Thứ Bẩy, 20/04/2024 01:24:25 GMT+7

Tin đăng lúc 18-11-2021

Lượt xem: 1023

Tìm giải pháp hạ giá thức ăn chăn nuôi

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 9 lần, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của nông dân. Ngành Nông nghiệp và các địa phương, doanh nghiệp đã, đang tích cực tìm kiếm, triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng sử dụng nguyên liệu trong nước để giảm giá thành mặt hàng này, qua đó khuyến khích các trang trại, hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tìm giải pháp hạ giá thức ăn chăn nuôi
Thịt heo tăng cao vì giá thức ăn chăn nuôi tăng

Giá tăng cao vì ph thuc nguyên liu

 

Thời điểm này là lúc các trang trại, hộ chăn nuôi tăng đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, giá thịt gia súc, gia cầm đang ở mức thấp, trong khi giá thức ăn vẫn rất cao nên nhiều hộ chăn nuôi chưa mạnh tay đầu tư vào sản xuất.

 

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Chương Mỹ nhận định: 2021 là một năm đầy khó khăn với người chăn nuôi. Cách đây 5 tháng, giá gia cầm liên tục giảm (khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2020), trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng cao khiến người chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn. Thời điểm hiện tại, giá gia cầm đã bắt đầu tăng nhẹ, nhưng giá thức ăn vẫn duy trì ở mức cao, khiến các trang trại chưa đẩy mạnh tái đàn.

 

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết: Chi phí thức ăn chăn nuôi đang chiếm 65% giá thành sản phẩm thịt gà, thịt lợn. Từ tháng 9-2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30%, kèm theo giá cước vận tải tăng phi mã (cước vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường) đã gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp và tác động trực tiếp đến giá thức ăn chăn nuôi bán ra thị trường.

 

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết: Ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng cao do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng. Tính riêng 9 tháng năm 2021, tổng số nguyên liệu nhập khẩu là hơn 15,9 triệu tấn (chưa bao gồm nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,8 tỷ USD. 

 

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, mỗi năm, sản xuất nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5-5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu cần tới 26-27 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có nhiều loại vốn không phải là cây trồng thế mạnh của Việt Nam. Do đó, khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng thì giá thành sản xuất và giá bán thức ăn chăn nuôi thành phẩm lập tức tăng theo.

 

Ch động ngun nguyên liu trong nước

 

Để giải quyết hệ lụy khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều hộ nông dân đã tìm cách tận dụng các nguồn nguyên liệu để tự phối trộn thức ăn nhằm phục hồi sản xuất. Bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì) nuôi 10.000 gà thịt, thay vì cho gà ăn thức ăn công nghiệp, trang trại của bà chuyển sang dùng thức ăn tự phối trộn. Việc này giúp giảm 15% chi phí so với thức ăn công nghiệp…

 

Để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho rằng: Về lâu dài, cần tìm giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi. "Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, cần xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, xây dựng mô hình liên kết, đầu tư công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để thu gom, sơ chế, bảo quản phục vụ việc sản xuất, chế biến...", bà Hạ Thúy Hạnh cho biết.

 

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định kiến nghị: Việt Nam cần đẩy mạnh diện tích trồng ngô công nghệ sinh học để giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài; đồng thời tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm trong trồng trọt, chế biến thủy sản (bã mía, rỉ đường, phụ phẩm từ cá tra) để sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Phùng Đức Tiến, các hộ chăn nuôi cần liên kết thành hợp tác xã để mua thức ăn chăn nuôi trực tiếp, với số lượng lớn từ các nhà máy sản xuất, như vậy sẽ giảm được chi phí qua các khâu trung gian là những đại lý. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, ngô giảm từ 5% xuống 3%; đậu tương từ 3% xuống 0%. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường chỉ đạo sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, phụ phẩm trong nông nghiệp để chủ động một phần thức ăn chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm.

 

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hy vọng thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, từng bước hạ giá thành sản phẩm, qua đó tăng khả năng cạnh tranh và bảo đảm nguồn cung phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu.

 

Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang