Thứ Bẩy, 20/04/2024 03:01:27 GMT+7

Tin đăng lúc 21-10-2022

Lượt xem: 801

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành cách đây 12 năm và tồn tại nhiều bất cập. Trong khi đó việc mua bán hàng qua thương mại điện tử đang dần phổ biến trong thời gian gần đây, nhưng chưa có những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng nên cần sớm hoàn thiện trong thời gian tới.
Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Đây là những ghi nhận tại tọa đàm “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 19/10.

 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, với khoảng 1.500 vụ/năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây cũng là khoảng thời gian phát triển bùng nổ thương mại điện tử.

 

Tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết: Trong năm 2021, thương mại điện tử là lĩnh vực đứng thứ 2 về số lượng đơn, thư kiến nghị. Trong đó có tổng số 1.261 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Cục tiếp nhận và xử lý, chiếm tỉ lệ 15,4%.

 

Các nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến việc chậm giao hàng, giao hàng không đúng số lượng, chất lượng so với đơn hàng đã đặt; giao hàng đã bị hỏng hóc, vỡ nát do quá trình lưu kho, vận chuyển không đảm bảo; sàn thương mại điện tử không hỗ trợ hoặc chậm hoàn tiền đơn hàng đã huỷ.

 

"Bên cạnh đó, cũng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thương mại điện tử để cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đúng với những hình ảnh đã quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, trang thông tin diện tử...", ông Tuấn nói.

 

Nói về chính sách pháp luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện nhưng khiếu nại vẫn gia tăng, do các nguyên nhân sau: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành cách đây 12 năm, trong khi tình hình kinh tế – xã hội đã có nhiều thay đổi. Nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh.

Thêm nữa, trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã dành một chương riêng (Chương III) để nói về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người dùng. Song nhiệm vụ, trách nhiệm được giao khá cụ thể và đầy đủ, nhưng quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi lại chưa được cụ thể – đây là những bất cập nên cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều luật.

 

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử và trên không gian mạng, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

 

Dự kiến, dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, khai mạc ngày 20/10 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.

 

Cũng tại buổi tọa đàm, theo ông Trịnh Anh Tuấn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn là một vấn đề mới đối với Việt Nam.

 

Về mặt chính sách đã được quy định ở một số văn bản pháp luật và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các luật chuyên ngành, đặc biệt là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và sửa đổi một số Nghị định liên quan.


Ông Tuấn nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm hay trong bối cảnh dịch bệnh, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được chú trọng nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi lợi dụng thời điểm cuối năm hay đại dịch COVID-19 để xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

 

Trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng nói riêng. Vì vậy, Cục đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức ký cam kết với các sàn thương mại điện tử để trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại thì các sàn giao dịch điện tử phải tiếp nhận và công bố minh bạch các quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng.

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các lực lượng chuyên ngành trong lĩnh vực thương mại, quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm... để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

An Nhi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang