Thứ Ba, 23/04/2024 16:36:52 GMT+7

Tin đăng lúc 22-05-2023

Lượt xem: 393

Thịt, gia cầm ngoại nhập khẩu ồ ạt, người chăn nuôi càng nuôi, càng lỗ

Một lượng lớn các loại thịt, gia cầm ngoại ồ ạt nhập về Việt Nam đang khiến người chăn nuôi không thể cạnh tranh. Thậm chí rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ. Đã đến lúc cơ quan quản lí cần xem xét lại việc cấp quota cho thịt nhập khẩu.
Thịt, gia cầm ngoại nhập khẩu ồ ạt, người chăn nuôi càng nuôi, càng lỗ
Thịt gia súc, gia cầm được chào bán tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Tràn ngập thịt ngoại, giá rẻ “như cho”

 

Gia đình bán hàng ăn, trước tình trạng giá nguyên liệu leo thang, anh Vũ Lâm Đình (ngõ 83 Lý Thường Kiệt, Vinh, Nghệ An) đã chuyển từ thịt “nóng” giết mổ trong nước sang mặt hàng thịt đông lạnh nhập khẩu để giảm giá thành.

 

“Với suất cơm bình dân 20.000 đồng, mua sườn lợn ta với giá 130.000 đồng/kg là không thể có lãi. Tôi mua sườn đông lạnh với giá chỉ khoảng 80.000 đồng/kg, nếu mua theo thùng 20 kg thì giá còn rẻ hơn” - ông Đình nói.

 

Trong giai đoạn giá cả leo thang như hiện nay, một số người tiêu dùng cũng chọn mua hàng đông lạnh nhập khẩu với giá chỉ bằng ½, thậm chí bằng 1/3 hàng trong nước.

 

“Thịt đông lạnh không ngon bằng thịt tươi, nhưng với đồng lương công nhân ít ỏi, thì chúng tôi chấp nhận để đủ chi tiêu trong tháng” - chị Nguyễn Thị Lợi (ngõ 118 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

 

Thịt đông lạnh nhập khẩu không chỉ được bán trong các siêu thị, mà còn được giới thiệu tràn ngập trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “thịt lợn đông lạnh nhập khẩu”, “thịt gà đông lạnh nhập khẩu”… khách hàng có thể tra soát hàng trăm “gian hàng” khác nhau để lựa chọn.

 

Thử mua trên trang facebook của Bếp Bun Quán, PV cũng được chào hàng (bán lẻ) sườn lợn nhập khẩu từ Canada với giá 65.000 đồng/khay 0,5kg đã cắt khúc sẵn, bỏ hết cục; rẻ hơn sườn lợn nuôi trong nước khoảng 20.000 đồng/kg.

 

Ngoài ưu điểm duy nhất là giá rẻ, người tiêu dùng không thể kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc của những loại thịt này, dù người bán cam kết là hàng nhập từ Nga, Ba Lan, Canada… Thịt gia cầm giá rẻ cũng đang thẩm lậu vào Việt Nam với số lượng lớn.

 

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), cho hay: Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta, đây là nguyên nhân xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam, đồng thời còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

 

Thịt nhập khẩu đang giết ngành chăn nuôi trong nước

 

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - bày tỏ nỗi lo lắng khi tình trạng nhập khẩu thịt đông lạnh gần như đang “thả nổi”, doanh nghiệp muốn nhập về bao nhiêu cũng được, bất chấp các trang trại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà trong nước đang lỗ và tồn đọng hàng triệu con vì khó tiêu thụ.

 

“Giá gà phải bán được 33.000 đồng/kg mới có lãi, nhưng trên thị trường chỉ bán được với giá 25.000 đồng/kg. Cứ mỗi kilogam gà bán ra người nuôi lỗ 5.000-6.000 đồng. Mỗi con gà lỗ ít nhất cũng 10.000-15.000 đồng, nhiều người nuôi không dám tái đàn” - ông Nguyễn Văn Ngọc nói.

 

Được biết, bản thân ông Nguyễn Văn Ngọc cũng từng là chủ trang trại chăn nuôi nổi tiếng, có thời kì nuôi tới 320.000 con gà lông trắng tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Thế nhưng, tình trạng thua lỗ đã khiến ông phải chuyển sang nuôi theo chuỗi cho Công ty De Hues.

 

Ông Nguyễn Hanh - chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) - cũng cho hay, mặc dù giá lợn hơi đang tăng dần, giá cám đã “hạ nhiệt”, giá thành chăn nuôi lợn hiện chỉ khoảng 55.000 đồng/kg trong khi giá lợn bán ra trên thị trường đã 57.000 đồng/kg, nhưng hầu như các hộ chăn nuôi đều không dám tái đàn vì dịch bệnh đang lan rộng.

 

“Với mức lãi 2.000 đồng/kg lợn hơi, chưa đủ để người chăn nuôi mạo hiểm đầu tư. Đối với mặt hàng gia cầm thì càng nuôi càng lỗ, nếu mạo hiểm đầu tư thì người nuôi sẽ lâm cảnh nợ nần, cầm cắm “sổ đỏ” - ông Hà Văn Tuấn - nông dân tại Trực Ninh, Nam Định - thẳng thắn nói.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam - nhấn mạnh: Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước, Chính phủ cần kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng ractopamine, cysteamine.

 

"Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng nước ta. Theo đó, sớm xây dựng các hàng rào kĩ thuật một cách hợp lí và phù hợp với thông lệ quốc tế. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước trong khu vực nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua” - ông Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang