Thứ Sáu, 19/04/2024 03:47:47 GMT+7

Tin đăng lúc 19-06-2020

Lượt xem: 3051

Thấy gì từ Kết luận sai phạm tại Trường Đại học Điện lực – Bộ Công Thương?

Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông đại chúng có đăng tải các bài viết xung quanh Kết luận số 3424/KL-BCT ngày 13/5/2020 của Bộ Công Thương về các sai phạm của Trường Đại học Điện lực liên quan đến công tác tuyển sinh dưới điểm chuẩn; sinh viên trong diện tuyển vượt chỉ tiêu mà vẫn được công nhận tốt nghiệp và vấn đề xử lý đường dây “chống trượt”... Vậy cụ thể những sai phạm này như thế nào và liên quan đến những ai?
Thấy gì từ Kết luận sai phạm tại Trường Đại học Điện lực – Bộ Công Thương?

Vài nét về Trường Đại học Điện lực

 

Trường Đại học Điện lực có tiền thân là Trường Kỹ nghệ Thực hành (thành lập từ năm 1898), sau nhiều lần sáp nhập, đổi tên, nâng cấp đào tạo hệ trung học, thì tháng 10/2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Điện lực và đến ngày 19/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định nâng cấp, thành lập Trường Đại học Điện lực. Thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ chế đào tạo, trên cơ sở nhiều năm liên tục tự chủ về kinh phí trong các hoạt động của Trường, ngày 01/9/2015 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1508/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Điện lực giai đoạn 2015 – 2017. Ngày 24/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định số 10268/QĐ-BCT về việc chuyển Trường Đại học Điện lực đang trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Bộ Công Thương. Từ thời điểm nay, Trường được hoạt động theo mô hình công lập, đa cấp, đa ngành, có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cung cấp cho ngành Công Thương, phục vụ nhu cầu kinh tế - xã hội và trở thành cơ sở đào tạo chuyên ngành kỹ thuật điện hàng đầu ở nước ta.

 

 

ThS.Ngô Ngọc Thành thay mặt nhóm nghiên cứu Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Điện lực) nhận Cúp, Giấy chứng nhận “Các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0” tại Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2020

 

Hiện Trường Đại học Điện lực có 18 ngành đào tạo đại học đại trà (trong đó 11 ngành đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo), 08 chương trình đại học chất lượng cao, 04 ngành đào tạo tiến sĩ, 07 ngành đào tạo thạc sỹ với quy mô gần 10.000 sinh viên.

 

Những sai phạm của Trường Đại học Điện lực

 

Năm 2006, khi Trường Đại học Điện lực có quyết định thành lập thì PGS. TS. Đàm Xuân Hiệp được cấp trên bổ nhiệm là Hiệu trưởng. Trong giai đoạn 2006 – 2015, Trường Đại học Điện lực đã có nhiều sai phạm mà theo kết luận số 8674/KL-BCT ngày 16/9/2016 của Thanh tra Bộ Công Thương, Nhà trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT giao và do vượt chỉ tiêu tuyển sinh nên Trường phải nợ bằng đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong 3 năm (2011-2013), Trường tuyển gần 1.700 người có điểm thấp hơn điểm trúng tuyển và mới đây, Thanh tra Bộ Công Thương đã công bố về những dấu hiệu khuất tất trong đường dây thu tiền chống trượt của một số khoa chức năng...

 

Rõ ràng, việc kết luận số 3424/KL-BCT công bố ngày 13/5/2020 của Bộ Công Thương và trước đó là của Bộ Giáo dục và Đào tạo về những sai phạm cho thấy, trong khoảng hơn 10 năm qua (từ 2006 – 2019), Trường Đại học Điện lực đã có nhiều sai phạm mà các kết luận từ hai Bộ quản lý nhà nước là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cũng cần phải công bằng nhìn nhận, qua vụ việc xảy ra thì các sai phạm lại rơi vào những năm 2011 – 2015, thời điểm mà lúc đó ông Đàm Xuân Hiệp làm Hiệu trưởng. Việc tuyển sinh dưới điểm chuẩn có liên quan đến mốt số thầy cô giáo thì Nhà trường đã xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Qua tâm sự với một số thầy cô giáo của Trường thì nhiều ý kiến rất khách quan cho rằng, không thể nói các sinh viên được tuyển vào trường với điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn của trường là không đảm bảo chất lượng đầu vào, vì tất cả các sinh viên này đều có điểm đầu vào ở trên ngưỡng đảm bảo chất lượng, hay còn được gọi là “điểm sàn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm chuẩn của các trường thường được xác định để tuyển số lượng sinh viên đầu vào đúng bằng chỉ tiêu tuyển sinh. Việc trường có tuyển một số sinh viên dưới điểm trúng tuyển là do trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu, nhưng đều đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định. Mặt khác, do tâm lý phải lo tự trang trải theo cơ chế tự chủ tài chính nên chỉ tuyển sinh đủ chỉ tiêu thì Nhà trường sẽ không đủ trang trải cho hoạt động, chưa nói tới việc nâng cao đời sống cán bộ, giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy.

 

Nhìn nhận sai phạm qua nhiều góc độ

 

 

TS. Nguyễn Văn Đoàn và TS. Ngô Hoàng Huy nhận giải Ba Nhân tài Đất Việt

 

Những sai phạm trên đã được kết luận của các cơ quan quản lý nhà nước công bố, công khai và sai phạm có tính hệ thống đó thuộc về Ban Giám hiệu, mà trách nhiệm chính là người đứng đầu giai đoạn này là PGS.TS.Hiệu trưởng Đàm Xuân Hiệp. Rất tiếc là vào tháng 4/2015, ông Đàm Xuân Hiệp đột ngột tử vong do bệnh hiểm nghèo thì công việc điều hành Nhà trường được giao cho TS.Trương Huy Hoàng – Phó Hiệu trưởng phụ trách. Sau khi kết luận của các đoàn thanh tra xác định mức độ sai phạm liên quan của Hiệu phó có giới hạn, nên tháng 7/2016, Bộ Công Thương đã quyết định bổ nhiệm TS.Trương Huy Hoàng làm Hiệu trưởng.

 

Được biết, với tinh thần cầu thị, dù không phải chịu trách nhiệm chính, nhưng bằng nỗ lực khắc phục khuyết điểm, Lãnh đạo Nhà trường đã xác định sai đâu sửa đó, nghiêm khắc xử lý những trường hợp sai phạm, nhất là những cá nhân có dấu hiệu liên quan đến thu tiền chống trượt, xốc lại tinh thần trong đội ngũ giáo viên bằng việc tổ chức sắp xếp lại một số phòng, khoa, bố trí lại cán bộ, giảng viên phù hợp với chuyên môn và năng lực. Mặt khác, do được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 01/9/2015 phê duyệt cho phép thực hiện thí điểm Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Điện lực giai đoạn 2015 – 2017, từ năm 2015 đến nay, học phí được phép tăng lên, nhờ đó, Nhà trường đã tự đảm bảo được kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư, mà không phải tăng số lượng tuyển sinh. Công tác tuyển sinh của Trường Đại học Điện lực được thực hiện nghiêm túc, bài bản, hoàn toàn không có sai phạm. Đánh giá về công tác phê duyệt chủ trương đầu tư của Nhà trường, báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2019 đã khẳng định: “Công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư của các dự án được phê duyệt từ năm 2016 đến nay được đơn vị thực hiện theo thẩm quyền quy định của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014-2017”.

 

Từ vụ việc của Trường Đại học Điện lực – Bộ Công Thương, có thể thấy, trong hoạt động SXKD, Giáo dục – Đào tạo và nhiều lĩnh vực khác trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đòi hỏi bất cứ người cán bộ, quản lý nào, nhất là người đứng đầu và Ban Lãnh đạo đơn vị phải hết sức năng động, sáng tạo, nhưng cũng phải thực sự nghiêm túc, đừng vì cái lợi ích trước mắt mà vi phạm pháp luật. Hãy lấy những vụ việc đã xảy ra trong nước thời gian qua để làm bài học nhãn tiền, để vì cái chung, làm những điều đúng pháp luật và cả khi có sai lầm khuyết điểm mà vẫn biết đứng lên, khắc phục sửa chữa thì cũng còn có thể chấp nhận được./.

 

Thôi Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang