Thứ Tư, 24/04/2024 16:44:10 GMT+7

Tin đăng lúc 07-01-2020

Lượt xem: 1146

Thị trường trong nước tăng trưởng, lạm phát ổn định: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2019, nước ta tăng 10 bậc và 3,5 điểm về năng lực cạnh tranh toàn cầu so với năm 2018, nhờ lạm phát ổn định và sự đóng góp lớn của tăng trưởng doanh thu thị trường trong nước.
Thị trường trong nước tăng trưởng, lạm phát ổn định: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng

Giữ vững tăng trưởng 2 con số

 

WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm. Xét về các hạng mục chính, Việt Nam xếp khá cao chỉ số Market Size (Quy mô thị trường) - đứng thứ 26; các chỉ số còn lại dao động từ hạng 41 - 93. Việt Nam cũng nằm trong nhóm có nguy cơ khủng bố thấp nhất và lạm phát ổn định nhất thế giới, cả hai hạng mục này Việt Nam đạt trọn vẹn 100 điểm.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong những năm qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2019, mặc dù đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế, nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước vào GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo việc làm cho khoảng 12 - 13% tổng lao động xã hội.

 

Năm 2019, ảnh hưởng mạnh của dịch tả lợn châu Phi khiến thị trường hàng hóa có nhiều biến động, song thương mại trong nước vẫn tăng trưởng ổn định, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 ước tính đạt 425,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.481,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cũng dần tiệm cận mục tiêu Quốc hội giao cho ngành Công Thương năm 2019 (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5 - 12%).

 

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được giữ ổn định, bình quân 11 tháng năm 2019, tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ - mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Việc phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, nhất là điều hành giá mặt hàng xăng dầu, phí giáo dục, phí y tế để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung khi giá thịt lợn tăng cao thời gian vừa qua đã bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%).

 

Tiếp tục xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa

 

Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò của thương mại nội địa đối với kinh tế nước ta, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Qua đó, khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam. Bộ cũng sẽ tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường triển khai Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm kết nối sâu hơn cung - cầu hàng hóa. Trong đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa.

 

 

Giá xăng dầu được điều chỉnh phù hợp với diễn tiến của thị trường thế giới

 

Bộ Công Thương cũng tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Mặt khác, Bộ cũng định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng của với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường trong nước. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị trường nội địa.

 

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Bên cạnh động lực tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu, Việt Nam ngày càng quan tâm đến phát triển thị trường trong nước, làm điểm tựa cho tăng trưởng nhanh và bền vững nền kinh tế.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang