Thứ Năm, 25/04/2024 08:25:08 GMT+7

Tin đăng lúc 26-07-2022

Lượt xem: 1671

Thái Bình tích cực với các hoạt động thúc đẩy phát triển CNHT

Nhắc đến Thái Bình, dường như ai cũng biết đây là vựa lúa, “quê lúa’ nổi tiếng của Đồng bằng Bắc Bộ, nhưng không dừng lại ở đó, trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Thái Bình còn là một trong những địa phương được biết đến với hoạt động phát triển công nghiệp (CN) ngày một khởi sắc, nhất là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Điều này đã góp phần không nhỏ để Thái Bình hôm nay ngày một “thay da đổi thịt”, khang trang, đổi mới…
Thái Bình tích cực với các hoạt động thúc đẩy phát triển CNHT
Thái Bình tích cực với các hoạt động phát triển CNHT lĩnh vực dệt may

Nhìn vào việc thực hiện Quy hoạch phát triển ngành CNHT tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 cho thấy, Thái Bình đã hoàn thành một số mục tiêu quan trọng và đang thực hiện linh hoạt các giải pháp bám sát thực tiễn để phát triển CNHT.

 

Cụ thể, thời gian qua (giai đoạn 2016 - 2020), CNHT đã trở thành ngành CN phát triển quan trọng, chủ yếu sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các ngành CN trong nước theo đúng mục tiêu Quy hoạch đề ra; Thái Bình đã đặc biệt tập trung phát triển CNHT lĩnh vực có thế mạnh như: ngành Điện tử, Cơ khí chế tạo và Dệt may. Nhờ đó, đến nay, Thái Bình đã trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt như dệt may, da giày, xơ sợi. Theo số liệu thống kê, Thái Bình hiện có 234 doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày. Trong đó, tỉnh có 44 DN CNHT gồm 5 DN đầu tư nước ngoài, 39 DN, cơ sở sản xuất trong nước. Một số DN có quy mô lớn với dây chuyền tương đối hiện đại có thể kể tên như Công ty TNHH Hợp Thành; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường; Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long; Công ty Cổ phần Damsan; Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý… Những thành quả này đã góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của ngành CN, thúc đẩy phát triển ngành CN của tỉnh trong giai đoạn vừa qua và làm tiền đề phát huy phát triển CNHT giai đoạn hiện nay tới năm 2025 cũng như giai đoạn 2025 tới 2030.

 

Cũng trên cơ sở Quy hoạch phát triển ngành CNHT tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, thì đến năm 2025, CNHT của tỉnh sẽ tham gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh còn đặt mục tiêu đến năm 2025, thu hút 5 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN); phấn đấu mỗi năm thu hút vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD... Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi Thái Bình phải không ngừng nỗ lực, tập trung và phát huy sáng tạo của mọi lực lượng toàn tỉnh, khi mà trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Nhìn nhận về kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm CN nói chung và sản phẩm CNHT của Thái Bình hiện nay, bà Ngô Thị Liên - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Thái Bình) cho biết, kim ngạch xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh mặt hàng xuất khẩu chủ lực (nhất là các sản phẩm phụ trợ ngành Dệt May, Da giày) của tỉnh Thái Bình. Đây là cơ sở để các DN cần tiếp tục chủ động nghiên cứu sâu về các Hiệp định thương mại, nắm được những cam kết, tiêu chí để được ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm xuất khẩu của DN. Đặc biệt, các DN cần nhanh chóng có các giải pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh và bảo đảm sản phẩm xuất khẩu của mình đáp ứng được quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn kỹ thuật. Có như vậy, các DN CN mới nhanh chóng nắm bắt tốt mọi cơ hội, cải thiện tình thế và năng lực…

 

Nhìn về quy mô phát triển ngành CN nói chung cũng như CNHT nói riêng hiện nay của Thái Bình, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Bình cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch là 800,1ha. Dự kiến giai đoạn 2022-2025 sẽ lấp đầy, mở rộng các KCN hiện hữu và tiếp tục triển khai xây dựng các KCN mới, nâng tổng số các KCN trên địa bàn tỉnh thành 11 KCN. Đến năm 2025, toàn tỉnh Thái Bình có 51 CCN phân bố rải rác tại địa bàn các huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Hiện tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng phân khu tỷ lệ 1/2000 để làm cơ sở thu hút dự án đầu tư đối với 5 khu chức năng, gồm KCN - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái; KCN - đô thị - dịch vụ Hải Long; Khu bến cảng Ba Lạt; Khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao tại huyện Tiền Hải; Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ. UBND tỉnh đang trình Hội đồng nhân dân tỉnh 5 đồ án quy hoạch phân khu: KCN Tân Trường; KCN Thụy Trường; KCN Tiền Hải 2; KCN - đô thị - dịch vụ Thái Thượng; Cảng Diêm Điền…

 

 

Thái Bình tổ chức Hội nghị "Kết nối Thái Bình - Hàn Quốc" nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp, CNHT

 

Như vậy, nhìn về phía trước, hiện CNHT Thái Bình còn rất nhiều việc cần phải làm, cần phải tập trung thực hiện theo đúng chiến lược, giải pháp và các quy hoạch vĩ mô đặt ra. Do đó, hiện tại, ngành CNHT của tỉnh đang tích cực tập trung vào các hoạt động chủ đạo như hoạt động đầu tư, hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoạt động nghiên cứu phát triển thị trường…

 

Đáng chú ý, nhằm đẩy mạnh phát triển ngành CN, CNHT, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các DN ngành CN phụ trợ như dệt may, cơ khí, điện tử… qua việc hoàn thiện, mở rộng các cơ chế chính sách đầu tư, tăng cường đổi mới công nghệ, các hoạt động nâng cao trình độ thiết kế, quảng bá thương hiệu… Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các dự án kéo sợi, dệt may đồng bộ và phát triển CNHT cho ngành Dệt May.

 

Đặc biệt, mới đây, đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh đã tổ chức Hội nghị “Kết nối Thái Bình – Hàn Quốc” với kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, phát triển mới, quan hệ mới trong hợp tác đầu tư, phát triển CNHT giữa hai nước nói chung và giữa tỉnh Thái Bình và các đối tác Hàn Quốc nói riêng. Hội nghị có sự hiện diện của ông Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thái Bình tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, bảo đảm đồng bộ, khả thi. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng khu kinh tế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển các ngành CN có tính chất nền tảng mà tỉnh có lợi thế (như CNHT, CN vật liệu, hóa chất, chế biến, chế tạo và điện tử) theo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Nhìn chung, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển CNHT hơn nữa, theo đúng mục tiêu, quy hoạch đã đặt ra, Thái Bình sẽ tiếp tục triển khai mọi giải pháp phát triển linh hoạt hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, bám sát thực tiễn như: Giải pháp về đầu tư; giải pháp về xây dựng và phát triển thị trường; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp phát triển các khu, CCN chuyên ngành; giải pháp về hợp tác và phối hợp phát triển; bảo vệ môi trường và giải pháp quản lý. Bên cạnh đó, còn có nhóm giải pháp mang tính đột phá gồm: Cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư; đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triền nguồn nhân lực…

 

Quang Vinh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang