Thứ Năm, 28/03/2024 23:58:58 GMT+7

Tin đăng lúc 13-01-2020

Lượt xem: 7761

Thơ với bia hơi

Phải còn một tuần nữa mới đến Tết, nhưng ông Vàng có vẻ rất sốt sắng. Ông đi đi, lại lại trong nhà, thỉnh thoảng lại lẩm bẩm điều gì đó khiến vợ con ông trông thấy mà suốt ruột. Đang tất bật sửa soạn mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo cuối năm, bà Cúc - vợ ông vẻ bức xúc, nói với con gái: “Bố mày, 70 rồi, chỉ có ăn chơi với bia hơi mà lúc nào cũng ra chiều bận rộn lắm! Mẹ không hiểu bia hơi Hà Nội có gì đặc biệt mà cuốn hút người ta đến thế”?
Thơ với bia hơi
Bia hơi Hà Nội đã đi vào thơ văn của biết bao tao nhân mặc khách, cho thấy nét ẩm thực thú vị đất Hà Thành

Đào va chạm công tác xã hội nhiều, lại có chồng tham gia Câu lạc bộ yêu bia hơi Hà Nội nên hiểu bố mình hơn, liền nói: “Mẹ ơi, hôm nào mẹ đi uống bia hơi với bố xem sao, mẹ sẽ thích ngay đấy! Có lần, con đi uống bia với nhà con, nghe anh ấy chuyện gẫu với bạn bè, mà con cũng hiểu tâm tính anh ấy nhiều hơn, mẹ ạ. Vợ chồng vì thế mà cũng chan hòa, vị tha hơn. Nó cũng là thú vui của mỗi người…”.

Bà Cúc tặc lưỡi cười xòa: “Ui dào! Ở cái tuổi xưa nay hiếm, tao còn lạ gì bố mày nữa! Tao là cứ nói thế…, chứ thấy ông ấy uống đôi ba cốc đều đặn mỗi tuần, bố mày trông có vẻ khỏe ra. Mỗi lần bia bọt về nhà, ông ấy cũng vui hơn. Mà cũng lạ, một người uống, hai người vui. Kiểu như cái quảng cáo gì… gì đấy…”.

 

Đào cười tít mắt nói: “Mẹ cũng quan tâm tới cái quảng cáo đấy ạ…”?

 

Đúng là cuối năm, gia đình, mẹ con gặp nhau thêm gần gũi nhiều hơn, cảm thấy thật đầm ấm, hạnh phúc. Chỉ có ông Vàng là như đang toan tính chuyện gì đó. Quả vậy, vì yêu nét văn hóa bia hơi Hà Nội từ lâu, đã trở thành một nét văn hóa của người Tràng An mà ông cùng nhóm bạn hữu khoảng hai mươi người đã quyết định thành lập một câu lạc bộ cổ xúy cho nét đẹp ấy: Câu lạc bộ thơ với bia hơi. Chính vì thế mà từ sáng đến giờ, ông cứ ra vào lẩm bẩm một thi phẩm với tứ thơ mà ông yêu thích: Bài Lục bát ở quán bia hơi... của nhà thơ Đặng Vương Hưng: Thế là công việc xong rồi!/ Thở phào ta kéo ra ngồi quán bia/ Ồn ào náo nhiệt thế kia/ Bình dân phải quán vỉa hè mới vui/ Giữa nắng gió với đất trời/ Nào ta nâng cốc tự mời mình đây/ Mặc cho ai tỉnh ai say/ Ta xin cạn vại bia này cùng nhau/ Uống đi cho hết buồn rầu/ Cho niềm vui ở thật lâu với mình! Đầy vơi đâu chỉ nghĩa tình/ Mượn bia say khướt mãi hình bóng ai...

 

 

Thưởng thức bia hơi Hà Nội trên phố

 

Đây là bài thơ mà trong ngày ra mắt Câu lạc bộ sắp tới, ngày mùng 6 Tết Canh Tý, Ban Chủ nhiệm lựa chọn là một trong những bài thơ bia hơi hay đi vào tiết mục bình thơ của các thành viên. Cụ nào có lời bình và có bài thơ tự sáng tác về bia hơi hay sẽ được tính điểm cũng như làm cơ sở để Ban Chủ nhiệm trao món quà mừng tuổi đặc biệt nhân ngày ra mắt Câu lạc bộ đúng dịp năm mới con Chuột 2020.

 

Thuộc được bài Lục bát ở quán bia hơi, ông Vàng quay sang tham khảo một số lời bình của vài tác giả đi trước để có tứ bình thơ mới cho mình. Trong số những lời bình hay và ý nghĩa, ông thích nhất lời bình của tác giả Hà Đức Toàn viết: “Tôi cứ nghĩ uống rượu mới là thơ. Còn bia thì tân thời quá, lại nhanh nữa, khó thành thơ lắm! Bấy nay, người ta chỉ lấy chuyện bia để làm thơ tếu táo cho vui. Thế mà Đặng Vương Hưng lại có “Lục bát ở quán bia hơi” nghiêm túc để bày tỏ nỗi lòng mình thì thật tài. Có đọc kỹ mới biết thi sĩ đã uống bia một mình giữa đất trời và nắng gió. Anh chỉ mượn bia để say một bóng hình người đẹp. Cái phóng khoáng trong cảnh uống bia bây giờ hóa ra cũng sánh được với “Bầu rượu túi thơ” của người xưa”.

 

Cảm khái trước lời bình ấy, ông Vàng hào hứng muốn ứng tác ngay một bài thơ mới. Thế nhưng đi đi, lại lại mãi, trong đầu ông vẫn chỉ loanh quanh vài chữ: bia hơi Hà Nội… Ông trộm nghĩ, cái anh Tào Thực trong Tam Quốc diễn nghĩa ngày xưa đi 7 bước làm xong được bài thơ hay quả là bậc siêu suất, kỳ tài. Để thay đổi không khí, lấy cảm hứng cho đề tài mới mà Câu lạc bộ đề ra trong ngày ra mắt sắp tới, ông quyết định alo cho ông Hiệp - Chủ nhiệm Câu lạc bộ, mời ra quán bia hơi Hà Nội Hải Xồm chiều nay làm đôi vại, tận hưởng cái không khí uống bia hơi của phố phường một chiều cuối năm.

 

Bên cốc bia hơi Hà Nội sóng sánh ánh vàng, bọt trắng mịn, tăm sủi đều tít tắp, hai cụ cứ tấm tắc khen vẻ hấp dẫn của thứ đồ uống bình dị, vượt thời gian này. Mỗi lần nâng lên chạm cốc, chép miệng khà khà, hai cụ lại nhìn nhau cười khoan khoái. Đúng là chẳng gì vui hơn khi tâm hồn thư thái bên vại bia hơi. Cái không khí sầm uất, đi lại như nêm của nơi phố thị, cảnh đào quất hoa tươi bán rong ngập tràn đường phố,… khiến Hà Nội càng cho thấy sức hút làm ăn mạnh mẽ của chốn phồn hoa. Bất giác, như thấy được hình ảnh và vài ý tứ gì đó mới cho ấp ủ sáng tác thơ của mình, ông Vàng vội lấy tờ giấy trong túi ghi lại mấy chữ, rồi quay sang ông Hiệp chạm cốc, nói chuyện về Câu lạc bộ.

 

Sau hớp bia dài thật đã, ông Vàng thổ lộ: “Tôi thật sự tâm đắc với việc thành lập Câu lạc bộ này bác Hiệp ạ! Từ nay, anh em ta có sân chơi, gặp nhau đều đặn hơn mỗi tháng qua cốc bia hơi, thú vui mà tôi thích nhất. Mà mỗi lần sinh hoạt là một địa điểm nhà hàng bia hơi mới cũng rất hay, thay đổi không khí ông nhỉ”?

 

Ông Hiệp gật gù nói: “Phải rồi! Nhưng điều hay nhất của Câu lạc bộ là qua những vần thơ vui, chúng ta còn đóng góp cho đời việc gìn giữ nét văn hóa quanh cốc bia hơi Hà Nội có biết bao điều đáng nói…”.

 

Trò chuyện mãi, phố phường cũng đã sẩm tối, ông Vàng cùng bạn nâng ly tạm biệt ra về, hẹn gặp lại ở Câu lạc bộ ngày ra mắt, chúc mừng Xuân mới./.

 

Đăng Hưng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang