Thứ Bẩy, 20/04/2024 05:26:47 GMT+7

Tin đăng lúc 22-06-2022

Lượt xem: 1338

TP. HCM: Phát triển công nghiệp công nghệ cao

Trong những năm qua, các địa phương đã chủ động đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Điển hình như TP. HCM đã xúc tiến chủ trương phát triển những cụm công nghiệp ngành trọng điểm ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh cả thị trường trong và ngoài nước.
TP. HCM: Phát triển công nghiệp công nghệ cao
Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) hiện nay

Tính đến nay, Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP) có 165 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 8,6 tỷ USD. Năm 2021, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của SHTP đạt 22,5 tỷ USD và lũy kế đến đầu năm nay đạt gần 108 tỷ USD. Dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD với hơn 50 dự án công nghệ cao. Tổng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các DN trong nước giai đoạn 2021 - 2025 tăng gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước, đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu.  

 

Công ty TNHH Datalogic Việt Nam là DN sản xuất máy đọc mã vạch có 100% vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong SHTP, đã tập trung và đầu tư dây chuyền sản xuất tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất. Hiện nay, Công ty đang sản xuất 75 - 80% tổng sản phẩm máy đọc mã vạch của cả tập đoàn. Các sản phẩm của Datalogic Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ, châu Á…. Trong đó, châu Âu chiếm 45%, châu Mỹ từ 30 – 35%...  

 

Ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam cho biết,  có khoảng 80% dây chuyền sản xuất trong nhà máy đã được tự động hóa. Điển hình là hệ thống phân công tự động đã giúp công ty tối ưu hóa nguồn lao động. Hiện nay, tất cả dữ liệu phân công công việc cho công nhân đều được phần mềm trí tuệ nhân tạo lập trình hàng ngày thay vì phân công thủ công như trước đây. Khi chưa áp dụng hệ thống này, ít nhất cần 50 chuyền trưởng để phân công công việc cho công nhân, giờ thì không cần nữa, hệ thống tự động quản lý và rà soát một cách chính xác thay cho con người.

 

Hay như tại Công ty Cổ phần May Nam Hà, sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kaizen, Công ty đã giảm tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.  

 

PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết, trong chiến lược thu hút đầu tư, SHTP ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cụ thể, tập trung ưu tiên thu hút với bốn mũi nhọn: Vi điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông; cơ khí chính xác - tự động hóa; công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; năng lượng mới - vật liệu mới - công nghệ nano.  

 

Để nâng cao tính lan tỏa của dự án tại SHTP như phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao, kết nối giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI với doanh nghiệp trong nước, SHTP đã hình thành chuỗi cung ứng trong nước xoay quanh các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đẩy mạnh hợp tác với Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM (HEPZA) về phát triển chuỗi cung ứng nội địa công nghệ cao, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghệ cao.

 

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ DN kết nối các hoạt động với ba đơn vị sự nghiệp SHTP cũng như với nguồn vốn gồm: Kích cầu đầu tư, liên kết các ngân hàng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển (R&D) trong DN; gắn kết nghiên cứu, thiết kế và chuyển giao công nghệ với DN… 

 

Lê Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang