Thứ Năm, 25/04/2024 23:41:21 GMT+7

Tin đăng lúc 02-07-2019

Lượt xem: 1149

Thực thi hiệu quả EVFTA: Biến thách thức thành cơ hội

Ngay sau ký kết 1 ngày, ngày 1/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức buổi “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA): Cơ hội cho doanh nghiệp”.
Thực thi hiệu quả EVFTA: Biến thách thức thành cơ hội
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Đối thoại

Đây được coi là cơ hội tốt để các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp có thêm các thông tin hữu ích về Hiệp định, xác định các cơ hội để có sự chuẩn bị tích cực và tốt nhất nhằm tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại.

 

Kỳ vọng những cơ hội chưa từng có

 

Đối với Hiệp định EVFTA và IPA, điều rất đặc biệt là Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU – một FTA với tiêu chuẩn cao. Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.

 

Theo đó, những nông sản nhiệt đới, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau củ… của Việt Nam xuất khẩu sang EU với thuế quan ưu đãi sẽ mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân Việt Nam, những người chiếm trên 65% lực lượng lao động Việt Nam và đang có thu nhập trung bình chưa dầy 1.000 euro/năm.

 

Các sản phẩm nông sản và thủy sản Việt Nam đều trực tiếp mang lại lợi ích, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người sản xuất, người nông dân mà mang lại những giá trị gia tăng cho chúng ta.” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

Cụ thể, doanh nghiệp có điều kiện tạo nên liên kết ở trong nước với các nước khác kể cả khu vực sản xuất và chế biến của người nông dân để tạo chuỗi giá trị này. Thứ 2, có điều kiện tiếp tục cải thiện năng suất lao động và trình độ công nghệ thông qua giá trị gia tăng mang lại. Thứ 3, giá trị, công tác thương hiệu cũng sẽ được khai thác tốt hơn.

 

Đây là điều các doanh nghiệp cần tính đến và tập trung vào. Không chỉ đơn giản đạt tích cực với những chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định này mà phần lớn liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, nông sản Việt Nam. Đây là cơ hội chúng ta tự phát triển, khai thác những thế mạnh, tiềm năng mà Việt Nam có điều kiện thụ hưởng với giá trị gia tăng cao nhất.”- Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.

 

 

Tuy nhiên, với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa. Hiệp định EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững.

 

Từ phía cộng động doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cũng nhận định, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào những cơ hội chưa từng có từ hai Hiệp định kết nối Việt Nam với EU – đối tác thương mại chiếm xấp xỉ 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ngoài khu vực châu Á tại Việt Nam.

 

EVFTA và IPA toàn diện và tiêu chuẩn cao với một đối tác phát triển như EU sẽ tạo ra sức ép tốt để cải thiện môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường, tôn trọng cạnh tranh và quyền tự do kinh doanh, bảo hộ hợp lý tài sản của nhà đầu tư. Đây là điều mà hơn 70.000 doanh nghiệp Việt Nam luôn mong đợi” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh thêm.

 

Bà Cecilia Malmström - Cao ủy Thương mại của EU – cho rằng, Hiệp định EVFTA là một hiệp định rất hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp hai bên và cả người tiêu dùng. Người dân Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ EU. Các sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ có sự bảo hộ vào thị trường EU. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng bao hàm những điều khoản phi truyền thống như phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người lao động... Hiện nay, chuỗi cung ứng ngày càng có sự hội nhập sâu rộng hơn, mang lại nhiều cơ hội mới. Do đó, cần có cơ chế cho các bên liên quan cùng tham gia vào hiệp định này.

 

Chúng tôi muốn đảm bảo quan hệ thương mại mang lại những tác động tích cực. Cơ hội mà hiệp định này mang lại không chỉ cho ngày hôm nay mà còn về mai sau” – bà Cecilia Malmström nhấn mạnh.

 

Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Nicolas Audier – đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – khẳng định, hiệp định này chắc chắn sẽ đơn giản hóa các thủ tục đầu tư để hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ châu Âu vào Việt Nam.

 

Thực tế, từ 2-3 năm trước đã có những dự án đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ các nước như Ba Lan, Hungarry, Bồ Đào Nha đầu tư vào Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu. “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng EVFTA và IPA có lực đẩy mạnh mẽ, để đẩy mạnh hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ EU đến Việt Nam.” – ông Nicolas Audier chia sẻ.

 

Không chủ quan xem nhẹ thách thức

 

Cùng với các cơ hội, việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

 

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để vượt qua thách thức. Trước tiên, đó là đảm bảo quy tắc xuất xứ, vượt qua được quy tắc này là nỗ lực rất lớn, sử dụng nguyên liệu từ EU, từ đó tăng cường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

 

Thứ 2, rào cản thương mại của EU thuộc cao nhất, vệ sinh dịch tễ tiêu chuẩn rất cao. “Vượt qua và đáp ứng tiêu chuẩn này cần sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam, cần sự tạo lập chính sách và sự hỗ trợ của EU về kỹ thuật để nâng cao được chất lượng sản phẩm đáp ứng đc yêu cầu đó.” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

Thứ 3, chi phí tuân thủ kèm theo điều kiện rất cao về môi trường và lao động. Điều này đòi hỏi cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất.

 

Thứ 4, hiểu được cam kết nhưng phải vận dụng được- cũng là 1 thách thức. Phải hiểu được, trên cơ sở đó, doanh nghiệp biết cách cơ cấu lại thị trường, đổi mới, để đáp ứng được yêu cầu đó.

 

Thông về thị trường, nhưng phải thoáng về cơ chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp chính mình” – ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ thêm.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, thách thức không nằm trong chủ quan của doanh nghiệp mà nằm trong khách quan, nhưng cũng nằm ở phía chủ quan của chúng ta. Đó là công tác tổ chức thực thi và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan đến bộ luật hóa. Những bộ luật này theo hướng cải cách và kiến tạo hướng tới doanh nghiệp và người dân, như ông Vũ Tiến Lộc nói “minh bạch, công khai, thông thoáng và tiên liệu trước”.

 

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong quá trình hội nhập trước kia, có nhiều điều làm được. Vì vậy, nếu như có sự tương tác tốt giữa doanh nghiệp và người dân với khu vực công, với mục tiêu cụ thể, chắc chắn rằng, khó khăn sẽ biến thành hiệu quả và cơ hội.

 

Không chỉ còn là những thông tin chung chung, những cam kết này đã đi vào cụ thể từng nhóm ngành hàng, và từng ưu đãi. Vấn đề còn lại là chương trình hành động của các tỉnh, thành phố sau này về cách tổ chức thực hiện. Đây cũng là thách thức chung.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Theo congthuong.vn


Tag:EVFTA

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang