Thứ Sáu, 29/03/2024 13:05:45 GMT+7

Tin đăng lúc 14-11-2018

Lượt xem: 15138

Sự tăng trưởng ấn tượng của gạo thơm

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 10 tháng năm 2018, khối lượng xuất khẩu gạo đạt 5,2 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, gạo phẩm cấp cao chiếm 80%, trong đó gạo thơm chiếm đến 1,438 triệu tấn.
Sự tăng trưởng ấn tượng của gạo thơm
Ảnh minh họa

Đây là định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng nhằm tăng giá trị xuất khẩu.

 

Hiện châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, chiếm hơn 60%; tiếp đến là thị trường châu Phi 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%.

 

Công tác mở rộng thị trường, đa dạng hóa đã tạo ra cú hích với những thị trường mới, một số nước như Indonesia, Trung Đông và châu Phi. Nhiều loại gạo thơm của Việt Nam đã xuất khẩu được đến các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Singapore…

 

Vì vậy, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện giá gạo xuất khẩu của ta đã cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 – 100 USD/tấn.

 

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cái khó hiện nay là do bà con trồng nhiều giống lúa thơm khác nhau nên khi thu hoạch không tạo ra được sản phẩm hàng hóa lớn. Để đáp ứng các đơn hàng lớn, các doanh nghiệp phải đi mua gom các giống lúa thơm khác nhau trộn lại, dẫn đến chất lượng không đồng nhất, làm ảnh hưởng tới chất lượng gạo. Điều này cũng khiến việc xây dựng một thương hiệu gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

 

Để hạn chế tình trạng này, trong 5 năm qua, giữa nhà khoa học, nhà xuất khẩu và nhà nông đã hình thành chuỗi sản xuất khá bài bản của nghề trồng lúa và xuất khẩu gạo Việt Nam. Không chỉ liên kết với nông dân trồng lúa theo nhu cầu thị trường mà các doanh nghiệp cũng đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Điển hình là nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Gentraco… đã đầu tư các giống lúa thơm, chất lượng cao, gắn với bao tiêu cho nông dân. Tuy nhiên, số lượng này hiện nay chưa nhiều.

 

Tại hội thảo về sản xuất và xuất khẩu gạo trong giai đoạn mới vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết thành phố đang tập trung xây dựng vùng lúa chất lượng cao, liên kết theo cánh đồng mẫu lớn. Cần Thơ phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích trồng lúa liên kết theo cánh đồng mẫu lớn đạt bình quân 40.000 ha/vụ và diện tích lúa chất lượng cao sẽ chiếm 95% cơ cấu. Các mô hình sản xuất sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn về VietGAP và cao hơn nữa…

 

Yêu cầu tăng diện tích, sản lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao còn đến từ áp lực diện tích trồng lúa có thể giảm mạnh và chịu sự tác động rất lớn do biến đổi khí hậu và môi trường (hạn hán, xâm mặn), công nghiệp hóa, đô thị hóa. 

 

Để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh xúc tiến đến các thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á; tiếp đó là khu vực thị trường châu Âu, Nga...

 

Theo mục tiêu của ngành lúa gạo, đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường châu Á chiếm khoảng 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%...

 

Theo Báo điện tử Chính phủ


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang