Thứ Năm, 25/04/2024 12:31:50 GMT+7

Tin đăng lúc 31-08-2021

Lượt xem: 876

Thanh Hóa: Một số giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất giấy phát triển bền vững

Với đặc thù phải sử dụng nhiều nguyên liệu thô từ các ngành như: Lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì… nên ngành công nghiệp giấy tỉnh Thanh Hóa đang phát thải một lượng khá lớn chất thải ra môi trường.
Thanh Hóa: Một số giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất giấy phát triển bền vững
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giảm tối thiểu từ 5 – 8% mức tiêu hao nguyên vật liệu của ngành sản xuất giấy giai đoạn 2021 - 2025

Do vậy, để phát triển hài hòa giữa sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sản  xuất giấy trên địa bàn tỉnh cần nhanh chóng áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường như: Đầu tư đúng mức quy trình sản xuất, xử lý chất thải; Sử dụng nguyên vật liệu hợp lý để gia tăng giá trị sản xuất…

 

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy với tổng sản lượng đạt khoảng 21.083 tấn/năm, chiếm 3,3% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp địa phương. Sản phẩm giấy của các nhà máy đã và đang góp phần làm tăng nguồn cung ứng sản phẩm giấy cho thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc… Tuy nhiên, có một thực trạng đối với ngành Giấy Thanh Hóa đó là công nghệ sản xuất giấy của các doanh nghiệp còn lạc hậu và chưa có dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất lớn; Quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa nên đã dẫn tới việc lãng phí nguyên liệu, lãng phí tài nguyên, tăng chi phí sản xuất.

 

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn chưa chú trọng tới công tác tái chế và tái sử dụng giấy phế thải. Theo nhiều nghiên cứu, việc sử dụng giấy tái chế sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí và nếu sử dụng giấy tái chế để sản xuất còn có thể giảm được 74% khí thải, 35% nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên liệu. Tuy vậy, hiện nay, tỷ lệ thu gom giấy, tái chế giấy phế thải của các doanh nghiệp chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40%. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất giấy, bao bì do thu gom, tái chế còn hạn chế, do vậy, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải nhập khẩu bột giấy làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh.

 

Nguyên nhân của hạn chế đó là do các doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, còn gặp nhiều khó khăn về tài chính để có thể thay thế dây chuyền sản xuất cũ sang hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nắm bắt hết được các quy trình sản xuất xanh, sạch để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cũng như doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

 

Do vậy, để ngành sản xuất giấy trên địa bàn tiếp tục phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thiết bị công nghệ. Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giấy như: Công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học (biomass) và nano…; Đồng thời, triển khai ứng dụng và đưa vào sản xuất các loại giấy kỹ thuật cao dùng trong công nghiệp và dân dụng, nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, hạn chế nhập khẩu; Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả tái chế giấy. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ đầu tư nhằm thay đổi công nghệ, máy móc như: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh, Chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh… Đặc biệt, chính quyền địa phương cần có chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà máy ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch; Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải trong ngành giấy.

 

Về xử lý hệ thống xả thải trong quá trình sản xuất giấy, chính quyền các cấp cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng tích lũy, cũng như hình thành nguồn vốn hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhỏ chưa có khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chính quyền địa phương cũn cần có các biện pháp quy hoạch, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp này để lập ra các khu công nghiệp giấy tập trung và hướng tới xử lý nguồn nước thải liên hoàn. Mặt khác, các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức thu gom và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu giấy tái chế…

 

Bàn về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất giấy phát triển bền vững, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, kết hợp với công tác tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn thể cán bộ, người lao động trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và các doanh nghiệp giấy nói riêng; Hướng dẫn, tuyên truyền cho người lao động về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững, từ đó sẽ góp phần nâng cao ý thức của người lao động đối với công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác, tỉnh cũng sẽ tổ chức các lớp đào tạo về công tác môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp giấy để hướng đến nền sản xuất xanh.

 

Anh Tuấn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang