoạch thương hiệu nhãn hàng, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới phù hợp trong từng giai đoạn và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

 

Với ngành sản xuất hàng điện tử, mặc dù tính chung 6 tháng/2022 giảm 9,22% (cùng kỳ tăng 15,6%) do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao (trong bối cảnh nguồn cung chip thiếu hụt). Tuy nhiên, qua theo dõi số liệu hàng tháng, cho thấy tình hình sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện tử trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng tích cực trong những tháng gần đây.

 

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, dù còn nhiều khó khăn, thách thức về quá trình phục hồi sản xuất công nghiệp sau dịch Covid-19 song nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã ổn định, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chuyển biến tích cực, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây giá xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng làm cho chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các chi phí đầu vào tăng là một trong những khó khăn lớn đặt ra cho nền kinh tế nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp nói riêng, song nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt để duy trì sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt. Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện đảm bảo chuỗi hoạt động sản xuất ngay từ đầu năm trong trạng thái bình thường mới. Đây là kết quả khả quan tạo đà cho hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong những tháng tiếp theo của năm 2022.

 

Duy trì đà tăng trưởng công nghiệp bằng nhiều giải pháp thiết thực

 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Công Thương, TP. Hồ Chí Minh vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch, cùng với sự điều hành kịp thời của thành phố với nhiều giải pháp đồng bộ như: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, khôi phục các đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, xúc tiến thương mại, kết nối và liên kết vùng... ngành sản công nghiệp của thành phố đã từng bước trở lại quỹ đạo sản xuất và đạt được kết quả tăng trưởng khả quan.

 

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, Sở Công Thương hiện đã xây dựng thực hiện kế hoạch Chương trình Phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng TP. Hồ Chí Minh năm 2022.

 

Theo đó, thành phố mở rộng quảng bá thông tin sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thành những thương hiệu mạnh của thành phố mang tầm khu vực làm động lực cho toàn ngành công nghiệp phát triển. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại (tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo…), quảng bá thông tin về nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp tiềm năng.

 

Đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ban ngành tham mưu UBND thành phố phê duyệt 32 dự án đầu tư của 28 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn với tổng mức đầu tư là 2.336,102 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 1.312,517 tỷ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 73 tỷ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là 41,016 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, Sở Công Thương đã làm việc với các đối tác, doanh nghiệp như Công ty Hanata, Công ty Sao Mây, Công ty Vĩnh Phát, Công ty Trường An... tổ chức các chương trình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cập nhật kiến thức và vận dụng các công cụ quản lý tiên tiến nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực, năng lực quản lý sản xuất, cung ứng liên tục, từng bước tiếp cận tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối trong và ngoài nước.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang