Thứ Sáu, 29/03/2024 16:26:23 GMT+7

Tin đăng lúc 25-12-2021

Lượt xem: 981

Thay đổi phù hợp với tình hình mới

Dịch Covid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như ở Việt Nam đã thúc đẩy sự linh hoạt của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Thay đổi để phù hợp với tình hình mới bằng cách chuyển đổi số đã và đang được xem là giải pháp quan trọng, mang tới nhiều cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp, từng bước thay đổi cách làm việc truyền thống của chuỗi cung ứng.
Thay đổi phù hợp với tình hình mới
Lắp ráp sản phẩm tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Phạm Anh Tuấn, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số nổi lên như một giải pháp quan trọng, từng bước thay đổi cách thức vận hành truyền thống của chuỗi cung ứng.

 

Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp Movan Hoàng Anh Hùng cho rằng, chuyển đổi số nếu không tính toán thì rất tốn kém. Do đó, điều các doanh nghiệp cần làm là lựa chọn một tiêu chuẩn để chuyển đổi số thay vì nghĩ đến việc đầu tư quá nhiều tiền bạc. Ở khía cạnh khác, Phó Trưởng ban Đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam Nguyễn Trung Hiếu cho biết, dịch Covid-19 gây khó khăn cho tiêu dùng, sản xuất, nhưng lại là cơ hội để nhà sản xuất và doanh nghiệp cung ứng ngồi lại với nhau, bàn hợp tác chuyên sâu. Toyota sẽ đồng hành cùng nhà cung ứng, từ "nắm tay chỉ việc" cho đến hướng dẫn tối ưu hóa nhà xưởng, vận hành bộ máy khoa học. Tương tự, Samsung cũng sẵn sàng hỗ trợ các nhà cung ứng của Việt Nam. Giám đốc hỗ trợ Tổ hợp đối tác của Samsung Jang Young Ho cho biết, kể từ năm 2015 khi bắt đầu hợp tác với Bộ Công Thương để tìm nhà cung ứng cho tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, từ chỗ có vài chục doanh nghiệp, đến nay Samsung đã có 322 doanh nghiệp. Samsung sẵn sàng đào tạo nguồn nhân lực, giúp đỡ doanh nghiệp cung ứng chuyển đổi số.

 

Dịch Covid-19 cũng chứng kiến quyết tâm của nhiều doanh nghiệp trong việc đổi mới mô hình hoạt động. Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một ví dụ. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, trong gần 2 năm đại dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt bùng phát lần thứ tư, nhờ chủ động chuyển đổi số nên công ty không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, dòng tiền và lao động. Năm 2020, doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng 15,6%, lợi nhuận tăng 17,8%, nộp ngân sách tăng 8,3% so với 2019. 9 tháng năm 2021, doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng 12,8%, lợi nhuận tăng 11,5%, xuất khẩu tăng 47%, nộp ngân sách tăng 50,8% so cùng kỳ năm 2020.

 

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, những thay đổi do dịch Covid-19 đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự chủ và năng động hơn trong chuyển đổi số. Do vậy, để biến nguy thành cơ, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.

 

“Thời gian qua, Cục Công nghiệp đóng vai trò làm cầu nối thông qua các chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn, tổ chức hội thảo, triển lãm, đồng thời cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đúng nhu cầu cũng như các vấn đề vướng mắc đang gặp phải. Mặc dù tầm nhìn và hướng đi "chuyển đổi số" đã được vạch ra với sự hỗ trợ của Cục Công nghiệp cũng như những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, nhưng với quy mô thị trường chung còn nhỏ, doanh nghiệp cung ứng gặp khó khăn về nhân sự cũng như vốn đầu tư. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới hình thành” - ông Phạm Anh Tuấn nói thêm.

 

Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang