Thứ Sáu, 29/03/2024 12:26:38 GMT+7

Tin đăng lúc 17-04-2022

Lượt xem: 2247

Tạo động lực để Củ Chi và Hóc Môn trở thành cực tăng trưởng mới của Tp. Hồ Chí Minh

Hai huyện Hóc Môn và Củ Chi có nhiều lợi thế về chiến lược, nằm ở vùng đệm giáp ranh với các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, có vị trí quan trọng trong liên kết vùng. Việc đẩy mạnh đầu tư, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để thu hút doanh nghiệp sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh giải được bài toán mở rộng không gian phát triển, tạo ra cực tăng trưởng mới không chỉ cho thành phố mà cho cả khu vực.
Tạo động lực để Củ Chi và Hóc Môn trở thành cực tăng trưởng mới của Tp. Hồ Chí Minh
Nhân giống hoa lan trong ống nghiệm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, đóng chân trên địa bàn huyện Củ Chi

Về định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi trong quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cho biết: Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã xác định mô hình phát triển của thành phố là mô hình tập trung-đa cực. Hóc Môn và huyện Củ Chi là hai huyện ngoại thành, có tổng diện tích khoảng 544 ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía bắc, tây bắc của thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ðồng thời, là cửa ngõ kết nối thành phố với các đô thị Ðức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) và các tỉnh miền tây và Ðông Nam Bộ. Ðịnh hướng phát triển không gian thành phố đối với khu vực hai huyện Hóc Môn và Củ Chi là theo hướng tây bắc, với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Về phân vùng phát triển thành phố, xác định trên địa bàn hai huyện các vùng phát triển đô thị tại các thị trấn, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái. Trong đó, khu đô thị tây bắc nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn, được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía bắc của thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ở khía cạnh liên kết vùng, Ðiều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2067/QÐ-TTg ngày 22 /12/2017, đã nhấn mạnh vai trò giữa thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương thuộc các tiểu vùng chung quanh là mối liên kết giữa đô thị hạt nhân và các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển chuyên ngành. Là mối quan hệ "cộng sinh" giữa "vùng công nghệ cao" với "vùng sản xuất công nghiệp" và "vùng nguyên liệu", giữa "vùng phân phối, tiêu thụ sản phẩm" với "vùng sản xuất sản phẩm".

 

Trong đó, huyện Củ Chi, Hóc Môn giữ vai trò quan trọng kết nối với các địa phương phía tây bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để vùng tây bắc của thành phố trở thành cực tăng trưởng mới phải giải quyết bài toán cấp bách hiện nay là hạ tầng giao thông. Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, Sở Giao thông vận tải cũng đã rà soát, lập danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và đề xuất các cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030. Trong đó, có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi như đường vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…

 

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, thành phố mời gọi đầu tư cho 55 dự án vào hai huyện này, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 12,414 tỷ USD. Trong đó, có 18 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông-kỹ thuật với tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 12,3 tỷ USD; 12 dự án chỉnh trang đô thị, với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD… Cũng tại hội nghị này, thành phố đã trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn gần 370 triệu USD. Trao 39 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,5 tỷ USD. Hoạt động trong lĩnh vực xử lý nhiệt trái cây tươi bằng công nghệ Nhật Bản và chế biến các sản phẩm từ trái cây bằng dây chuyền công nghệ từ châu Âu, Công ty Goodlife Holdings (Nhật Bản) đã đầu tư vào Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi) với số vốn năm triệu USD từ năm 2009.

 

Hiện nay, doanh thu của công ty vào khoảng năm triệu USD /năm, thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ và châu Âu. Dự kiến đến năm 2023, doanh thu của công ty đạt khoảng 10 triệu USD sau khi đưa vào hoạt động nhà máy chế biến trái cây với công nghệ hiện đại. Ðại diện Goodlife Holdings cho hay, công ty còn kỳ vọng doanh thu sẽ tăng gấp từ năm lần đến 10 lần nếu kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động sản xuất được triển khai. Hiện tại, công ty đang có kế hoạch đầu tư thêm năm triệu USD để xây dựng mở rộng nhà máy chế biến sản xuất các sản phẩm từ trái cây, góp phần đưa các sản phẩm từ nông sản của Việt Nam ra thế giới, cũng như tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Củ Chi và thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trong khi đó, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết: Tại hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, AEON Việt Nam dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bền vững. Ðồng thời, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư, nâng tầm phong cách sống và tạo thêm các cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

 

Theo báo Nhân dân

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang