Thứ Năm, 25/04/2024 10:43:38 GMT+7

Tin đăng lúc 10-09-2021

Lượt xem: 1014

Thị trường hàng hóa phía Nam ổn định trở lại

Quyết định mở lại một số kênh phân phối, cho phép shipper hoạt động, cùng với việc đi chợ hộ đã giúp thị trường hàng hóa tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương ổn định trở lại.
Thị trường hàng hóa phía Nam ổn định trở lại
Việc cho phép shipper giao hàng trở lại đã giúp giảm áp lực cung ứng hàng hóa

Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, ngày 07/9/2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trong đó thay đổi một số quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

 

Cụ thể, tăng thời gian hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bi vật tư y tế, đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) từ 6h - 21h hàng ngày. Bên cạnh đó, trước ngày 11/9/2021, UBND quận 7 và UBND huyện Củ Chi phải xây dựng phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 01 lần/tuần. Đồng thời, mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn và duy trì hoạt động của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức. Điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền đã được mở lại từ tối ngày 07/9/2021).

 

Theo đó, tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 08/9 và sáng 09/9 giảm nhẹ (1%) so với hôm trước, ước đạt 4.981,1 tấn/ngày. Lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 08/9 ước đạt 1.140 tấn/ngày (sức mua giảm 5% so với ngày 07/9). Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường bình quân đạt khoảng 5.144,4 tấn/ngày (trong đó 30% cung ứng cho hệ thống phân phối, 70% cung ứng cho thị trường lẻ).

 

Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 09/9 tiếp tục tăng hơn 5% so với ngày 08/9, ước đạt 610 tấn/đêm (khoảng 60% cung ứng cho hệ thống phân phối và 40% cung ứng ra thị trường lẻ).

 

Thành phố cũng cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống (có Giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức mang đi, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức 03 tại chỗ, chỉ tổ chức kinh doanh theo hình thức trực tuyến, giao nhận hàng hóa qua shipper và phải đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định (lao động phải tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin và phải xét nghiệm 02 ngày/lần). Tuy nhiên, đến ngày 09/9, đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chưa mở cửa hoạt động do khó mua nguyên, vật liệu chế biến; chưa đăng ký bán hàng qua ứng dụng giao hàng công nghệ; lo ngại chi phí hoạt động tăng cao nên khó bảo đảm lợi nhuận bán hàng.

 

Theo đánh giá của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc mở rộng khung thời gian hoạt động của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi từ 6h-18h giờ lên 6h-21h hàng ngày cùng với quy định cho phép shipper hoạt động trong địa bàn 01 quận, huyện đã góp phần làm giảm áp lực lên hệ thống phân phối, công tác “đi chợ hộ” cho người dân tại các địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho các hệ thống phân phối có thể tăng cường thêm kênh bán hàng online.

 

Bên cạnh đó, sau hơn 2 tuần triển khai thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm soát, người dân đã quen dần với việc đăng ký “đi chợ hộ”, mua sắm online thông qua các website thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki… Đến nay, công tác “đi chợ hộ”, giao hàng online do các shiper thực hiện đã ổn định, không còn tình trạng đơn hàng ùn ứ, bị hủy, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu cơ bản về hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân.

 

Tại tỉnh Bình Dương, hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện “03 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh. Tại 15 phường thực hiện “đông cứng, khóa chặt” của Thành phố Thuận An, Dĩ An và Thị xã Tân Uyên, chính quyền địa phương phối hợp với các nhà cung ứng (Vincommerce, Bách Hóa Xanh, Big C…) đã phân phối hàng hóa đến từng khu vực dân cư, đảm bảo ai cũng nhận được lương thực, thực phẩm.

 

Ngoài các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, tỉnh Bình Dương cũng tăng cường thêm các điểm bán hàng lưu động tại các khu dân cư như: Bưu điện tỉnh tổ chức 53 điểm bán hàng trên địa bàn 09 huyện, thị xã thành phố (bán luân phiên từ 10-15 điểm/ngày); Tổ chức 02 chuyến xe bán hàng lưu động tại 03 điểm của thành phố Thuận An. Bên cạnh đó, Thành phố Dĩ An, Bàu Bàng tiếp tục vận động các cá nhân, đơn vị tại địa phương tổ chức thêm các điểm bán hàng lưu động, các điểm “bán hàng 0 đồng”, “đi chợ thay” cho người dân và các khu cách ly; UBND thị xã Bến Cát đang triển khai thí điểm mô hình “Chợ ngoài trời” tại 03 phường: Mỹ Phước, Chánh Phú Hòa và Hòa Lợi, góp phần bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang