Thứ Năm, 25/04/2024 21:55:18 GMT+7

Tin đăng lúc 09-01-2016

Lượt xem: 4023

Thời cơ “vàng” cho công nghiệp hỗ trợ

Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016. Với tư tưởng đột phá, nghị định mở ra cơ hội lớn cho ngành CNHT Việt Nam.
Thời cơ “vàng” cho công nghiệp hỗ trợ
Ảnh minh họa

“Đường lớn” đã mở

 

Tại nhiều cuộc hội thảo về phát triển CNHT, các chuyên gia kinh tế khẳng định: Ngành CNHT tại Việt Nam kém phát triển chủ yếu do thiếu cơ chế, chính sách cụ thể. Nói như chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chính sách phát triển CNHT vừa thiếu, vừa yếu, lại không rõ ràng, khó áp dụng nên không hấp dẫn doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư.

 

Chính vì vậy, với sự ra đời của Nghị định 111/2015/NĐ-CP, DN tham gia đầu tư vào CNHT sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể: Đối với tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT được ưu tiên phát triển sẽ được hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm. Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất CNHT sẽ được nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng ưu đãi sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển CNHT. Ngoài ra, dự án CNHT thuộc lĩnh vực ưu tiên còn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ mở rộng hợp tác quốc tế, được ưu tiên tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Nghị định cũng thành lập Trung tâm Phát triển CNHT nhằm thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chế tạo thử nghiệm sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển...

 

Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - cho biết: Điểm đột phá của nghị định là thủ tục hành chính được cải thiện triệt để, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Nếu như chính sách phát triển CNHT trước đây không rõ ràng do phải tham chiếu quá nhiều văn bản khác nhau, khiến DN khó tham gia. Để khắc phục tồn tại này, chính sách phát triển CNHT mới làm theo tinh thần Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nên nội dung sẽ đưa thẳng vào văn bản thay vì tham chiếu hết các văn bản này văn bản khác.

 

Theo GS- TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, bên cạnh chính sách phát triển CNHT cởi mở, có một làn sóng FDI mới vào Việt Nam từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhất là từ Mỹ khi các hiệp định thương mại tự do đã và đang chuẩn bị được ký kết... Tất cả những điều kiện này đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho ngành CNHT Việt Nam.

 

Doanh nghiệp phải biết tận dụng cơ hội

 

Điều kiện và chính sách cho phát triển ngành CNHT đã sẵn sàng, tuy nhiên có tận dụng được cơ hội này hay không lại phụ thuộc vào “độ nhạy” của mỗi DN. Theo GS Nguyễn Mại, tham gia đầu tư CNHT để sản xuất linh, phụ kiện cho những tập đoàn lớn là DN Việt Nam đang quyết định tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh những thuận lợi là thách thức. Với DN Việt, điều này không hề đơn giản, bởi đa số quy mô nhỏ, trình độ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn hạn chế; không có nhiều kinh nghiệm tiếp cận với các tập đoàn đa quốc gia để cung cấp linh phụ kiện. Trong khi đó, để trở thành một “mắt xích” của những tập đoàn này, phải đạt ít nhất 3 tiêu chí, bao gồm: Chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả cạnh tranh.

 

 

Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp phải biết tận dụng cơ hội

 

Không chỉ có vậy, để trở thành đối tác cung cấp linh kiện cho tập đoàn toàn cầu, bản thân DN Việt Nam phải cạnh tranh với cả DN vệ tinh của những tập đoàn này. Đây là những nhà sản xuất CNHT chuyên nghiệp với công nghệ hiện đại và bề dày kinh nghiệm.

 

Tuy nhiên, nếu lúc nào cũng mang tâm lý lo sợ thì DN Việt Nam sẽ mất đi cơ hội của mình. Trên thực tế, đã có rất nhiều DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Điển hình như Công ty Sản xuất linh kiện nhựa HTMP chuyên sản xuất CNHT cho các tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam như: Panasonic, Honda, Yamaha, Canon...

 

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc Công ty HTMP cho biết - làm CNHT cho những tập đoàn toàn cầu rất khó, nhưng không có nghĩa không thể làm được. Nếu đủ quyết tâm, DN nhỏ và vừa Việt Nam vẫn có thể làm tốt CNHT cho các tập đoàn lớn.

 

Không chỉ với những DN đã có kinh nghiệm làm CNHT như HTMP mà với những DN nhỏ và vừa, mới gia nhập thị trường, nếu có quyết tâm vẫn có thể thành công. Công ty TNHH Thương mại khuôn mẫu TDBH là ví dụ. Dù mới chỉ thành lập từ tháng 3/2014, song đến tháng 1/2015, DN này đã trở thành nhà cung cấp cấp 2 cho Samsung Việt Nam. Mục tiêu của TDBH là sẽ trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung Việt Nam vào năm 2018.

 

Ông Nguyễn Đức Tiến - Giám đốc Công ty TDBH – nhấn mạnh: Sự nhạy bén sẽ giúp DN biết được vị trí, điểm mạnh, điểm yếu của mình và có những điều chỉnh phù hợp để nắm bắt cơ hội.

 

 

Ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương):

Chính phủ ban hành chính sách phát triển CNHT, còn tận dụng cơ hội như thế nào, phụ thuộc vào mỗi DN.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang