Thứ Sáu, 19/04/2024 23:42:20 GMT+7

Tin đăng lúc 26-08-2022

Lượt xem: 3801

Tiết kiệm năng lượng ở Thái Bình – Đầu tư ít, hiệu quả cao

Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, kinh tế tỉnh Thái Bình liên tục tăng trưởng khá, với Tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm ước tăng 8,7%/năm, kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn. Chính vì vậy, tỉnh Thái Bình luôn xác định, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả (NLTK&HQ), khai thác hợp lý các nguồn năng lượng sạch và bảo vệ môi trường đóng vai trò rất quan trọng.
Tiết kiệm năng lượng ở Thái Bình – Đầu tư ít, hiệu quả cao
Người dân xã Bắc Hải (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) tìm hiểu các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, từ nhiều năm qua, cùng với việc triển khai các hoạt động theo nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh Thái Bình (TTKC Thái Bình) đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương xây dựng và hoàn thiện “Kế hoạch thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030” trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành theo Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 08/3/2021, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Sử dụng NLTK&HQNghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

 

Nét nổi bật trong cách làm của Thái Bình là trong khi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn chọn các giải pháp hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công Trung ương và địa phương giúp cho các các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư, mua sắm dây chuyền thiết bị công nghệ để phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức các hội chợ, triển lãm… để giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mà ít chú trọng vấn đề TKNL, thì TTKC Thái Bình đã đặc biệt quan tâm tới Chiến lược Quốc gia về sử dụng NLTK&HQ.

 

 

Bà Trần Thị Diễn, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công công nghiệp Thái Bình 

 

 

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, bà Trần Thị Diễn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công Thái Bình cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tỉnh Thái Bình liên tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm ước tăng 8,7%/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người có bước tăng mạnh, năm 2020 ước cao gấp 2 lần năm cuối nhiệm kỳ trước. Nền kinh tế - xã hội phát triển đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí triển khai các giải pháp kỹ thuật trong chương trình TKNL còn hạn chế; Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, cá nhân chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng sử dụng NLTK&HQ; Kinh phí đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất lớn, do đó, việc thay đổi chưa được đồng bộ, chủ yếu là sửa chữa, khắc phục; Đội ngũ người quản lý năng lượng tại các cơ sở năng lượng trọng điểm chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa nắm rõ và triển khai được triệt để trách nhiệm và nhiệm vụ của mình…, nên Trung tâm đã tập trung mọi nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước; Hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm; Chuyển đổi thị trường; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng NLTK&HQ.

 

Quan điểm của Lãnh đạo Sở Công Thương và TTKC Thái Bình là cần phải nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và các cơ sở CNNT, đồng thời trang bị cho họ kiến thức thông qua các khóa đào tạo, các lớp tập huấn về sử dụng NLTK&HQ, nhằm giúp cho các học viên lĩnh hội được thêm những kiến thức về TKNL để áp dụng vào thực tế trong quá trình quản lý, điều hành sản xuất tại đơn vị. Trên cơ sở Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành, với tổng kinh phí cho giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 265,267 tỷ đồng, TTKC Thái Bình đã phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương tổ chức triển khai các nội dung, gồm: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng NLTK&HQ; Hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư về sử dụng NLTK&HQ đối với các hoạt động sản xuất, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất; Tăng cường năng lực về sử dụng NLTK&HQ; Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế sử dụng NLTK&HQ; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về sử dụng NLTK&HQ. Trong đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được đặt lên hàng đầu.

 

 

Trung tâm Khuyến công Thái Bình tổ chức khóa đào tạo “Người quản lý năng lượng cho cán bộ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh”

 

Ông Trần Văn Tuấn – nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Lô A2 – Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Tp Thái Bình) cho biết: TTKC Thái Bình mở khóa đào tạo về quản lý năng lượng cho cán bộ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh là việc làm hết sức cần thiết và rất hữu ích đối với các doanh nghiệp như chúng tôi. Tại lớp học, chúng tôi được giảng viên đến từ Trường Đại học Điện lực trang bị thêm các kiến thức về quản lý, vận hành thiết bị, giải pháp khắc phục và giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp. Ngoài ra, giảng viên còn giải thích thêm cho chúng tôi cách thức TKNL đối với các hệ thống máy móc trong nhà xưởng như: Bơm, quạt; Hệ thống điện; Hệ thống nén khí; Hệ thống điều hòa không khí; Hệ thống chiếu sáng và động cơ điện; Hệ thống hơi…

 

Cũng là một trong số nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua chương trình tuyên truyền, tư vấn TKNL trong sản xuất do TTKC Thái Bình tổ chức, ông Trần Công Quang - Phó Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Đống Năm (xã Đông Động, huyện Đông Hưng) chia sẻ: Công ty chúng tôi có công suất thiết kế sản xuất 40 triệu sản phẩm gạch mỗi năm. Trước đây, do chưa nhận thức được đầy đủ về việc sử dụng NLTK&HQ trong sản xuất nên đã dẫn tới việc chi phí sản xuất cao, sản phẩm gạch làm ra có giá cao khó cạnh tranh được trên thị trường. Từ ngày được TTKC Thái Bình tư vấn, Công ty chúng tôi đã biết cách tận dụng lấy nhiệt từ lò nung thông qua hệ thống dẫn nhiệt, điều này vừa TKNL vừa bảo đảm độ an toàn cho công nhân khi đưa gạch ra khỏi lò nung. Cùng với đó, Công ty cũng đã mạnh dạn thay thế trên 6.000 m2 mái nhà xưởng bằng tấm lợp nhựa trắng để lấy ánh nắng tự nhiên phơi khô sản phẩm, đồng thời, áp dụng chế độ chạy máy trong giờ thấp điểm ở khâu tạo hình từ 6h sáng đến 9h30 phút, chiều từ 1h đến 5h để tiết kiệm điện… Qua đó, đã làm giảm chi phí sản xuất và góp phần tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

 

Sau những đợt tập huấn, đào tạo phổ biến kiến thức và hướng dẫn quy trình triển khai các mô hình TKNL trên địa bàn toàn tỉnh, có thể thấy, hiệu quả đem lại rất đáng ghi nhận, nhất là khu vực nông thôn. Gia đình ông Đỗ Văn Vương (thôn An Phú, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải) phải chi gần 1 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, nhưng từ khi được tuyên truyền về việc TKNL, nhận thức rõ những lợi ích đem lại, ông thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong gia đình bằng đèn Led tiết kiệm điện, tủ lạnh có dán nhãn TKNL giúp tiêu thụ ít điện năng và bình nước nóng năng lượng mặt trời (NLMT) thì chi phí của gia đình ông giảm rõ rệt. Theo ông Vương: “Việc sử dụng bình nước nóng NLMT tôi thấy quá hợp lý, khi chưa lắp thiết bị này, mỗi tháng chỉ tính riêng tiền sử dụng nước nóng bằng bình nóng lạnh gia đình tôi cũng mất khoảng 200 – 300.000 đồng, nhưng từ hồi lắp bình NLMT, hàng tháng gia đình tôi có thể bỏ ra vài trăm nghìn tiết kiệm”.

 

 

Sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời đã giúp gia đình ông Đỗ Văn Vương tiết kiệm được chi phí sử dụng điện hàng tháng

 

Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà cho biết: Nhờ sự giúp đỡ của TTKC Thái Bình mở lớp tập huấn về TKNL, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp sử dụng NLTK&HQ. Đến nay, 100% số hộ dân đã sử dụng các thiết bị chiếu sáng có tính năng tiết kiệm điện (TKĐ) như sử dụng bóng đèn compact thay thế bóng đèn sợi đốt. Kể cả điện đường chúng tôi cũng sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. Bà con đã hình thành thói quen tắt các thiết bị điện khi không cần thiết và khi không có nhu cầu sử dụng”.

 

 

Cán bộ TTKC Thái Bình hướng dẫn người dân xã Minh Tân, huyện Đông Hưng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện và hiệu quả

 

 

Bên cạnh đó, việc sử dụng hầm Biogas làm khí đốt trong sinh hoạt ở Thái Bình trong vài năm trở lại đây cũng khá phát triển. Bà Hoàng Thị Hoa (thôn Duy Tân, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng) chia sẻ: Gia đình tôi hiện nuôi hơn 20 con lợn. Trước đây, tôi thường xử lý phân lợn bằng cách gom lại thành đống rồi ủ, sau đó mang đi bón cho lúa, rau màu. Nhưng cách làm này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh bởi tình trạng bốc mùi hôi thối. Từ ngày được TTKC Thái Bình tuyên truyền và hỗ trợ 4 triệu đồng cho gia đình để xây dựng hầm Biogas, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm 10 triệu đồng để xây dựng. Sau khi lắp đặt xong hệ thống hầm bể, tôi thấy môi trường chuồng trại trở nên sạch sẽ hơn. Đồng thời, thông qua việc sử dụng khí gas từ hầm Biogas gia đình còn tiết kiệm được từ 350.000 - 400.000 đồng/tháng cho việc mua gas, than, củi.

 

Ở huyện Vũ Thư, việc đầu tư lắp đặt giàn pin năng lượng mặt trời trên địa bàn xã cũng đang được nhiều hộ dân trong huyện đầu tư lắp đặt. Ông Lê Khắc Dẫn, thôn Gia Lạc, xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư cho biết: Vừa qua, được TTKC Thái Bình hỗ trợ một phần kinh phí, gia đình ông lắp đặt 02 tấm pin năng lượng mặt trời, đầu tư ban đầu cho tấm pin năng lượng mặt trời không quá đắt và tính đến hiệu quả lâu dài, thì nhờ tấm pin năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng và quạt mát nên mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được hơn 200.000 đồng tiền điện, ngoài ra, gia đình còn sử dụng bình nước nóng NLMT cũng tiết kiệm tiền điện mỗi tháng từ 200 – 300 nghìn đồng.

 

 

Người dân xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư sử dụng máy điều hòa cho nuôi tằm

 

Hiệu quả thiết thực từ chương trình TKNL không chỉ đối với người dân và các địa phương, mà sức lan tỏa từ các giải pháp đồng bộ cũng được các cơ quan chức năng địa phương cụ thể hóa bằng các hành động. Ông Phạm Văn Quảng – Chánh Văn phòng UBND huyện Kiến Xương cho biết: Tại trụ sở huyện, các đồng chí lãnh đạo UBND đã chỉ đạo các phòng, ban phổ biến TKNL tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. UBND huyện sử dụng các thiết bị sử dụng điện có đèn Led, quạt trần, máy tính, máy photocopy các loại…, tất cả các thiết bị này đều được chúng tôi lắp đặt bằng các thiết bị tiết kiệm điện, nhờ đó, mỗi tháng huyện đã tiết kiệm được từ 15-20% tiền điện”. Còn bà Lê Thị Yên – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Thanh, huyện Thái Thụy chia sẻ: Trường chúng tôi có 384 học sinh với 15 phòng học. Thời gian qua, Nhà trường đã tuyên truyền vấn đề TKĐ tới tất cả giáo viên và học sinh trong toàn trường thông qua các buổi chào cờ đầu tuần. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền trong một số tiết học của các môn học như đạo đức, khoa học để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Ở các phòng học, Nhà trường tận dụng việc sử dụng gió và ánh sáng tự nhiên, thực hiện nghiêm túc công tác TKNL theo đúng sự chỉ đạo từ Trung ương và chính quyền địa phương…

 

 

Xã Hòa Bình (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) có hơn 20% hộ dân được TTKC Thái Bình hỗ trợ kinh khí lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời

 

Từ kết quả thực tiễn trong hoạt động TKNL những năm qua trên địa bàn tỉnh Thái Bình, năm 2022, TTKC Thái Bình đã và đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, mở lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sử dụng NLTK&HQ; Xây dựng hệ thống quản lý, ban hành các quy định, hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với thẩm quyền của tỉnh trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Xây dựng và ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tài chính phù hợp với thẩm quyền của tỉnh, tập trung vào hỗ trợ ngành công nghiệp - xây dựng và ngành giao thông vận tải; Xây dựng hệ thống mẫu biểu cập nhật cơ sở dữ liệu về sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh… Theo đó, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2022, TTKC Thái Bình sẽ tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT và các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh sẽ TKNL tối thiểu là 5,5% so với dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, cụ thể: Ngành Giao thông vận tải tiết kiệm tối thiểu 3,7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn ngành; Ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiết kiệm tối thiểu 4,1%; Ngành dịch vụ công cộng tiết kiệm tối thiểu 14,7%; Lĩnh vực dân dụng sinh hoạt tiết kiệm tối thiểu 3,1%; Ngành Thương mại dịch vụ tiết kiệm tối thiểu 4,9% và Công nghiệp tiết kiệm tối thiểu 8,2% tổng tiêu thụ năng lượng toàn ngành.

 

Có thể khẳng định, việc triển khai các hoạt động thúc đẩy Kế hoạch Sử dụng NLTK&HQ trên địa bàn tỉnh Thái Bình là một cách làm hay của TTKC Thái Bình, trong đó nổi bật là tập trung trang bị kiến thức, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nắm bắt đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước về TKNL với một nguồn kinh phí không lớn, nhưng đem lại hiệu quả cao, rất cần được phổ biến nhân rộng.  

 

Như Quỳnh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang