Thứ Sáu, 29/03/2024 15:34:16 GMT+7

Tin đăng lúc 28-08-2020

Lượt xem: 1104

Tháo 'ngòi nổ' lạm phát cuối năm

Những lần lạm phát tăng cao thường đến từ nguyên nhân chính là giá hàng hoá. Do đó, việc kiểm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ giúp "tháo ngồi nổ" lạm phát trong năm nay.
Tháo 'ngòi nổ' lạm phát cuối năm
Chỉ số giá tiêu dùng ngành lương thực và thực phẩm trong quý IV/2020 sẽ giảm mạnh so với mức 11,9% cùng kỳ của tháng 7.

Theo các chuyên gia, "ngòi nổ" lạm phát chính là giá thịt lợn đã hạ nhiệt và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý IV khi quy mô đàn lợn trong nước dần hồi phục về mức trước dịch tả lợn châu Phi sẽ góp phần kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

 

Áp lực lạm phát sẽ hạ nhiệt trong những tháng cuối năm

 

Lạm phát từng nhiều lần ‘bùng nổ” với mức tăng trên 2 con số. Điển hình như lạm phát năm 2008 tăng 23%, gấp khoảng 3 lần mức tăng GDP; năm 2010 ở mức 11,75%, gấp gần 2 lần mức tăng GDP. Nguyên nhân là những năm đó tín dụng được “bơm” mạnh vào nền kinh tế (năm 2008 tăng hơn 25%, năm 2009 tín dụng tăng 37,7%, năm 2010 tăng gần 30%).

 

Những năm sau đó, Chính phủ luôn kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, giảm áp lực cung tiền vào hệ thống. Dù vậy vẫn có những thời điểm "bom" lạm phát tăng xuất hiện và nguyên nhân do giá hàng hoá. Chẳng hạn như năm 2011 lạm phát ở mức 18,58% do giá thực phẩm, lương thực tăng mạnh.

 

Diễn biến từ đầu năm đến nay cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm biến động giá thịt lợn đã đẩy CPI bình quân tăng so cùng kỳ năm trước lên mức 4,19%, sang đến tháng 7 CPI tăng thêm 0,4% so với tháng 6, giảm 0,19% so với tháng 12 năm 2019 nhờ 3 nguyên nhân: giá gạo giảm 0,33% so với tháng trước; giá thịt lợn hơi giảm và các mặt hàng thủy hải sản tươi sống giảm 0,45% so với tháng trước.

 

Như vậy, có thể thấy, yếu tố giá cả hàng hoá mang tính quyết định đến mục tiêu lạm phát của Việt Nam.

 

Trong một cuộc họp công bố về chỉ số kinh tế 7 tháng gần đây nhất, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cũng khẳng định: “Việc hạ nhiệt giá thịt lợn sẽ góp phần kiểm soát tốt CPI. Bên cạnh đó, giải pháp tái đàn rất quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm cho người dân và đặc biệt là kiểm soát lạm phát”.

 

Vì vậy, thời gian qua bên cạnh những giải pháp để giảm giá bán thịt lợn, các cơ quan chức năng đã dừng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7; tăng học phí, viện phí theo lộ trình.

 

CPI tăng 3,2%

 

Từ những yếu tố trên nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định lạc quan mục tiêu lạm phát trong năm nay sẽ đạt được.

 

Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lạm phát sẽ giảm nhanh kể từ đầu quý IV/2020 do giá thịt lợn hơi giảm so với cùng kỳ 2019 và 9 tháng đầu năm.

 

Cụ thể, giá thịt lợn hơi bình quân quý IV ở mức 82.000 đồng/kg, chỉ tăng 11,6% so với quý IV/2019 và thấp hơn mức giá bình quân ước tính cho 9 tháng đầu năm 2020 là 84.000 đồng/kg (mức giá bình quân của 9 tháng đầu năm 2020 cao gần gấp đôi so với mức giá bình quân trong 9 tháng đầu năm 2019).

 

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng của nhóm ngành lương thực và thực phẩm trong quý IV/2020 sẽ giảm mạnh so với mức 11,9% cùng kỳ của tháng 7.

 

Theo ước tính của VNDirect giá thịt lợn chiếm tới 11,6% cơ cấu CPI của nhóm ngành lương thực & thực phẩm và chiếm 4,2% cơ cấu rổ tính toán CPI chung.

 

VNDirect đưa ra dự báo CPI bình quân năm 2020 tăng 3,2% so với cùng kỳ dựa trên các giả định giá dầu Brent bình quân nửa cuối năm 2020 ở mức 43 - 45USD/thùng và Chính phủ không tăng giá điện trong 6 tháng cuối năm 2020.

 

Bước sang năm 2021, VNDirect dự báo áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp do giá thịt lợn hơi có thể tiếp tục giảm sau khi quy mô đàn lợn trong nước dần phục hồi về mức trước dịch tả lợn châu Phi, giảm khoảng 14,0% so với cùng kỳ xuống 72.000 đồng/kg, giá dầu thô Brent trung bình năm 2021 ở mức 50 USD/thùng (+14,2% so với cùng kỳ) và giá điện bán lẻ có thể tăng 5 - 8% trong nửa đầu năm 2021. "CPI bình quân năm 2021 tăng 2,9%", VNDirect dự báo.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang