Thứ Bẩy, 20/04/2024 10:30:04 GMT+7

Tin đăng lúc 16-10-2015

Lượt xem: 5151

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tiếp tục Chương trình làm việc Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, sáng ngày 15/10, các đại biểu tập trung thảo luận Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, nghe trình bày tham luận về các Chương trình đột phá của Thành phố giai đoạn 2016-2020.
Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ
Trong giai đoạn 2016-2020 TPHCM sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh minh họa)

6 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

 

Trình bày tham luận về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TPHCM, ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Dự thảo báo cáo chính trị yêu cầu tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, trên cơ sở phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Theo Giám đốc Sở Công Thương, đây là yêu cầu thiết thực, phù hợp với hiện trạng phát triển của ngành công nghiệp thành phố hiện nay.

 

Thời gian qua, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tuy có sự tăng trưởng về lượng nhưng xét về chất, cấu trúc lại chưa thực sự bền vững, còn nhiều hạn chế như: trên 80% nguyên liệu và phần lớn thiết bị, công nghệ phải nhập khẩu; sản xuất phục vụ sửa chữa thay thế, gia công lắp ráp là chủ yếu; các doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ quản trị sản xuất phần lớn dựa vào kinh nghiệm. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu là ở những công đoạn với công nghệ giản đơn, giá trị gia tăng thấp.

 

Về nguyên nhân hạn chế chủ yếu xuất phát từ thuộc tính của doanh nghiệp nhỏ và vừa và sự thiếu đồng bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, sự thiếu thông tin và chậm đổi mới về công nghệ cũng ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của Thành phố.

 

Theo ông Khoa, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố thời gian tới cần chú trọng ưu tiên thu hút DN nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ  phục vụ 4 ngành trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất-nhựa-cao su, chế biến tinh lương thực-thực phẩm) và 2 ngành truyền thống (dệt may, giày da).

 

Trong đó, giai đoạn đầu cần tập trung ưu tiên phát triển các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất-nhựa-cao su nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp khác.

 

Trong quá trình phát triển, từng bước định hướng DN sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được sản xuất trong nước; hình thành hệ thống các DN nhỏ và vừa đủ mạnh, tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các ngành công nghiệp trọng yếu.

 

Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác sản xuất giữa các công ty FDI với doanh nghiệp nhỏ và vừa để nhanh chóng làm chủ công nghệ; phát triển được đội ngũ nhân lực quản lý, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ của TPHCM.

 

Để triển khai, TP sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp: kiện toàn công tác quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ; chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng phục vụ sản xuất để thu hút đầu tư; xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm bổ sung kiến thức cho đội ngũ quản lý, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động; có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ.


Báo cáo về nội dung Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” TPHCM giai đoạn 2015 – 2020, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đến năm 2025, TP sẽ hoàn thành mục tiêu di dời toàn bộ 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Riêng giai đoạn 2015 - 2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn.Đến 2025, phấn đấu di dời 19.524 nhà “ổ chuột”.

 

Phấn đấu đến năm 2020, TPHCM cơ bản giải quyết việc xây dựng mới thay thế các chung cư bị hư hỏng nặng đã được kiểm định theo quy định, kết hợp chỉnh trang đô thị nhằm tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng tốt hơn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phấn đấu thực hiện tháo dỡ 120.000m2 sàn chung cư hư hỏng nặng, xây dựng mới 240.000m2 sàn các chung cư mới.

 

Về giải pháp chủ yếu, TP sẽ chú trọng xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư; xây dựng chính sách tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý đô thị; đa dạng hóa, khuyến khích hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị có khả năng thu hồi vốn thấp; nghiên cứu phương thức XHH đầu tư dự án chỉnh trang phát triển đô thị.

 

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ thực hiện mở rộng biên thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhằm tăng giá trị sử dụng đất để mời gọi đầu tư dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.

 

Để có nguồn lực, TP sẽ phát hành trái phiếu đô thị để tạo nguồn phát triển đô thị, phục vụ cho các mục tiêu bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật; sử dụng nguồn vốn ODA đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm nguồn vốn lớn nhưng khả năng thu hồi thấp (hệ thống metro, nhà máy xử lý nước thải, nhà máy cấp nước...).

 

Cùng với đó, tập trung rà soát những quỹ đất hiện có, nguồn nhà, đất dôi dư từ chương trình di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm... bán đấu giá, tạo nguồn vốn thực hiện Chương trình; đề xuất chuyển đổi một phần nhà tái định cư không còn nhu cầu sử dụng sang nhà ở xã hội, dùng quỹ nhà xã hội này để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng không đủ điều kiện mua nhà ở thương mại, giảm bớt áp lực về vốn ngân sách phải bồi thường cho các hộ dân phải di dời.

 

Trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM đề ra 7 Chương trình đột phá gồm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, “Cải cách hành chính”, “Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập”, “Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông”, “Giảm nước ngập”, “Giảm ô nhiễm môi trường” và “Chỉnh trang và phát triển đô thị”.


Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang