Thứ Sáu, 29/03/2024 14:46:49 GMT+7

Tin đăng lúc 10-01-2022

Lượt xem: 1005

Thanh Hóa: Khát vọng "Thủ phủ" khu công nghiệp hàng đầu miền Bắc liệu có xa vời?

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Thanh Hóa đang ngày càng thay da đổi thịt, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp mới của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Thanh Hóa: Khát vọng "Thủ phủ" khu công nghiệp hàng đầu miền Bắc liệu có xa vời?
Thanh Hóa trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư

Hàng loạt ông lớn “hạ cánh” tại Thanh Hóa 

 

Trong năm 2021, dù đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp nhưng Thanh Hóa vẫn duy trì nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền địa phương cũng như mở cửa chào đón những nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt, Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị cũng góp phần định hướng chính sách mở của của tỉnh. Nhờ đó, không ít thương hiệu nổi tiếng thế giới đã lựa chọn Thanh Hóa để rót vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư được coi là những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực của mình, chứng tỏ sức hút của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao trong mắt giới đầu tư nước ngoài.

 

Ngay từ tháng 01/2021, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử Foxconn (Mỹ) đã có chuyến công tác đến Thanh Hóa. Được biết, diện tích đầu tư mà Foxconn nhắm đến sẽ rộng từ 100 - 150 ha với số vốn 1,3 tỷ USD. Chỉ sau đó ít ngày, tập đoàn AVG Capital Partners (Liên Bang Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa để triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD.  

 

Đến tháng 03/2020, tập đoàn WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đặt vấn đề về dự án hơn 300 triệu USD tại Thanh Hóa. Chỉ tính đến tháng 3-2021, Thanh Hóa đã thu hút được 159 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 14,53 tỷ USD. Sự xuất hiện của những nhà đầu tư lớn cùng số vốn khổng lồ chính là minh chứng lớn nhất cho việc Thanh Hóa đang đi đúng hướng trong việc thu hút vốn đầu tư.

 

Theo thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,77 tỷ USD. Trong đó, nhiều nhà đầu tư đến tử Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc,... 

 

Phát triển khu công nghiệp - Bước đi trọng tâm năm 2022

 

 Những con số ấn tượng về vốn đầu tư FDI của Thanh Hóa không chỉ là thành quả mà còn là động lực để tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bắt đầu kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Nối tiếp những thành công của năm 2021 và thực hiện tầm nhìn được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết số 58-NQ/TW, việc phát triển khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh là vô cùng cấp thiết.

 

Bên cạnh các khu công nghiệp hiện có, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm 19 khu công nghiệp mới theo Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các khu công nghiệp mới dự kiến sẽ nằm gần các giao lộ, tuyến đường huyết mạch và các khu vực nhiều tiện ích nhằm xây dựng thêm các khu đô thị, trung tâm nghiên cứu phát triển để kiến tạo môi trường sống và làm việc cho các chuyên gia, người lao động. 

 

Song song với việc phát triển khu công nghiệp mới, tỉnh Thanh Hóa cũng cần chú trọng phối hợp với các chủ đầu tư khu công nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều công nhân mất việc, giảm lương, đồng thời cũng đẩy nhiều doanh nghiệp vào khủng hoảng nhân sự. Vì vậy, công tác tuyển dụng, đào tạo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là phương án hiệu quả để xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện cũng như tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nhân sự. Nếu xảy ra trường hợp dịch bệnh hoặc thiếu hụt nhân sự, công ty có thể chủ động liên lạc để không rơi vào cảnh thiếu người làm. 

 

Ngoài ra, công tác quản lý nhân sự cũng sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động của các khu công nghiệp, giúp khách hàng hài lòng khi sử dụng dịch vụ. Trên thế giới, nhiều khu công nghiệp đã tham gia quản lý nhân sự và thu được hiệu quả cao, do đó, chủ đầu tư khu công nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng cũng có thể tiếp bước để khởi sắc hơn trong việc thu hút vốn đầu tư. 

 

Năm 2022 đã đến mang theo nhiều lạc quan về công tác kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế. Là địa phương dẫn đầu kinh tế tại miền Trung, Thanh Hóa chắc chắn sẽ tận dụng được “thiên thời” để hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước.

 

Theo Diễn đàn DN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang