Thứ Năm, 25/04/2024 04:40:22 GMT+7

Tin đăng lúc 28-03-2015

Lượt xem: 5667

Thúc đẩy lộ trình Thị trường điện bán buôn cạnh tranh

Ngày 25/03/2015, tại Hà Nội, Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam. Sự kiện đã thu hút đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các tổ chức, ngân hàng quốc tế, các chuyên gia ngành điện và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
Thúc đẩy lộ trình Thị trường điện bán buôn cạnh tranh

Thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức từ ngày 01/7/2012. Qua gần 3 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã giúp tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện, tăng tính minh bạch trong huy động các nguồn điện, tạo động lực cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả, từ đó tạo tín hiệu cho thu hút đầu tư nguồn điện, giảm dần đầu tư của Nhà nước và tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đầu tư từ nước ngoài. Các kết quả đạt được của thị trường phát điện cạnh tranh cũng như các kiến thức, bài học bổ ích để từng bước hoàn thiện sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển lên thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh là một trong những chiến lược dài hạn của ngành điện Việt Nam, đã được quy định tại Luật Điện lực. Theo lộ trình quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện tại Việt Nam sẽ phát triển từ cấp độ phát điện cạnh tranh sang cấp độ bán buôn cạnh tranh và cuối cùng là bán lẻ cạnh tranh.

 

Nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, tháng 07/2014, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 6463/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam (VWEM) dự kiến từ năm 2016. Từ tháng 9/2014 Cục ĐTĐL đã phối hợp với liên danh tư vấn Intelligent Energy Systems và SW Advisory (Úc) nghiên cứu xây dựng Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ kỹ thuật do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ. Qua một số lần hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị tư vấn đã hoàn thiện dự thảo lần 2.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục ĐT ĐL phát biểu

 

Theo dự thảo báo cáo Thiết kế chi tiết, Thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ tạo bước phát triển mở rộng cho thị trường phát điện cạnh tranh hiện tại, tuy nhiên cũng đặt ra một số các vấn đề như vai trò, chức năng của các đơn vị thành viên thị trường điện; đặc biệt là đối với 05 tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh; cơ chế hợp đồng song phương giữa các Tổng công ty điện lực và đơn vị phát điện nhằm quản lý, giảm thiểu rủi ro về biến động giá trên thị trường giao ngay; cơ chế  xử lý, chuyển đổi các hợp đồng chênh lệch giá - CFD hiện có sang Thị trường bán buôn và các cơ chế vận hành thị trường giao ngay... Đây là những vấn đề cần tập trung xem xét đánh giá để lựa chọn phù hợp.

 

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện cho liên danh tư vấn là Tiến sĩ Stuart Thorncraft và ông Stephen Wallace cho biết: Thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ căn cứ trên cơ sở kết quả và các vấn đề của thị trường phát điện cạnh tranh, kinh nghiệm quốc tế, các điều kiện đặc thù của ngành điện Việt Nam và hệ thống công nghệ thông tin hiện tại cũng như tương lai.

 

Sau khi nghe báo cáo kết quả nghiên cứu về hiện trạng thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam, đơn vị tư vấn đã nêu nội dung của thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh bao gồm cấu trúc thị trường, các thành viên tham gia thị trường; đặc trưng của thị trường bán buôn; các mô hình thị trường theo chi phí, thị trường theo giá; cơ chế hợp đồng, thanh toán và cuối cùng là đề xuất thiết kế.

 

Đại diện Tập đoàn EVN đặt câu hỏi với tư vấn

 

Trong các đề xuất thiết kế, đơn vị tư vấn đưa ra 15 vấn đề theo đó nhấn mạnh đến đơn vị vận hành hệ thống điện - thị trường điện độc lập không thuộc EVN hoặc tách bạch trong EVN; cần tách bạch đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý số liệu đo đếm, tách bạch khâu bán lẻ; đề xuất tham gia thị trường của các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các nhà máy điện BOT; cơ chế hợp đồng; định giá thị trường và dịch vụ phụ trợ...

 

Tất cả những đề xuất trên đều hướng tới nâng cao tính cạnh tranh trong ngành điện (Bên mua điện sẽ chủ động, hầu hết các nhà máy điện sẽ tham gia với vai trò là bên bán, tính cạnh tranh sẽ đưa ra tín hiệu giá đúng); huy động nguồn điện hiệu quả (nâng cao việc sử dụng các nguồn điện hiện tại, khuyến khích nâng cao độ sẵn sàng/ độ tin cậy, góp phần giảm nhu cầu đầu tư nguồn điện mới, khuyến khích đầu tư hiệu quả); Khai thác hiệu quả lưới điện truyền tải (Mô hình lập lịch huy động tối ưu có xét đến ràng buộc có thể giúp giảm nghẽn mạch truyền tải, khai thác tối ưu lưới điện truyền tải, giảm nhu cầu đầu tư, khuyến khích đầu tư lưới hiệu quả; Khuyến khích đầu tư do nâng cao tính minh bạch về cấu trúc ngành và công tác vận hành nhất là đối với đơn vị vận hành (SMO), khâu bán lẻ thuộc các điện lực, các đơn vị bán lẻ, đơn vị quản lý số liệu đo đếm, các đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện, công khai thông tin giúp các nhà đầu tư hiểu về thị trường.

 

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn EVN, các đơn vị phát điện, phân phối và chuyên gia cũng đã nêu nhiều câu hỏi liên quan đến hợp đồng song phương, chi phí cho đơn vị vận hành, chi phí truyền tải, phân phối; cơ chế giá chào của các nhà máy thủy điện đa mục tiêu... Việc tách bạch khâu phân phối, bán lẻ như thế nào và vai trò của EVN...

 

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Cục Điều tiết Điện lực sẽ cùng các đơn vị tư vấn nghiên cứu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp đồng thời tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện báo cáo thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang