Thứ Tư, 24/04/2024 05:17:14 GMT+7

Tin đăng lúc 08-10-2021

Lượt xem: 750

Thành phố Hồ Chí Minh: Giải ''bài toán'' thiếu nguồn lao động

Sau khi thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn bắt đầu khôi phục quy mô sản xuất, kinh doanh sau thời gian phải tạm ngưng hoặc thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn lao động để tái khởi động chuỗi sản xuất là "bài toán" khó, khiến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải nỗ lực hóa giải.
Thành phố Hồ Chí Minh: Giải ''bài toán'' thiếu nguồn lao động
Sản xuất tại Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh).

Ni lo thiếu nhân công

 

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng 10-2021, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, bước đầu có khoảng 6.300 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua duy trì sản xuất bằng phương án tổ chức “3 tại chỗ” cũng bắt đầu “xả trại”, mở lại hoạt động trong điều kiện "bình thường mới". Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui vẫn còn không ít lo lắng.

 

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (quận 12) Trương Chí Thiện cho biết, sau khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”, khối sản xuất của công ty hiện chỉ có 50% công nhân bám trụ trong dây chuyền. Thêm nữa, những công nhân này hiện cũng rất mệt mỏi, muốn được tạm thời dừng việc để nghỉ ngơi. Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (huyện Bình Chánh) hiện chỉ huy động được gần 50% lao động tham gia sản xuất, mặc dù công ty này đang rất cần nhân lực để thực hiện kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

 

Trong khi đó, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong giai đoạn chuyển tiếp từ thu hẹp sản xuất khi dịch còn phức tạp đến mở rộng sản xuất khi dịch đã cơ bản được kiểm soát, công ty thực hiện từng bước chứ không ồ ạt, đồng thời xây dựng phương án đánh giá rủi ro để có hướng xử lý. Nhằm bảo đảm đủ lao động, công ty đề xuất công nhân, chuyên gia được ưu tiên di chuyển qua lại giữa thành phố Hồ Chí Minh và 4 tỉnh lân cận (Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh).

 

Từ thực tế trên cho thấy, thiếu hụt nguồn lao động hiện đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, nhu cầu lao động đối với số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại từ ngày 1-10 ước hơn 34.000 người. Trong quý IV-2021, thành phố cần khoảng 60.000 vị trí việc làm trong khối sản xuất, kinh doanh.

 

Khơi thông cung cu lao động

 

Là một trong số ít doanh nghiệp huy động được nhiều lao động trở lại làm việc (đạt khoảng 75%) sau khi thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (quận Bình Tân) đang tăng năng lực sản xuất để đáp ứng số lượng sản phẩm cần cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn Trương Tiến Dũng cho biết, ngay trong dịch bệnh, công ty đã chủ động tăng phúc lợi cho người lao động. Ngày 1-10 vừa qua, khi thành phố chuyển sang giai đoạn "bình thường mới", công ty đã tổ chức phát quà, động viên người lao động để họ yên tâm quay trở lại làm việc.

 

Để giữ chân lao động, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (quận 12) Trương Chí Thiện thông tin, công ty đã tăng thêm các phúc lợi cho công nhân; khuyến khích công nhân giới thiệu bạn bè, người thân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 ứng tuyển để bổ sung lực lượng lao động khi công ty mở rộng hoạt động sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.

 

Về phía người lao động, chị Trần Thị Kim Hương (quê tỉnh Phú Yên), công nhân Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (thành phố Thủ Đức) cho biết, chị đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và rất mong muốn trở lại công ty làm việc. Nguyện vọng của người lao động là mong được cơ quan chức năng và công ty tạo điều kiện đi lại an toàn, quan tâm chăm lo đời sống sau thời gian phải tạm ngừng công việc.

 

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ, Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và các hội ngành nghề tổ chức hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng phương án hoạt động trở lại trên cơ sở đáp ứng yêu cầu bộ Tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố. Giải quyết khó khăn về nguồn cung lao động, các sở, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước để khơi thông thị trường lao động, nhằm nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, ngành Y tế đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động...

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết: "Thành phố sẽ phối hợp với các địa phương bố trí phương tiện đón người lao động quay lại làm việc trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19".


Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang