Thứ Năm, 28/03/2024 23:23:50 GMT+7

Tin đăng lúc 27-04-2020

Lượt xem: 2286

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh mô hình điện mặt trời trên mái nhà

Điện mặt trời trên mái nhà hiện đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình tại TP. HCM. Tính đến hết tháng 01/2020 đã có 5.857 công trình được nối lưới với công suất đạt 75,84 MWp. Dự kiến trong năm 2020, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) sẽ thực hiện ký hợp đồng mua bán điện mặt trời của khách hàng với công suất khoảng 300 MWp.
TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh mô hình điện mặt trời trên mái nhà
Công nhân Tổng công ty Điện lực TP HCM kiểm tra hệ thống điện mặt trời trên mái nhà

TP. HCM đang trải qua những ngày thời tiết khó chịu, nắng nóng gay gắt, đây cũng là thời điểm mà người dân sử dụng nhiều các thiết bị tiêu thụ điện khiến cho chi phí tiền điện hàng tháng tăng cao, bên cạnh đó ngành Điện cũng có nguy cơ bị quá tải. Lúc này, giải pháp để có thể sử dụng điện tiết kiệm mà ngành Điện TP HCM đưa ra đó là kêu gọi, khuyến khích khách hàng nên lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu mất điện khi lưới có sự cố, góp phần cung cấp điện ổ định cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

 

Anh Trần Trung Trực (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) cho biết, sau khi xây nhà xong, đầu tháng ba vừa qua, gia đình anh đã quyết định bỏ ra hơn 60 triệu đồng để đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. “Hệ thống của tôi đầu tư dùng cho sinh hoạt gia đình là chủ yếu. Toàn bộ hệ thống gồm tấm pin năng lượng mặt trời, bộ inverter hòa lưới… với chi phí khoảng 62 triệu đồng. Ban ngày có nhiều nắng thì lượng điện tạo ra dư để sử dụng, nhưng ban đêm khi dùng nhiều thiết bị, lượng pin dự phòng nếu không đáp ứng nổi thì chuyển qua hệ thống điện lưới. Nhờ sử dụng điện mặt trời, lượng điện sử dụng từ hệ thống lưới quốc gia sẽ giảm rất nhiều so với những tháng trước”, anh Trực cho biết.

 

Bên cạnh đó, để giúp người dân tiết kiệm điện trong sinh hoạt và sản xuất EVNHCMC cũng đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, trong sinh hoạt, người dân lưu ý tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; Khi cải tạo hoặc trang bị mới nên sử dụng phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao theo quy định, hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; không sử dụng bóng đèn sợi đốt trong quá trình thay thế hoặc mua mới; Hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (điều hòa không khí, bình nước nóng, bàn là điện,...) trong thời gian cao điểm tối của hệ thống điện (từ 17h đến 20h hàng ngày)…

 

Đối với khách hàng sử dụng điện trong sản xuất, EVNHCMC khuyến cáo các doanh nghiệp cần xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Đồng thời, tăng cường sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, rác... Các doanh nghiệp là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện đầy đủ các quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn khác…

 

Cũng theo EVNHCMC, sau khi hoàn thiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, khách hàng liên hệ với các Công ty Điện lực hoặc tổng đài 1900545454 để thực hiện các thủ tục ký hợp đồng bán lại sản lượng điện dư phát ngược lên lưới cho EVNHCMC.

 

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau như: Đức, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… Vì vậy, EVNHCMC cũng đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng khi lắp đặt cần xem kỹ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chọn các nhà thầu có uy tín, có bảo hành… để tránh “tiền mất tật mang” khi phải bỏ ra chíi phí lớn lắp đặt nhưng không sử dụng hết công năng.

 

Bảo Kiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang