Thứ Sáu, 19/04/2024 10:24:54 GMT+7

Tin đăng lúc 30-07-2019

Lượt xem: 1875

Thái Bình: Hướng đi mới cho đào tạo nghề nông thôn

Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh, tận dụng tối đa nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề đối với các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình đã tư vấn, khảo sát, lập kế hoạch triển khai Chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn.
Thái Bình: Hướng đi mới cho đào tạo nghề nông thôn
Thầy giáo Nguyễn Hữu Chính hướng dẫn các học viên cắt may quần âu, áo sơ mi.

Thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2019 của UBND tỉnh Thái Bình, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình (TTKC) đã tổ chức khóa Đào tạo nghề may công nghiệp cho xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Khóa học gồm 35 học viên là người lao động có độ tuổi từ 15 - 55 tuổi, thời gian diễn ra khóa học là 03 tháng, từ tháng 4 – 7/2019. Với sự hỗ trợ, giảng dạy của các thầy, cô giáo tại Trung tâm Dạy nghề tỉnh Thái Bình, các học viên đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản trong nghề may công nghiệp và sử dụng thành thạo máy may công nghiệp, hoàn thiện toàn bộ sản phẩm quần âu và áo sơ my theo mẫu thiết kế của giáo viên. Trong quá trình học nghề, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã phối hợp trang bị máy móc, nguyên vật liệu phục vụ cho việc học nghề của học viên; tài liệu và các vật tư, phụ kiện cung cấp đầy đủ cho toàn bộ khóa học. Sau khóa học các học viên phải thi và được cấp chứng chỉ.

 

 

 

Sản phẩm áo sơ mi của học viên

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: Quỳnh Xá là một xã thuần nông, với hơn 5.000 nhân khẩu chủ yếu là làm nông nghiệp, không có nghề phụ, nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hàng năm có khoảng trên 2.000 người của xã là lực lượng lao động chính phải đi làm thuê ở nhiều địa phương khác, số lao động còn lại tại địa phương chủ yếu là nữ, người già và trẻ nhỏ. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành của tỉnh Thái Bình, xã đã được Sở Công Thương, TTKC tỉnh Thái Bình triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho địa phương như: Tổ chức lớp tập huấn sửa chữa máy nông nghiệp; lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng;… Hiện nay TTKC tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND, Hội phụ nữ xã tổ chức lớp học nghề may công nghiệp cho tất cả các đối tượng nam, nữ có độ tuổi từ 15 - 55 tuổi không có việc làm. Đây là việc làm rất cần thiết và hiệu quả khi tổ chức được các lớp đào tạo tại các địa phương, nó giúp cho người lao động trong xã định hướng được nghề nghiệp cho bản thânvới các độ tuổi khác nhau, không mặc cảm với số phận, có cơ hội tìm kiếm các vị trí việc làm trong doanh nghiệp.

 

 

Ông Trần Văn Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

 

Chị Phạm Thị Ngoan, thôn Xuân La Đông, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ hiện là lớp trưởng lớp học nghề may công nghiệp chia sẻ: “Lớp học của chị có 35 học viên ở độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau, nên sự nhận thức có khác nhau, nhưng các thành viên trong lớp rất chăm chỉ nghe giảng bài, tuy ban đầu các học viên còn bỡ ngỡ, lo lắng không biết có theo học được không bởi chưa được sử dụng máy may công nghiệp bao giờ. Được sự hướng dẫn nhiệt tình, dễ hiểu của các thầy, cô giáo, học viên được thực hành trực tiếp trên máy may công nghiệp cho nên mọingười tiếp thu rất nhanh, tinh thần học tập của lớp rất hào hứng, không ai bỏ học. Tập thể lớp đặt ra mục tiêu kết thúc khóa học, tất cả mọi người trong lớp phải hoàn thành được bộ sản phẩm quần âu và áo sơ mi của mình, đây là phần quà ý nghĩa để dành tặng cho các thầy, cô giáo của khóa học”.

 

Trong suốt quá trình đào tạo, hướng dẫn các học viên lớp học máy may công nghiệp, thầy Nguyễn Hữu Chính nhận xét và đánh giá: TTKC tỉnh Thái Bình tổ chức các lớp đào tạo may ở tại địa phương là rất phù hợp và thực tế, nó thể hiện sự đi tắt – đón đầu. Với một lực lượng lao động trẻ, nhàn rỗi, nên họ rất mong muốn có một công việc phù hợp với năng lực, trình độ của mình để được làm việc, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Với tố chất chăm chỉ, cần cù học hỏi, các em tiếp thu rất nhanh, tiếp cận thiết bị máy móc rất thuần thục. Nắm bắt được nguyên lý vận hành, tính năng máy móc an toàn, cơ bản hiểu được tác dụng của thiết bị và cách thao tác trên dây chuyền may công nghiệp để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như vắt sổ; đường may can; đường may viền; đường may cuốn; đường may mí; đường may lộn; đường may diễu; đường may tra; thùa khuyết; đính cúc đúng yêu cầu kỹ thuật… các em có khả năng làm việc độc lập trên các công đoạn lắp ráp sản phẩm sơ mi quần âu.

 

Qua kiểm tra khóa học, ông Hà Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Thái Bình đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của giảng viên truyền nghề và kết quả học tập của các học viên. Đặc biệt, sau khóa học các học viên cần tiếp tục học hỏi thêm những kinh nghiệm từ thực tiễn, từng bước nâng cao tay nghề để tự tin làm việc tại các doanh nghiệp đòi hỏi tay nghề cao, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là hàng xuất khẩu.

 

Công Du

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang