Thứ Năm, 25/04/2024 06:06:28 GMT+7

Tin đăng lúc 14-05-2019

Lượt xem: 2181

Tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đứng đầu thế giới: Mừng hay lo?

Một tin vui đối với ngành công nghiệp sản xuất đồ uống có cồn, tuy nhiên nó lại không hề vui nếu nhìn vào những hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe cũng như xã hội mà rượu bia gây ra.
Tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đứng đầu thế giới: Mừng hay lo?
Tốc độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đứng đầu thế giới

Forbes vừa dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2017, cho thấy tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ… Theo báo cáo này, tổng lượng tiêu thụ rượu trên toàn cầu mỗi năm từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào 2017, tương đương tăng 70%.

 

Riêng khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Ở giai đoạn này, Việt Nam lại là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010. Năm 2017 bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...

 

Có thể nói, “nhậu” là một nét văn hóa có ở tất cả các nền văn hóa, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất kể giàu nghèo, sang hèn, tôn giáo, chủng tộc… có ai mà không biết đến hoạt động thường ngày này của con người? Thế nhưng, “nhậu” như thế nào để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và người khác vẫn là câu hỏi muôn thuở cần được giải đáp, đặc biệt trong xã hội ngày càng hiện đại của Việt Nam.

 

Khi mà những cuộc khảo sát trên toàn thế giới đã và đang chỉ ra một sự thật rằng “Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới”. Không biết có ai là người Việt Nam cảm thấy vui vẻ và tự hào khi nghe tin đó?

 

Thực tế, rượu bia là đồ uống gây nghiện, nếu sử dụng thường xuyên. Tác hại do rượu bia lớn gấp nhiều lần so với lợi ích của nó mang lại. Tác hại của rượu bia không chỉ đối với sức khỏe con người mà gây ra các vấn đề khác như an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, thiệt hại kinh tế; Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia mà tùy thuộc vào tuổi, giới, đặc tính sinh học cá nhân, mức độ, cách uống..v..v.

 

Như một hệ quả tất yếu, thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do lái xe vi phạm các quy định về nồng độ cồn.

 

Điển hình là ba vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Bình Định, thành phố Hà Nội trong tháng 4/2019 đều do lái xe ô tô đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong nhân dân.

 

Đáng quan tâm ở chỗ, những trường hợp bị tai nạn giao thông do tài xế sử dụng rượu bia, thì những nạn nhân như nữ công nhân quét rác trên đường Láng (Hà Nội), như 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên (Hà Nội) mới đây, họ đều không thể ngờ được cái chết đến với mình bất ngờ như vậy.

 

Tất cả họ đều mong muốn trở về đoàn tụ cùng gia đình sau một ngày làm việc. Thế nhưng, cái chết bất ngờ đến với họ bởi người lái xe có sử dụng rượu bia. Họ mất đi mạng sống là điều vô cùng tức tưởi. Và hệ lụy còn đau đớn hơn chính là những đứa trẻ mất đi mái ấm, mất đi sự chăm sóc của người mẹ” - TS.Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ.

 

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

 

Vấn đề đặt ra ở chỗ, người ta có thể mua rượu, bia ở bất cứ đâu, cửa hàng tạp hóa đầu ngõ, cửa hàng tiện dụng ngoài phố, trong siêu thị, thậm chí là trên Internet với các loại chợ điện tử, Facebook bán hàng… Đó là chưa kể nhiều người dân nấu rượu tại nhà để tiết kiệm chi phí hoặc để tạo nguồn thu và nhà hàng, quán ăn nào cũng có sẵn rượu không nhãn mác bán cho khách hàng.

 

Với một thị trường mở đến tối đa như vậy có cách nào để giám sát việc bán hàng rượu bia, nhất là ở một quốc gia nhiều người có thói quen say xỉn như ở Việt Nam? Tức là, muốn quản lý thị trường rượu bia, đồ uống có cồn một cách triệt để thì phải có những giải pháp quản lý từ nguồn như đánh thuế thật cao đối với nhóm hàng này để chỉ những người có nhu cầu thực sự và có đủ điều kiện kinh tế mới có thể mua được..v..v.

 

Có điều, luật ban hành cũng chỉ là để răn đe, quan trọng vẫn là ở ý thức của người dân mà thôi.

 

Có thể, tăng trưởng ngành bia rượu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới nếu chúng ta không quyết liệt tuyên truyền tác hại của rượu bia, hay công tác quản lý tiêu thụ rượu bia không thật sự nghiêm, không kiểm soát được độ tuổi uống rượu bia. Điều này, là có thể là tin vui đối với ngành công nghiệp sản xuất, tiêu thụ đồ uống có cồn, nhưng ngược lại, nó lại là nỗi lo của nhiều người, đặc biệt của ngành y tế.

 

Theo enternews.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang