Thứ Sáu, 29/03/2024 04:00:17 GMT+7

Tin đăng lúc 13-01-2020

Lượt xem: 6936

Thúc đẩy hợp tác xã thanh niên khởi nghiệp ở nông thôn

Thời gian gần đây, các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) thanh niên, giúp nhau phát triển kinh tế đã mang đến sự khởi sắc trong hoạt động của các HTX.
Thúc đẩy hợp tác xã thanh niên khởi nghiệp ở nông thôn
Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn).

Tuy nhiên, khả năng kết nối giữa các mô hình khởi nghiệp trong HTX do thanh niên làm giám đốc với nhau còn hạn chế. Nhiều nơi, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến HTX thanh niên. Do đó, để phong trào lập nghiệp đạt hiệu quả bền vững, cần nhiều giải pháp để hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Trẻ hóa nguồn lao động

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện cả nước có hơn 14.500 HTX nông nghiệp, trong đó có hơn 50% hoạt động hiệu quả, số còn lại được đánh giá có tiềm năng phát triển trong tương lai. Trong 6.000 HTX được thành lập trong vòng 5 năm gần đây, có đội ngũ lãnh đạo trong HTX là những người trẻ. Đây là một lợi thế để các HTX có thể tiếp cận khoa học - công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 

Khi phần lớn những người trẻ sống ở nông thôn chọn hướng thoát ly ra thành phố để lập nghiệp, thì những thanh niên ở xã Như Cố, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đã chọn cách khởi nghiệp tại chính quê hương mình. Họ tham gia vào HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố để tận dụng nguồn đất đai dồi dào của địa phương trồng các loại nông sản. Ban đầu, HTX chỉ có chín thành viên, thực hiện chuyển đổi 6.000 m2 đất ruộng sang trồng rau bò khai tại thôn Nà Chào để cung cấp rau sạch cho thị trường Hà Nội. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố xúc động cho biết: Nhờ sự ủng hộ của các đoàn viên thanh niên và bà con nông dân, HTX đã trở thành đầu mối bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân địa phương, góp phần hạn chế được tình trạng sản xuất manh mún, thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp theo tổ, nhóm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Từ mô hình khởi nghiệp trẻ ban đầu, đến nay HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố đã có 15 thành viên chính thức, với quy mô hoạt động lớn hơn, toàn diện hơn trên diện tích đất gần 8 ha. Ngoài sản xuất, kinh doanh rau an toàn, HTX mở rộng sang chế biến chè và chăn nuôi lợn. Đồng thời, mạnh dạn thử nghiệm trồng các loại dưa hấu, dưa lê, dưa chuột và mới đây là cây thanh long ruột đỏ… được thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tiếp nhận. Để mở rộng vùng nguyên liệu, HTX chủ động liên kết với người dân qua phương thức HTX hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người dân góp đất, góp nhân công, theo quy trình sản xuất khép kín. Chính nhờ mối liên kết trong sản xuất đã giúp cho những sản phẩm của HTX duy trì ổn định chất lượng theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, tất cả những sản phẩm do HTX cung cấp ra thị trường đều có nhãn mác, mã số, mã vạch do cơ quan chức năng cấp.

 

Không chỉ làm tốt khâu sản xuất, phân phối sản phẩm theo hướng truyền thống, HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố còn đi đầu trong ứng dụng công nghệ khi xây dựng website riêng có đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu. Đặc biệt, hệ thống bán hàng trực tuyến, ma-két-tinh, quảng cáo thương hiệu, đã và đang được xem là những thành công của những xã viên - thanh niên trẻ Như Cố trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chính sách tích tụ đất đai cùng chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là một trong những lợi thế của HTX, tổ hợp tác (THT) trẻ.

 

Thành công với tinh thần dám nghĩ dám làm với mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín còn phải kể đến HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Với người dân nơi đây, HTX giống như mái nhà chung, nơi gửi gắm khát vọng và niềm tin mãnh liệt của những thanh niên trẻ. Được thành lập vào tháng 3-2016 với vốn điều lệ là 3,1 tỷ đồng, đến nay sau ba năm hoạt động, không những quy mô sản xuất được mở rộng, HTX còn trực tiếp liên kết sản xuất với 28 THT của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hơn 360 lao động, trong đó có cả người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo. Giám đốc HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh Nguyễn Quốc Hương chia sẻ: “Để có được thành công trong mô hình liên kết sản xuất, HTX đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu không chỉ cho các xã miền biển như: Hải Trạch, Thanh Trạch, mà còn cả các xã miền núi thuộc huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa… góp phần ổn định thu nhập của người dân với mức bình quân từ bốn đến năm triệu đồng/người/ tháng”.

 

Câu chuyện khởi nghiệp của những thanh niên trẻ tại hai tỉnh Bắc Kạn, Quảng Bình đã cho thấy sự năng động, sáng tạo, giàu nghị lực của thanh niên trong việc vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 

Cần sự hỗ trợ để thành công

 

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của các HTX thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu được tổ chức tháng 7-2019, Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) Lê Đức Thịnh cho rằng, sự thành công của các mô hình sản xuất trẻ trong các HTX, THT đã mang đến một diện mạo mới, sức sống mới cho các HTX. Đây là tín hiệu đáng mừng của một nền kinh tế và chiến lược phát triển 15 nghìn HTX hoạt động hiệu quả. Khi làm việc với cán bộ trẻ, chúng tôi thấy được sự nhiệt huyết, đam mê trong công việc. Nhưng để phong trào thanh niên khởi nghiệp thành công, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để người trẻ có thể hiểu rõ về bản chất HTX, từ đó làm đúng luật khi hoạt động trong môi trường HTX. Bên cạnh đó là hỗ trợ về vốn, về những thủ tục trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thị trường, công nghệ phục vụ sản xuất.

 

Theo Giám đốc HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh Nguyễn Quốc Hương, việc khó khăn nhất khi bắt đầu khởi nghiệp chính là chi phí đầu tư. Với kinh nghiệm từ bản thân, để có vốn, Giám đốc Nguyễn Quốc Hương đã phải thế chấp tài sản vay ngân hàng để mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, lắp hệ thống phun tưới, làm mát… Vì thế, HTX mới có thể đi vào ổn định và phát triển như hiện nay.

 

Vốn đầu tư cho sản xuất không chỉ là cái khó của riêng HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, mà cũng là cái khó chung của tất cả các HTX nông nghiệp nói chung, HTX trẻ nói riêng. Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi về mong muốn thành phố, Liên minh HTX Việt Nam có thể thành lập quỹ đầu tư cho HTX với mức vay tối đa một tỷ đồng và không tính lãi trong ba năm để HTX có vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

 

Mong muốn có được một nguồn quỹ (có hoặc không tính lãi) để HTX, THT có thể vay vốn không cần thế chấp hay nhu cầu được đào tạo bài bản cùng những chính sách thông thoáng về vốn, đất đai là những yêu cầu có thật trong khởi nghiệp trẻ, cần được các cấp quản lý nhìn nhận như là những nút thắt cần được tháo gỡ. Theo Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, bên cạnh các luật đã được ban hành, phía địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lao động trẻ tự nguyện tham gia HTX. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ để giới thiệu cách làm, dự án khởi nghiệp giúp bạn trẻ hình thành ý tưởng khởi nghiệp, tổ chức các kỳ thi khởi nghiệp HTX. Từ đó kêu gọi vốn của các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư cho những mô hình có tính khả thi cao.

 

Được biết, thời gian qua Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã có những bước đi cụ thể trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2019, Cục đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đào tạo 500 cán bộ trẻ cho HTX. Ngoài ra, Cục cũng tham mưu cho Bộ NN và PTNT đưa cán bộ trẻ ra nước ngoài đào tạo (năm 2019 đào tạo 30 cán bộ trẻ tại Nhật Bản, theo kế hoạch năm 2020 sẽ tiếp tục đào tạo 150 cán bộ trẻ theo hình thức này).

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại những mô hình thanh niên khởi nghiệp cho thấy, phần lớn thanh niên sống chung với gia đình cho nên nếu cha hoặc mẹ đã được vay nguồn vốn từ các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, thì thanh niên sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chưa kể, quy định về điều kiện được vay vốn phải là hộ nghèo, cận nghèo đã phần nào hạn chế đối tượng vay...

 

Do đó, để phong trào khởi nghiệp được thành công, ngoài đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho HTX, THT, những quy định mang tính hành chính bắt buộc về đối tượng và điều kiện được vay vốn cần được thay đổi. Có như vậy, mới có được nhiều hơn những điển hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần trở thành động lực cổ vũ phong trào lập nghiệp ở các địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, từ đó hạn chế tối đa tình trạng “ly nông, ly hương”, cải thiện chất lượng lao động tại nông thôn đang ngày càng già hóa, vốn là bài toán chưa có lời giải tại nhiều vùng quê hiện nay.

 

Theo Báo Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang