Thứ Sáu, 26/04/2024 06:08:13 GMT+7

Tin đăng lúc 25-12-2017

Lượt xem: 3828

Tăng giá điện – Ngành Điện cần sự chia sẻ

Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về việc quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Thực hiện quyết định trên, ngày 30/11, Bộ Công Thương đã ban hành QĐ số 4495/QĐ-BTC quy định về giá bán điện, theo đó, giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 6,08% so với giá bán điện trước đây. Thời điểm điều chỉnh giá điện được áp dụng từ ngày 01/12/2017.
Tăng giá điện – Ngành Điện cần sự chia sẻ
Thi công đường dây 500 kV Nhà Bè -Ô Môn

Ngay sau khi công bố việc tăng giá điện, đã có rất nhiều ý kiến không chỉ người tiêu dùng, mà thông qua báo chí, còn có cả các nhà khoa học, quản lý, nhiều quan chức của Quốc hội bày tỏ sự chưa đồng tình, với lý do việc thông báo điều chỉnh giá điện chỉ sau 01 ngày đã tăng giá là quá “gấp gáp”, khiến người dân “hụt hẫng”, chưa có sự chuẩn bị tâm lý đón nhận “điều không mong muốn”.

 

Theo nhiều chuyên gia, việc Chính phủ thấy giá điện bất hợp lý, không phù hợp với quy luật của cơ chế thị trường, rõ nét nhất là cơ chế giá điện ở nước ta đã có những bất hợp lý từ nhiều năm trước, dẫn tới ý thức tiết kiệm điện trong một bộ phận người tiêu dùng không cao. Trong khi giá điện bình quân ở Việt Nam hiện nay là 1.622 đồng/kWh (tương đương với 7,31 cent/kWh), thì giá điện ở In-đô-nê-xi-a: 7,3 US cent/kWh; Lào là 9 US cent/kWh; Trung Quốc: 10,04 cent/kWh; Thái Lan: 11,81 cent/kWh; Singapo: 13,5 cent/kWh, Phi-lip-pin: 14,6 US cent/kWh; Cam-pu-chia là 19 US cent/kWh…

 

Giá điện thấp đang kéo theo nhiều hệ lụy: Không đủ vốn để phát triển nguồn và lưới điện; Không thu hút được các nhà đầu tư vào dự án điện vì kinh doanh bị lỗ; Giá điện rẻ, vô tình chúng ta đã trợ giá cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đem công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng đầu tư làm ăn tại Việt Nam; Người dùng điện thiếu ý thức tiết kiệm trong thời điểm đang thiếu nguồn điện; Hiệu quả sử dụng một kWh điện trên một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á; Giá điện thấp, trong khi phải mua điện giá cao từ các nhà đầu tư, cũng như mua từ nước ngoài, dẫn tới EVN không đủ sức để kéo dài chuyện bù lỗ...

 

Có một điều mà nhiều người chưa hiểu, đó là từ lâu rồi, Nhà nước chỉ tạo cơ chế cho các doanh nghiệp làm điện (chính sách ưu đãi, cơ chế vay vốn nước ngoài...), chứ không có ngân sách đâu mà cấp mãi (những doanh nghiệp làm điện ở đây, ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khác...). Riêng EVN thì gánh nặng đảm bảo nhu cầu điện cho toàn xã hội thì ai cũng thấy rõ, mà gánh nặng nhất là đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo số liệu của cơ quan chức năng Bộ Công Thương, đến hết năm 2016, cả nước đã có 100% số huyện, 99,98% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia. Đây là thành tựu rất đáng tự hào mà công lớn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng giá bán điện theo cơ chế kinh doanh đối với hộ dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được Nhà nước xác lập minh bạch, rõ ràng. Được biết, EVN đã có kiến nghị với Nhà nước, cần phải rạch ròi giữa hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động công ích, nhưng đề xuất này chưa được chấp nhận và vì vậy, các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước cũng chỉ muốn đầu tư phát triển nguồn (nhiệt điện và thủy điện), còn phần lưới truyền tải thì không bao giờ nhắc tới. Bởi, khi xây dựng trạm biến áp và đường dây về vùng cao, việc thu hồi vốn không phải trong vài ba năm, mà kéo dài tới bốn, năm mươi năm, thời gian như vậy cũng đủ làm cho lưới điện vận hành xuống cấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Ông Franz Gerner - Trưởng nhóm Năng lượng, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: Giá điện hiện nay thấp hơn mức giá mà EVN phải bỏ ra để mua điện từ các nguồn trong tương lai, kể cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện. Nhu cầu đầu tư sản xuất điện tăng nhanh nhằm đáp ứng tốc độ tăng cầu về điện. Muốn thỏa mãn nhu cầu đó thì giá điện phải lên tới mức 0,143 USD/kWh vào năm 2021. Tuy mức giá thành khác nhau như vậy nhưng giá điện sinh hoạt, giá điện kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển. Do vậy đợt tăng giá này sẽ giúp đưa giá điện về gần hơn với chi phí sản xuất mà mọi người sử dụng đều có thể chi trả được và đồng thời bảo vệ được người tiêu dùng thu nhập thấp thông qua mạng lưới an sinh sẵn có.   

 

Điều chỉnh giá điện, có lẽ cũng là điều buộc phải làm, bởi chẳng ai muốn trong lúc khó khăn chung lại quyết định một điều gì đó gây hậu quả đến đời sống, xã hội, mà nó cũng trực tiếp “nhòm ngó” túi tiền của ngay chính gia đình mình cả. Cho phép tăng giá điện, Chính phủ đã phải cân nhắc kỹ đến những hệ lụy liên quan đến cả nền kinh tế và an sinh xã hội. Mỗi lần các mặt hàng như than, xăng dầu, điện, nước… tăng giá là các cơ quan nhà nước đã phải dựa trên cơ sở tính toán khoa học, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Đã chấp nhận hoạt động theo cơ chế thị trường thì giá cả phải do thị trường điều tiết.

 

Cũng cần phải nói thêm, nhiều người nói thì cứ nói, kêu thì cứ kêu, nhưng không phải ai cũng biết: Muốn có một nhà máy thủy điện 1.200 MW, vốn đầu tư cần khoảng 40.000 tỷ đồng và để sản xuất được 01 kWh điện, Thủy điện Hòa Bình phải mất 5m3 nước, còn Thủy điện Thác Bà là 10m3. Ấy thế mà chỉ có hơn một ngàn rưỡi đồng cho 01 kWh điện, cũng một kWh điện ấy, ba, bốn em sinh viên, hoặc các bà nội trợ có thể nấu xong bữa ăn không quá cầu kỳ; 01 kWh điện có thể làm mát từ các máy lạnh cho một phòng làm việc, hay phòng nghỉ không lớn hàng tiếng đồng hồ. Nói như vậy để mọi người tự so sánh xem, giá điện của Việt Nam cao hay thấp, đắt hay rẻ.  

 

Giá điện lên 1.720,65 đồng/kWh, đối với các cơ quan báo chí chắc cũng hết sức chia sẻ, bởi chủ trương điều chỉnh giá điện đã được đề cập từ lâu tại các diễn đàn Quốc hội, các cuộc họp báo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, vấn đề này không có gì là bất ngờ. Đã đến lúc, chúng ta phải làm quen và thích nghi với sự điều chỉnh của thị trường, của cơ chế, bởi không chỉ có lĩnh vực điện, mà một số ngành như: Bưu chính, Xăng dầu; Nước sinh hoạt… cũng đã thực hiện cơ chế đó và người tiêu dùng cũng đã chấp nhận trong suốt những năm vừa qua. Khảo sát qua người tiêu dùng, đến ngay mấy bà bán rau ở chợ Phùng Khoang, Hà Đông cũng còn đưa ra bình luận, rằng giá điện như thế vẫn rẻ chán, vì có tăng lên một 1,7 ngàn đồng cũng chỉ bằng 5 - 6 cọng hành nhỏ và mới chỉ mua được nửa cốc trà đá của bà bán nước rong ở mé đường mà thôi…

 

Sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Điện, trong đó đặc biệt là vấn đề làm sao có đủ nguồn điện cung cấp cho nhu cầu của xã hội. Thủy điện Lai Châu có lẽ là dự án cuối cùng của quy hoạch thủy điện nước ta; than khai thác rồi cũng sẽ cạn kiệt, không đủ để mãi sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch này cho phát điện, trong khi sản lượng điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam sản xuất so với các doanh nghiệp ngoài EVN giờ cũng chỉ đạt trên dưới 40% sản lượng điện toàn hệ thống. Để huy động, thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển các dự án điện tại nước ta, trong những năm tới, chắc chắn giá điện sẽ còn phải điều chỉnh, bởi suất đầu tư ban đầu cho 01 kWh điện gió, điện mặt trời sẽ rất cao. Tuy nhiên, cái được là sự thỏa mãn nhu cầu của người dân, là vấn đề môi trường và phát triển bền vững.

 

Cuối cùng, trong muôn vàn cái khó khăn của thời kỳ hội nhập, của giai đoạn kinh tế thị trường, để phục vụ nhân dân, ngành Điện sẽ còn phải cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa và cũng rất cần nhiều hơn sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội.

 

Nguyễn Đừng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang