Thứ Sáu, 29/03/2024 21:49:30 GMT+7

Tin đăng lúc 14-03-2019

Lượt xem: 2457

Tập huấn - Đưa kỹ thuật tiên tiến đến với người dân

Thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2015-2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN), Sở Công Thương Thái Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tế, tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động cho người nông dân, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Tập huấn - Đưa kỹ thuật tiên tiến đến với người dân
Phần học thực hành của lớp tập huấn

Hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn

 

Công tác tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy cơ khí nông nghiệp như: Máy làm đất, gieo hạt, cấy, gặt đập liên hợp, tuốt lúa, sát gạo, tách ngô, phun thuốc trừ sâu, sục khí, bơm nước, quạt đập nước; các loại thiết bị bảo quản và chế biến sau thu hoạch, hỗ trợ làm cỏ lúa... cho lao động vùng nông thôn được coi là một trong những hoạt động trọng tâm. Từ năm 2016 - 2018, TTKC&TVPTCN đã tổ chức được 184 lớp tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp, thu hút 6.440 học viên của 157 xã thuộc các huyện trong tỉnh tham gia. Trong đó, có những huyện đã thu được kết quả đáng khích lệ như: So với kế hoạch, huyện Thái Thụy đã tổ chức được 34/48 xã (đạt 70,8%); huyện Đông Hưng  tổ chức được 27/44 xã (đạt 61,4%); huyện Quỳnh Phụ đạt 65,8%; huyện Kiến Xương đạt 67,6%... Cùng với đó là 1.000 máy móc, thiết bị loại nhỏ và trung, có công suất từ 8-28 kW của 1.000 hộ gia đình được đưa vào các lớp tập huấn để dùng hướng dẫn, sửa chữa. Thiết bị thay thế cho những loại máy này chủ yếu là bộ hơi, kim phun, bơm supap, bạc biên, xéc măng, tay biên, các loại vòng bi, zoong mặt máy..., nhiều loại máy to như: Kubota, Yanma, Hitachi, Isaki... thiết bị thay thế là zoong mặt máy, xéc măng, pitton, xi lanh, bi (các loại), trục láp phanh, phớt, lọc nhớt, lọc thủy lực, lọc động cơ...

 

Kết thúc lớp tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức chung về máy cơ khí nông nghiệp, về kỹ năng vận hành sửa chữa bảo trì máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, qua các lớp tập huấn, mối liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp” được gắn kết hơn, tình làng nghĩa xóm như được thắt chặt hơn, các hộ dân đã giúp đỡ, cùng nhau học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Điểm nổi bật ở đây, qua thăm dò ý kiến của 6.440/60 xã trong tỉnh cho thấy, các lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp được tổ chức tại các xã không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực đối với người sử dụng máy móc, mà còn được các học viên đánh giá cao về chất lượng nội dung, cũng như kỹ năng truyền đạt của cán bộ hướng dẫn. Các lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp do TTKC&TVPTCN tổ chức đã đánh dấu một hướng đi mới, từng bước đưa người nông dân đến với mô hình sản xuất tiên tiến, giúp cho hàng hóa sản xuất ra đáp ứng được nhu cầu thị trường thời hội nhập.

 

Đẩy mạnh công tác tập huấn

 

 

Toàn cảnh lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp tại xã Nam Trung, huyện Tiền Hải

 

Phát huy kết quả đạt được trong 3 năm qua (2016-2018) đối với công tác tập huấn cho lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp, TTKC&TVPTCN tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung tập huấn, tập trung triển khai các lớp tập huấn theo kế hoạch được giao, đảm bảo đúng tiến độ, số lượng, chất lượng; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí... Thời gian tới, TTKC&TVPTCN sẽ tổ chức 120 lớp tập huấn cho lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp thu hút 4.200 người tham dự; phấn đấu năm 2019 và 2020 sẽ tổ chức 67 lớp tập huấn cho 3.228 lao động tại 60 xã trong tỉnh (chưa được tập huấn) sẽ có cơ hội tham gia; Rà soát, ưu tiên tổ chức các lớp tập huấn tại các xã chưa về đích nông thôn mới, các xã chưa triển khai tập huấn. Để đạt được mục tiêu đề ra, TTKC&TVPTCN sẽ mở đợt điều tra, nghiên cứu số lượng máy móc cơ khí nông nghiệp tại các xã, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn đảm bảo đúng kế hoạch; Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ quản lý, giảng dạy đảm trách nhiệm vụ giúp học viên tập huấn hiệu quả. Đồng thời, chuẩn bị tốt giáo trình, dụng cụ, học cụ, vật tư cần thiết phục vụ tập huấn. Mặt khác, tăng cường công tác truyền thông đối với công tác tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp để người dân hiểu về tập huấn là việc làm cần thiết, không thể bỏ qua; Kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm khi triển khai tập huấn, cũng như phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp ở địa phương để nắm bắt nhu cầu đào tạo, từ đó triển khai hiệu quả các lớp tập huấn và cuối cùng là làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời động viên khích lệ các tổ chức, cá nhân tham gia tập huấn.

 

Công Du


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang