Thứ Năm, 28/03/2024 21:09:25 GMT+7

Tin đăng lúc 29-09-2020

Lượt xem: 1236

Thi đua vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Năm 2020, hình ảnh một Việt Nam đoàn kết với những bước đi khác biệt và táo bạo, nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 đã khiến thế giới phải cảm phục. Bạn bè quốc tế ca ngợi, tinh thần bản lĩnh của con người Việt Nam, tinh thần thi đua ái quốc của một đất nước mà Đảng, Chính phủ và nhân dân cùng đồng lòng, kiên cường vượt qua đại dịch.
Thi đua vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với đối tác EU sau Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU

Cũng trong năm 2020, ngành Công Thương tự hào cùng cả nước thi đua lập thành tích, chào đón nhiều ngày lễ trọng đại của đất nước, thi đua lập thành tích chào mừng 75 năm ngày thành lập ngành. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, trong bối cảnh không ít những khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, toàn ngành Công Thương đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, thi đua phấn đấu vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Có thể khẳng định, những thành tích lớn lao đó có sự đóng góp tích cực từ luồng gió của các phong trào thi đua yêu nước toàn ngành Công Thương.

 

Nội lực và sức bật từ dòng chảy của “thi đua ái quốc”

 

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Bộ Kinh tế được thành lập, trở thành mốc son lịch sử ghi dấu sự ra đời của ngành Công Thương Việt Nam. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Trong suốt chặng đường phát triển, toàn ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, thi đua phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

 

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, lớp lớp thế hệ lãnh đạo cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương đã không quản khó khăn gian khổ, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, viết nên bản hùng ca trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cùng những thành tựu vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại hiện nay.

 

Thế giới và khu vực đang trong giai đoạn khó khăn, thách thức khó lường bởi sự ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid -19, trong đó phải kể đến sự ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động, chỉ đạo điều hành quyết liệt nhiệm vụ của ngành, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu luôn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện taốt các chính sách an sinh, xã hội... Những kết quả trên có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng trong toàn ngành Công Thương trong giai đoạn vừa qua, đồng thời góp phần giữ vững sự phát triển ổn định, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển ở những giai đoạn tiếp theo.

 

Chúng ta có thể tự hào, sức mạnh của phong trào thi đua của ngành Công thương đã góp phần xứng đáng tạo nên những bước đột phá trong biểu đồ phát triển chung của đất nước.

 

Sản xuất công nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước

 

Thời gian qua, những chủ trương đúng đắn, quyết liệt của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước đã tạo được sự tin tưởng cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được củng cố, giữ vững vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước; tăng trưởng sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 duy trì với tốc độ cao, bình quân trên 8%/năm; cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành; các ngành công nghiệp chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ổn định, tạo thêm việc làm (bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm), nâng dần thứ hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu, đóng góp ngày càng tích cực vào quá trình phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc tổ chức thoái vốn, bán đấu giá thành công tại doanh nghiệp nhà nước thể hiện niềm tin vào Chính phủ và kinh tế vĩ mô của Việt Nam, mang ý nghĩa là động lực cho sự thành công của quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tiếp theo.

 

Ngành năng lượng đã bảo đảm tốt các cân đối lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Ngành luôn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ, góp phần quan trọng thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam có bước tiến vượt bậc, từ vị trí 156/189 quốc gia, vùng lãnh thổ vươn lên vị trí 27/190 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Thị trường điện cạnh tranh tích cực được triển khai, đáp ứng lộ trình quy định của Chính phủ.

 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước tính đạt 1.085 tỷ kWh, tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn là 7,6%, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Chương trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai rộng rãi đã giúp nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng tốt hơn, tỷ lệ điện năng tổn thất do truyền tải và phân phối giảm từ 7,94% năm 2015 xuống còn xấp xỉ 6,5% năm 2020.

 

Năm năm qua, ngành dầu khí tiếp tục đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước (từ 10-12%); bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên biển Đông đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với việc tiếp tục khai thác các mỏ hiện hữu, phát triển các mỏ dầu khí mới, hoàn thành công tác xây dựng, vận hành ổn định các công trình vận chuyển và chế biến dầu khí, ngành dầu khí đã hoàn chỉnh chuỗi giá trị từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác, chế biến dầu khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Bên cạnh đó, ngành đã huy động thêm các nguồn lực để phát triển từ doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân... thông qua công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa. Các doanh nghiệp ngành Dầu khí bước đầu đã nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế.

 

Ngành than về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp ngành than đã cung cấp đủ than cho các ngành kinh tế quan trọng trong nước (đặc biệt là cung cấp đủ than cho sản xuất điện) theo đúng cam kết, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng/năm, hoạt động kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của

ngành Công Thương


Thương mại đạt được những thành tựu vượt bậc

 

 

Giai đoạn 2016-2020, thương mại trong nước đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng với tốc độ tăng cao bình quân trên 9%/năm, đóng góp khoảng 12-13% GDP, thu hút khoảng 12% tổng lao động toàn xã hội; hỗ trợ tích cực giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế.

 

Thị trường trong nước ổn định, cân đối cung - cầu hàng hóa được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát tốt. Chất lượng hàng hóa ngày càng nâng lên, đã phát triển được các thương hiệu phân phối trong nước đủ mạnh để cạnh tranh với các hãng phân phối nước ngoài. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 27%/năm và ngày càng trở thành một kênh phân phối quan trọng. Hạ tầng thương mại phát triển nhanh cả ở khu vực đô thị và nông thôn, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập, mở cửa, từng bước tạo kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

 

Lực lượng quản lý thị trường được tổ chức triển khai theo mô hình ngành dọc, thống nhất trên địa bàn cả nước từ Trung ương đến địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, cấp ủy và chính quyền địa phương, lực lượng quản lý thị trường ngày càng nâng cao chất lượng, triển khai đồng bộ, kịp thời nhiệm vụ, thể hiện vai trò chủ công trong công tác triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra thực tế hoạt động của doanh nghiệp da giày


Trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết, đặc biệt là việc ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường XHCN, thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Việc ký kết và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại đã mang lại nhiều cơ hội và tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng thể hiện rõ ở mức tăng trưởng ấn tượng của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại đã nghiêng về xuất siêu, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phát triển theo chiều hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,5%/năm; nhập khẩu kiểm soát tốt (tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát chỉ còn chiếm tỷ trọng 6,8% vào năm 2019). Nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2011 - 2020 đã về đích trước kế hoạch.

 

Để triển khai các điều ước quốc tế vào cuộc sống, Bộ Công Thương đã gắn kết công tác nội luật hóa các điều ước quốc tế với cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nhiều Luật có ý nghĩa quan trọng như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Cạnh tranh sửa đổi; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Hóa chất; Pháp lệnh Quản lý thị trường...

 

Công tác phòng vệ thương mại được triển khai đồng bộ, toàn diện và tích cực nhằm thực hiện chủ trương chủ động xây dựng và triển khai các biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hệ thống văn bản pháp luật cùng hàng loạt các chương trình, đề án lớn về phòng vệ thương mại đã được ban hành, triển khai, các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần bảo vệ việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng như bảo vệ hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước, từ đó cải thiện đáng kể tình hình sản xuất, kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Công tác ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu của ta cũng được triển khai mạnh mẽ (gần 200 vụ việc). Công tác theo dõi, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ cũng được đẩy mạnh, tạo cơ sở để tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án để nâng cao năng lực phòng vệ thương mại của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

 

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng vượt bậc

 

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương đã chủ trì triển khai nhiều chương trình/đề án khoa học - công nghệ, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm, hướng tới thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ, hiện đại hóa nền sản xuất, thúc đẩy việc thực hiện chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng tăng trưởng của nhóm các ngành công nghiệp chủ lực, giúp thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020.

 

Đi đầu đột phá trong công tác tổ chức bộ máy, cán bộ và công tác cải cách hành chính

 

Ngay từ giữa năm 2016, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương đã xác định và triển khai những thay đổi mang tính đột phá trong tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, số đơn vị đầu mối thuộc Bộ giảm từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị; số lượng phòng giảm từ 197 phòng xuống còn 123 phòng, trung bình mỗi năm giảm 2% số biên chế hành chính được giao cho các đơn vị, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ được phát huy theo hướng đề cao trách nhiệm cá nhân ở tất cả các khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

 

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được tập trung thực hiện và đạt được các kết quả tốt. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã tiến hành 4 lần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) với tổng số các TTHC được cắt giảm và đơn giản hóa đạt 380 TTHC; đã kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Công tác cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được tập trung xử lý với việc đã cắt giảm được 880/1216 điều kiện kinh doanh (tương đương với 72,37%) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và trở thành một trong những Bộ đi đầu cả nước về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

 

Có thể khẳng định, những thành tựu ngành Công Thương đạt được trong 5 năm qua là kết quả của các phong trào thi đua yêu nước được phát động thường xuyên, liên tục trong toàn ngành. Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng trong toàn ngành đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu, kế hoạch của Đảng và Nhà nước giao; kết quả tổ chức, triển khai các phong trào thi đua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hăng hái lao động, sáng tạo, thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh các phong trào thi đua thường xuyên, ngành Công Thương đã triển khai tích cực, hiệu quả các phong trào thi đua nước rút, chuyên đề, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như: phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, mô hình mới trong các lĩnh vực của ngành được biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng. Công tác khen thưởng của ngành đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, chất lượng khen thưởng ngày càng nâng cao. Công tác khen thưởng đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, cơ sở, người lao động trực tiếp; các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất...

 

Từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua của ngành trong 5 năm qua có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

 

Thứ nhất, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện trong toàn ngành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Các đơn vị trong ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch và phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực gắn với việc lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước nói chung và ngày truyền thống của ngành Công Thương nói riêng. Năm năm qua, các phong trào thi đua của ngành Công Thương đã được duy trì liên tục, trở thành công tác thường xuyên, nền nếp ở hầu hết các đơn vị.

 

Các phong trào thi đua của ngành đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiêu biểu là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Việc hôm nay không để đến ngày mai”; “Thi đua thực hành tiết kiệm chống lãng phí, không có ngày, giờ lao động mất an toàn”; Cuộc vận động: “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

 

Thứ hai, phát hiện, xây dựng, tôn vinh và nhân rộng nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” luôn được Bộ Công Thương đặc biệt coi trọng; quan tâm lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực và đòn bẩy phấn đấu cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

 

Thứ ba, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị đi sâu, đi sát với phong trào thi đua, thông qua phong trào phát hiện và bồi dưỡng những điển hình tiên tiến, ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành nhân tố mẫu mực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị noi gương học tập.

 

Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc; trong 5 năm 2016 - 2020, Bộ Công Thương đã có 17 đơn vị được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ; 181 đơn vị được tặng thưởng Cờ thi đua của Bộ Công Thương; 100 cá nhân được tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú; 6 cá nhân được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; 5 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 1.028 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương; 40 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 6 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng; 88 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3.715 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

 

 

Các đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam


Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn phát triển mới, toàn ngành Công thương cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Đặc biệt, cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm:

 

- Tiếp tục quán triệt nội dung Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh phòng chống tham nhũng; chú ý phát hiện nhân tố mới; nhân rộng các điển hình tiên tiến kết hợp làm tốt công tác thi đua. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, xác định mục tiêu, trọng điểm rõ ràng, cụ thể, phù hợp; phát huy sức mạnh tổng hợp của công tác thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao. Kết hợp phong trào thi đua ngành Công Thương với phong trào thi đua các ngành, các cấp trên toàn quốc.

 

- Phát động phong trào thi đua trong toàn ngành thực hiện các Nghị quyết của Đảng, triển khai, đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tế từng cơ quan, đơn vị.

 

- Tiếp tục quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành về vai trò, vị trí của công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.

 

- Công tác thi đua, khen thưởng phải tiếp tục phát huy sức mạnh, góp phần hoàn thành xuất sắc chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại; tích cực tham gia ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm. Chủ động, tích cực tham gia đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận thương mại khác theo hướng thúc đẩy, mở cửa thị trường cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản; quyết liệt tháo gỡ các rào cản thị trường; bảo hộ hợp lý cho các ngành còn khó khăn. Đồng thời, góp phần đổi mới thể chế phát triển ngành Công Thương theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch trong phát triển công nghiệp; tăng cường quản lý theo các quy chuẩn, định mức phù hợp với chuẩn mực quốc tế; đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh sử dụng công cụ quản lý nhà nước về công nghiệp chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm.

 

- Công tác thi đua, khen thưởng góp phần tạo động lực cải cách phương thức quản lý phát triển ngành Công Thương, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh quản lý ngành theo hướng số hóa công tác quản lý với việc thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn về công nghiệp, thương mại, phục vụ kịp thời, hiệu quả quản lý ngành. Song song với đó, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển ngành; rà soát, cải cách cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp và thương mại; tăng cường công tác điều phối, phân cấp theo ngành, vùng, lãnh thổ và giữa các địa phương.

 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, nhân tố mới, những tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến, giải pháp trong xây dựng cơ quan, đơn vị. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng, hiệu quả và thực chất; thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền. Bên cạnh đó, từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng được kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo.

 

Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương sẽ tiếp tục động viên sức mạnh đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, tạo động lực, sức bật mạnh mẽ trong toàn ngành, có nhiều thành tựu mới, ngày một sâu rộng, thiết thực.

 

Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành hăng hái thi đua, tiếp tục gắn bó, đồng hành, đoàn kết lập nhiều thành tích, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

 

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

 

Theo Congthuong


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang