Thứ Sáu, 29/03/2024 01:39:39 GMT+7

Tin đăng lúc 09-06-2014

Lượt xem: 4683

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 2/6 đến 8/6/2014

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ; Hội nghị Bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông thủy sản; Họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương; Ra mắt Chuyên trang Công khai, minh bạch điện, xăng dầu; EVN khai trương phòng trưng bày điện hạt nhân… là những hoạt động nổi bật của ngành Công Thương trong tuần từ ngày 2/6 đến 8/6/2014.
Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 2/6 đến 8/6/2014

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ

 

Ngày 02/6/2014 tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker và Đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) gồm Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và đại diện một số tập đoàn lớn như ACE, UL, Mead Johnson, Nutrition… đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Penny Pritzker đã có những trao đổi thẳng thắn về quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, tập trung nhấn mạnh đến những giải pháp để mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

 

Hai bên bày tỏ sự hài lòng về quan hệ giữa hai nước sau gần 20 năm bình thường hóa quan hệ. Bà Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao về những chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong bối cảnh nhạy cảm của tình hình chính trị khu vực và quốc tế thời gian qua. Bà Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì được lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam, và sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác đầu tư dành cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Bà Bộ trưởng nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Việt Nam để đạt được những mục tiêu này.

 

Hai bên đã trao đổi các vấn đề cùng quan tâm liên quan đến đàm phán Hiệp định TPP và cùng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy tiến trình đàm phán, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên có liên quan. Cũng tại buổi tiếp, hai Bộ trưởng đã điểm lại một số nét về tình hình hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương giữa hai nước (BTA) có hiệu lực cuối năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng liên tục với tốc độ cao, và đã đạt mốc trên 29 tỷ USD trong năm 2013. Các mặt hàng thương mại chủ lực truyền thống trong quan hệ thương mại giữa hai nước bao gồm dệt may, da giầy, thủy sản, đồ gỗ kết hợp với các chủng loại hàng hóa mới có giá trị gia tăng, và hàm lượng công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính… thể hiện một cơ cấu thương mại đa dạng, và bền vững, góp phần đưa Việt Nam thành đối tác lớn thứ 23 của Hoa Kỳ trong lĩnh vực thương mại.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng hoan nghênh sáng kiến Tổ chức Đoàn CEO Hoa Kỳ thăm các nước ASEAN của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt để bàn về những giải pháp, mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ. Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp Hoa Kỳ về những chính sách kinh tế của Việt Nam, Bộ trưởng đã nêu bật một số định hướng ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển kinh tế theo chiều sâu với việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp và tài chính ngân hàng; cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính; và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

 

Trao quyết định nghỉ hưu cho Chủ tịch HĐTV 03 Tập đoàn

 

Ngày 3/6/2014, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trao Quyết định nghỉ hưu theo chế độ cho ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) và ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).

 

 

Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các đồng chí nguyên Chủ tịch HĐTV các Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận sự cống hiến của 03 đồng chí nguyên Chủ tịch HĐTV các Tập đoàn: PVN, TKV và Vinatex. Dù mỗi người ở mỗi cương vị lãnh đạo, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một tinh thần trách nhiệm cao, trong suốt chặng đường công tác đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của Ngành, cũng như sự phát triển chung của đất nước.

 

Về vai trò của 03 Tập đoàn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Tuy quy mô của 03 Tập đoàn khác nhau nhưng cả ba đều có ý nghĩa to lớn, hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không chỉ đóng góp một phần lớn vào ngân sách nhà nước, mà thông qua các hoạt động khai thác dầu khí tại các hải phận thuộc đặc quyền kinh tế của Tổ quốc đã phần nào khẳng định chắc chắn về chủ quyền dân tộc, góp phần gìn giữ biển đảo quê hương. Tập đoàn công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) bên cạnh nhiệm vụ chính là khai thác than, khoáng sản ở Quảng Ninh và các tỉnh miền núi, nay đã mở rộng phạm vi khai thác sang các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên. Cho đến nay, TKV đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động ở các tỉnh miền núi, những vùng kinh tế còn kém phát triển. Đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đóng góp rất nhiều trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2013, ngành Dệt may đã đóng góp hơn 20 tỷ USD trong tổng số 133 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả nước. Bên cạnh đó, Dệt may cũng là ngành giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các vùng nông thôn.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: 03 Tập đoàn là những tập đoàn kinh tế vững mạnh, đầu tàu của cả nước, đóng góp rất lớn cho nước nhà. Để có được điều đó phải kể đến tâm sức của các cán bộ chủ chốt - những Chủ tịch HĐTV của các Tập đoàn. Suốt thời gian dài cống hiến, dù phải trải qua những bước thăng trầm, nhiều khó khăn, thách thức song các đồng chí Chủ tịch HĐTV luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch HĐTV 03 Tập đoàn sau thời gian về nghỉ hưu theo chế độ, vẫn tiếp tục theo dõi các hoạt động của Ngành, của Bộ để có những đóng góp, tham mưu kịp thời cho sự phát triển chung.

 

Phát biểu suy nghĩ sau khi nhận Quyết định, ông Phùng Đình Thực, ông Trần Xuân Hòa và ông Vũ Đức Giang đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã tạo điều kiện để các Tập đoàn phát triển. Ông Vũ Đức Giang cho biết: Trưởng thành từ Công ty May Việt Tiến, suốt 37 năm cống hiến, điều khiến ông thực sự hạnh phúc trong suốt thời gian cống hiến tại Vinatex là sự đoàn kết, gắn bó, một lòng của các cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn. Nguyên Chủ tịch HĐTV Vinatex hi vọng sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ Chính phủ và Bộ Công Thương đối với chiến lược phát triển lâu dài của ngành Dệt may Việt Nam.

 

Hội nghị Bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản

 

Chiều ngày 03/6/2014, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị.

 

 

Ngoài các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham dự Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính gồm Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, đại diện một số Hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hội hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam,… và một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trên cả nước.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình suy thoái ở nhiều nước, lạm phát cao và bất ổn kinh tế song với nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như các Hiệp hội ngành hàng trong việc tích cực đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, đầu tư, mở rộng thị trường tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới; cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan, hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của nền kinh tế cả nước. Mặc dù vậy, hiện nay ngành sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, trong khi áp lực cạnh tranh cao; xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí sản xuất cũng như chi phí vận tải đều gia tăng, v.v... Bên cạnh đó, những hạn chế của ngành sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết như công tác quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng chưa nhất quán và đồng bộ; tỷ lệ sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao để phục vụ xuất khẩu còn thấp; năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu kém, v.v...

 

Cũng tại Hội nghị này, đại diện các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cũng đã phản ánh một số khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này đang gặp phải.

 

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu đồng thời nhấn mạnh Hội nghị này nhằm giúp các doanh nghiệp nhận diện cơ hội và thách thức để từ đó tìm ra được hướng đi hợp lí, đồng thời giải quyết khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa nhằm hướng đến lợi ích cuối cùng là người dân và đất nước.

 

Tại Hội nghị này Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ký kết Bản ghi nhớ về phối hợp công tác giữa hai Bộ. Trên cơ sở Bản ghi nhớ, các đơn vị trực thuộc hai Bộ sẽ tăng cường trao đổi và phối hợp trong các lĩnh vực như mở rộng thị trường quốc tế, vượt qua rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản; phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu của thị trường;

 

Họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương

 

Xuất nhập khẩu, giá điện, công nghiệp hỗ trợ, quỹ bình ổn xăng dầu, thương mại điện tử… là các vấn đề mà báo giới đặc biệt quan tâm trong buổi họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 2/6 vừa qua.

 

 

Trả lời câu hỏi của báo chí rằng, có hay không hiện nay thị trường Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, bởi hiện nay, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều mặt hàng từ nước này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam có những thế mạnh cho xuất khẩu như nông sản thủy sản chế biến, điều, cao su, hoa quả, v.v… Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu nhập những mặt như nguyên phụ liệu cho may mặc, da giầy, thức ăn cho thủy sản. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 28,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 23,7% chiếm tỷ trọng 10,5%. Tuy nhiên, Việt Nam cũng xuất siêu sang nhiều thị trường khác như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, v.v... Theo chủ trương của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan thì không nên quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Và để làm được điều đó thì cần phải có biện pháp giảm nhập khẩu và tăng cường các thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện Việt Nam đang có nhiều hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại, tham gia nhiều các phiên đàm phán như TPP, FTA… để mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, hướng tới đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

 

Đồng thời, để tăng cường tiêu thụ hàng hóa trong nước, thì trước tiên, người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hiện nay, hàng hóa ở Việt Nam cũng rất đa dạng và phong phú, từ hoa quả, lương thực, may mặc,... Việt Nam đều đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế, nhưng nhiều người vẫn có thói quen chuộng hàng ngoại. Bộ Công Thương cũng đang đồng hành cùng các sở Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tạo cho người tiêu dùng có thói quen dùng hàng Việt. “Sự kiện Biển Đông có thể coi là cú hích để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa, kêu gọi lòng yêu nước của mọi người, từ doanh nghiệp đến người dân. Dùng hàng Việt cũng là biểu hiện của lòng yêu nước” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

 

Trả lời câu hỏi liên quan đến công nghiệp phụ trợ, thiết bị cơ khí, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cũng đã có nhiều ban ngành, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế… cũng nói nhiều đến công nghiệp phụ trợ, hay công nghiệp lõi, nhưng ngành này cũng chưa có nhiều chuyển biến. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã có rất nhiều chính sách ưu tiên cho công nghiệp phụ trợ. Bộ cũng trình Chính phủ nhiều đề án và tới đây sẽ trình Chính phủ xây dựng nghị định cho ngành công nghiệp này, để chỉ ra ngành sản xuất công nghiệp nào cần hỗ trợ và hỗ trợ như thế nào cho hợp lý.

 

Về quy định xử phạt các website tham gia thương mại điện tử mà không đăng kí, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, trong thời gian vừa qua, thương mại điện tử đã có sự phát triển, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Thông tư số 12/2013/TT-BCT quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử. Theo đó các thương nhân, tổ chức cá nhân thiết lập website thương mại điện tử phải đăng kí với Bộ Công Thương. Trong 6 tháng đầu năm Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã phối phối hợp với Cục Quản lý thị trường và PC 50 kiểm tra và xử lý hàng loạt các website thương mại điện tử hoạt động kinh doanh nhưng không đăng kí.

 

Hiện nay ở Việt Nam có hàng chục ngàn website thương mại điện tử hoạt động, nhưng theo thống kê của Bộ Công Thương thì mới chỉ nhận khoảng 6 nghìn website đề nghị thông báo, đăng kí. Thương mại điện tử hiện nay được coi là ngành nghề, lĩnh vực mới, trong thời gian tới Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra và xử lý các website thương mại điện tử mà không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước.

 

Ra mắt Chuyên trang Công khai, minh bạch điện, xăng dầu

 

Điện, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, việc công bố công khai những nội dung liên quan đến giá điện, giá xăng dầu, cũng như tình hình hoạt động sản xuất của hai ngành này nói chung vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ. Việc Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu được kì vọng sẽ đưa thông tin đến người dân một cách đầy đủ, kịp thời và cụ thể nhất.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định không có lí do gì không công khai, minh bạch. Tại chương trình Dân hỏi – Bộ trường trả lời phát song trên VTV1 ngày 11 tháng 5, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Vừa qua chúng ta đã làm được một số việc, các cơ quan quản lý nhà nước cũng thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, giám sát hoạt động của ngành điện, ngành xăng dầu, và cũng định kỳ, thường xuyên công bố công khai những thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị này. Tuy nhiên, do việc chúng ta làm chưa có hệ thống, chưa liên tục, nhiều nội dung cũng chưa được công bố công khai đầy đủ, vì thế việc ban hành Chỉ thị 11 nhằm khắc phục những khiếm khuyết, những bất cập trong việc công khai, minh bạch trước đây, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện, của ngành xăng dầu và đặc biệt là biết được là vì sao phải mua điện, mua xăng dầu với giá đó”.

 

Chỉ thị 11được kì vọng sẽ là một động thái mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhằm giúp người dân và doanh nghiệp có thể giám sát được hoạt động của các đơn vị sản xuất điện và xăng dầu. Đứng ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khẳng định: “Tôi tin rằng, Chỉ thị 11 sẽ không chỉ tác động tích cực đến câu chuyện công khai, minh bạch xăng dầu mà còn tác động đến các loại hàng hoá khác có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người tiêu dùng. Việc công khai, minh bạch sẽ làm cho người dân hiểu, ủng hộ, chia sẻ và đồng tình với những chủ trương chính sách mà Đảng và nhà nước ban hành”.

 

Để phát huy hết hiệu quả của Chỉ thị 11, tránh việc công khai, minh bạch chỉ mang tính hình thức, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Cục Điều tiết điện lực, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam công bố và đưa thông tin đến người dân tại Chuyên trang Công khai, minh bạch điện, xăng dầu trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ: http://minhbach.vecita.gov.vn, nhằm giúp người tiêu dùng trong cả nước hiểu, ủng hộ, chia sẻ và đồng tình hơn nữa với những chủ trương và chính sách mà Đảng và Nhà nước ban hành.

 

Các cấp Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đánh giá cao sự cần thiết trong việc xây dựng một Chuyên trang nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đến độc giả một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn việc công bố các thông tin thông qua Chuyên trang Công khai, Minh bạch điện, xăng dầu, để cụ thể hóa tinh thần Chỉ thị 11.

 

Kỳ họp lần thứ I, Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2016

 

Sáng ngày 04/6/2014, Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức kỳ họp thứ I nhiệm kỳ 2014 - 2016. Tham dự kỳ họp có đồng chí Đỗ Văn Hậu, Thành viên phụ trách HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn; đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Đảng ủy Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng KHCN Tập đoàn và các đồng chí trong Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo và thành viên Hội đồng KHCN Tập đoàn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn.

 

 

Khai mạc kỳ họp, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội đồng KHCN Tập đoàn nhấn mạnh “Hoạt động KHCN trong Tập đoàn luôn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong số các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, Hội đồng KHCN có vai trò tư vấn cho Lãnh đạo Tập đoàn đối với những khó khăn vướng mắc và định hướng công tác nghiên cứu khoa học của toàn Tập đoàn”. Đồng chí Nguyễn Quốc Thập cũng đề nghị các Ủy viên Hội đồng KHCN trong nhiệm kỳ mới 2014 - 2016 tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm để có được những đóng góp tích cực cho hoạt động của Hội đồng và sự phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

 

Về công tác tái cấu trúc Tập đoàn, Hội đồng KHCN Tập đoàn đưa ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và 2015 là hoàn thành cổ phần hóa và chuyển đổi 2 đơn vị: Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và tiếp tục nhanh chóng hoàn thành phương án cổ phần hóa đối với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) Đối với các dự án nhiên liệu sinh học, Hội nghị cũng đề nghị Tập đoàn chỉ đạo đẩy nhanh việc phát triển mạng phân phối, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức lợi ích sử dụng xăng sinh học, từ đó, tạo điều kiện cho các dự án có thể tiếp tục phát triển. Đồng thời, Hội nghị cũng kiến nghị Tập đoàn kiên quyết không thành lập thêm các công ty thành viên cấp IV và nhanh chóng xử lý thoái vốn tại các công ty thành viên cấp IV hiện tại, ngoại trừ một số công ty đã được thông qua để tiếp tục duy trì.

 

Liên quan đến các công bố về địa chất dầu khí trên biển Đông của Trung Quốc, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San đề nghị trong thời gian tới, Việt Nam cần mở rộng công tác điều tra cơ bản và tổng hợp các chương trình nghiên cứu nhà nước có sự tham gia của quốc tế, theo đó các công trình này cần được công bố trên các tạp chí thế giới. Đồng thời, cần tổ chức định kỳ các hội thảo, hội nghị quốc tế về lĩnh vực dầu khí với sự tham gia rộng rãi của các học giả nước ngoài, kết hợp với một số nhà xuất bản lớn nước ngoài để công bố các tư liệu nghiên cứu về dầu khí do Việt Nam triển khai nhằm khẳng định chủ quyền đối với các nghiên cứu đó.

 

Về vấn đề an ninh, an toàn các hoạt động dầu khí trên biển Đông, Hội đồng KHCN đề nghị, trước các diễn biến ngày càng phức tạp trên biển Đông, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp của Việt Nam để tuần tra thường xuyên và có biện pháp ứng phó kịp thời trên vùng biển đang triển khai các dự án của Tập đoàn.

 

Phát biểu tại kỳ họp, Tổng Giám đốc Đỗ Văn Hậu đã chỉ ra những việc cần triển khai ngay của Hội đồng KHCN Tập đoàn và đề nghị Hội đồng cho ý kiến chi tiết hơn về các dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàncũng như phương hướng xử lý các nhà máy nhiên liệu sinh học. Đồng chí Đỗ Văn Hậu cũng đề nghị Viện Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh việc hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong nước, và công bố rộng rãi các công trình nghiên cứu của Tập đoàn trên các tạp chí quốc tế uy tín. Về an ninh dầu khí trên biển Đông, Tổng Giám đốc lưu ý Hội đồng cần xem xét và đề xuất các giải pháp để Tập đoàn báo cáo Chính phủ nhằm tăng cường công tác an ninh tại các công trình dầu khí biển, đồng thời sớm ý kiến góp ý trong việc xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2025, định hướng 2035.

 

Cũng tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã tiến hành thảo luận những vấn đề chính như: Tình hình triển khai kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn; Các công bố về địa chất dầu khí trên biển Đông của Trung Quốc; An ninh, an toàn trong các hoạt động dầu khí trên biển trong tình hình hiện nay.

 

EVN khai trương phòng trưng bày điện hạt nhân

 

Ngày 04/6/2014, tại tầng 1 tòa nhà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) số 11 Cửa Bắc, Hà Nội đã diễn ra Lễ khai trương Phòng trưng bày điện hạt nhân do EVN phối hợp với Công ty Phát triển Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Nhật Bản ( JINED) đồng tổ chức.

 

 

Tới dự buổi lễ có các đại biểu đến từ Đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện các công ty Nhật bản như Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi, Công ty Toshiba, Công ty Hitachi – GE. Tổng giám đốc EVN và Tổng giám đốc JINED đã chủ trì buổi lễ.

 


EVN cho biết để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới, ngoài việc đầu tư xây dựng các nguồn điện truyền thống hiện có như thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí …, tập đoàn này còn đang khẩn trương lập các dự án đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận theo Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Để triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngoài việc lựa chọn tốt địa điểm, lựa chọn công nghệ tiên tiến, đào tạo đủ nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống pháp luật, thu xếp nguồn vốn và xử lý chất thải thì việc đạt được sự chấp thuận của công chúng với điện hạt nhân là yếu tố rất quan trọng cho việc xây dựng thành công và vận hành an toàn nhà máy.

 

Cụ thể, ngày 31/10/2011, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã ký kết Thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Các đối tác Nhật Bản đã trợ giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền, nghiên cứu khả thi và các trợ giúp kỹ thuật khác.

 

Ngày 29/9/2011, Công ty Phát triển Năng lượng Hạt nhân Nhật Bản JINED và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Nhận thức được tầm quan trọng của sự đồng thuận của người dân về chủ trương phát triển điện hạt nhân của quốc gia và Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, EVN và JINED đã phối hợp thực hiện thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân, bao gồm tổ chức các triển lãm, hội thảo, tổ chức các khóa đào tạo về quan hệ công chúng cho cán bộ của EVN; hai bên còn tổ chức các chuyến tham quan về điện hạt nhân tại Nhật Bản cho người dân Việt Nam trong vùng dự án.

 

Trong khuôn khổ hợp tác giữa EVN và JINED, EVN tổ chức trưng bày các trang thiết bị do phía Nhật Ban trao tặng tại Phòng trưng bày điện hạt nhân ở Tầng 1, Tòa nhà EVN. Phòng trưng bày sẽ mở cửa thường xuyên và chào đón các khách tham quan đến tìm hiểu về điện hạt nhân. Phòng trưng bày sẽ phần nào giúp đưa những thông tin đơn giản, dễ hiểu, trực quan về điện hạt nhân đến đông đảo người dân để góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân về điện hạt nhân.

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang