Thứ Sáu, 29/03/2024 21:53:38 GMT+7

Tin đăng lúc 16-05-2016

Lượt xem: 5184

Tăng đầu tư nguyên phụ liệu, giảm cấp phép sản xuất - Gỡ khó cho ngành dệt may Huế

Được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh với trên 50 DN sản xuất hàng dệt may (DM), giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 11.250 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 24 ngàn lao động.
Tăng đầu tư nguyên phụ liệu, giảm cấp phép sản xuất - Gỡ khó cho ngành dệt may Huế
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các DNDM hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu nội địa, thiếu lao động và thủ tục đầu tư còn nhiêu khê. Đây cũng chính là lý do để Sở Công thương tổ chức hội nghị gặp mặt- đối thoại các DN ngành DM vào sáng 12/5.

 

Mặc dù được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, song ngành DM hiện đang gặp khá nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Trong đó, đa số các DNDM chủ yếu sản xuất dưới hình thức gia công nên giá trị gia tăng của ngành chưa cao, khâu sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu và thiếu trầm trọng nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất. Trong khi đó, tại các khu, cụm công nghiệp số lượng nhà máy sản xuất hàng DM nhiều nên công tác tuyển dụng lao động thường xuyên gặp khó gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

 

Phó Giám đốc Công ty TNHH May Vinatex Hương Trà - ông Lê Thanh Liêm cho rằng: “Với 52 DN sản xuất hàng DM, trong khi trên địa bàn hiện vẫn chưa có trung tâm đào tạo chuyên ngành may- thiết kế thời trang, đội ngũ lao động chủ yếu là lao động phổ thông nên các DNDM đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo kế hoạch, đến quý II/2016, DN tiếp tục đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng giai đoạn 2 nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và cung ứng sản phẩm cho các đối tác xuất khẩu. Song, do gặp khó khăn về khâu tuyển dụng lao động nên DN chưa triển khai dự án. Vì vậy, trong vấn đề cấp phép đầu tư xây dựng các nhà máy may nên cân nhắc và hạn chế cấp phép cho các nhà máy xây dựng ở các khu, cụm công nghiệp mà ở đó đã có quá nhiều nhà máy may hoạt động để tránh tình trạng lao động “nhảy việc” và tuyển dụng khó”.

 

Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế - ông Nguyễn Thanh Tý lại nêu vấn đề bất cập trong việc tuyển dụng lao động ngành DM. Theo ông Tý, mặc dù trên địa bàn tỉnh có đến 24 ngàn lao động làm việc tại các nhà máy may, song lại không có trường đại học hay trung tâm đào tạo về chuyên ngành cắt may hay thiết kế mẫu dẫn đến tình trạng DN sau khi tuyển dụng phải tự mình thuê thầy về đào tạo, trong đó đối tượng đào tạo có cả cử nhân đại học vừa tốt nghiệp ra trường!? Mặt khác, một số trung tâm dạy nghề chưa thực sự gắn kết các chương trình đào tạo với nhu cầu DN cần nên số lao động sau khi đào tạo DN không thể sử dụng mà phải tổ chức đào tạo lại khá tốn kém và mất thời gian.

 

Tại hội nghị, các DNDM phát biểu xung quanh vấn đề về tăng cường thu hút đầu tư dự án sản xuất hàng phụ trợ, xây dựng hạ tầng các KCN cũng như cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. Theo đại diện Công ty Scavi Huế, mặc dù nhà máy ra đời gần 10 năm tại KCN Phong Điền, song đến nay hệ thống điện chiếu sáng cho KCN vẫn chưa đảm bảo, gây ảnh hưởng chung đến nhà máy cũng như việc đi lại của CBCNV. Hệ thống điện sản xuất vẫn đang dùng chung trạm biến áp với khu dân cư nên thỉnh thoảng xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và điều hành của nhà xưởng.

 

Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên Phú - ông Phạm Gia Định cho rằng: “Lâu nay, DNDM phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc do nguyên liệu nội địa hạn chế và giá thành cao. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh và các ban ngành nên tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi dự án sản xuất hàng phụ trợ DM phân bổ đều tại các KCN. Khi có nguyên phụ liệu, chúng tôi sẽ mạnh dạn chuyển dần từ gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) nhằm nâng cao giá trị cho ngành DM và tăng thu nhập cho người lao động.”   

 

Năm 2016, ngành DM tỉnh tiếp tục đặt kế hoạch duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trong đó phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 592 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ; sản lượng sợi các loại đạt 75 ngàn tấn; quần áo lót đạt 280 triệu cái.

 

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư - ông Phan Thiên Định cho biết: “Cuối năm 2015, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan, Ban điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai xây dựng đề án “Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành DM” với diện tích khoảng 400 ha, đặt tại KCN Phong Điền. Hiện, đề án được UBND tỉnh trình Chính phủ, các bộ ngành Trung ương xem xét phê duyệt. Sau khi hoàn chỉnh, đề án này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho tỉnh và các tỉnh miền Trung giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển lĩnh vực DM và giúp DN tháo gỡ khó khăn về thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.”

 

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương thông tin: “Hiện ngành DM tỉnh đang nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu sản xuất, trong đó chủ yếu là Trung Quốc và Đài Loan. Để tận dụng tối ưu những chính sách khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương có những chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư thuộc ngành CNHT DM, đồng thời sớm phê duyệt đề án phát triển khu CNHT DM nhằm kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy.” Cũng theo ông Thanh, liên quan đến vấn đề lao động DM, sở sẽ tranh thủ nguồn vốn khuyến công để tổ chức các khóa đào tạo nghề may nhằm hỗ trợ một phần nguồn lao động có tay nghề cho các DN.

 

Nguồn: baothuathienhue


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang