Thứ Sáu, 29/03/2024 18:24:39 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2022

Lượt xem: 2166

Sở Công Thương Bình Định: Kết nối cung – cầu để sản phẩm OCOP các địa phương hội tụ và lan tỏa

Giữa lúc mùa du lịch đang nở rộ trên địa bàn cả nước sau đại dịch Covid -19, một sự kiện có ý nghĩa thiết thực về thương mại đã và đang diễn ra tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định: Hội nghị và Hội chợ “Kết nối cung – cầu các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương toàn quốc”. Các Doanh nghiệp, làng nghề, du khách và nhân dân địa phương háo hức chào đón sự kiện như một cơ hội hiện thực hóa chủ trương: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Sở Công Thương Bình Định: Kết nối cung – cầu để sản phẩm OCOP các địa phương hội tụ và lan tỏa
Khai mạc Hội chợ triển lãm "Kết nối cung - cầu các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương toàn quốc"

Từ quy mô hoành tráng cả chất và lượng

 

Sáng ngày 24/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định năm 2022”. Chiều cùng ngày, Sở Công Thương Bình Định phối hợp Công ty TNHH Xúc tiến thương mại Đức Việt tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại Bình Định năm 2022. Hội chợ diễn ra từ ngày 24/6 đến 03/7/2022. Dự hội nghị và Hội chợ về phía Trung ương có các bà: Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước; Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

 

Hội nghị Kết nối cung – cầu có sự tham dự của hơn 250 đại biểu đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh và 110 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh phân phối, bán lẻ của 18 tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Gia lai, Kon Tum. Đặc biệt, 06 sàn thương mại điện tử (Lazada, Shoppe, Tiki, Sendo, Voso, Postmart); 04 công ty công nghệ: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Công ty CP iCheck, Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại UFO (FoodMap Asian).

      

 

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Riêng tại Hội chợ, các ngành hàng tham gia bao gồm: Sản phẩm đặc trưng vùng miền, địa phương, sản phẩm OCOP; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nông sản, thực phẩm; gian hàng dịch vụ: Bất động sản, tài chính, viễn thông, du lịch và các mặt hàng khác. Quy mô lớn cả chất và lượng hàng hóa, hơn 170 DN với khoảng 380 gian hàng, trong đó có 200 gian hàng sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của 27 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, 80 gian hàng của Bình Định tham gia. Đông đảo du khách và nhân dân địa phương nô nức về mua sắm với tâm thế  “Ủng hộ OCOP Việt Nam”.

 

 Đến hiệu quả của sự tác hợp giữa các địa phương

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu rõ: Hội nghị nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết các vùng miền, trao đổi, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Các DN, cơ sở sản xuất tiêu biểu trong và ngoài tỉnh giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình đến DN phân phối; các DN phân phối có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín để liên doanh, liên kết. Nhờ đó, các DN kết nối, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, hỗ trợ đưa hàng hoá đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong cả nước vào hệ thống phân phối với nhau.

 

 

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm tại các gian hàng Hội chợ

 

Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga cho rằng: Với những lợi thế hiện có, có thể thấy TMĐT của tỉnh Bình Định có cơ sở vững chắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối mới, nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh. Những kết quả mà tỉnh đạt được cho thấy sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc hướng dẫn, triển khai chương trình và sự hưởng ứng mạnh mẽ của tỉnh, đặc biệt là các DN, HTX, cơ sở sản xuất, tạo ra những chuyển biến mới góp phần thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số đối với các sản phẩm địa phương và sản phẩm OCOP của tỉnh.

 

 

     Tại Hội nghị, Sở Công Thương các tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác liên kết cung - cầu hàng hóa hai chiều 

     

Thành công không dừng lại

 

Được biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội của Bình Định giai đoạn 2016 - 2021 là 9,6%. Sáu tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của  tỉnh vẫn đạt 45.068 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 843 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Đến nay, các thương hiệu lớn được người tiêu dùng biết đến như: Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn; GO Quy Nhơn; MM Megamarket Quy Nhơn; Vinmart Quy Nhơn… Ngoài ra, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, hàng hóa của tỉnh cũng đã xuất sang trên 100 nước và vùng lãnh thổ.

 

Các DN giao thương, kết nối, hợp tác ký biên bản thỏa thuận hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các DN phân phối và DN sản xuất. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định và 06 sàn TMĐT cam kết sẽ hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT.

 

Có thể nói Hội nghị “Kết nối cung cầu” và Hội chợ Triển lãm các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh thành phố tại Bình Định năm 2022” đã tạo được sung lực, mới cơ hội tốt để sản phẩm OCOP của các địa phương trong nước nói chung và Bình Định nói riêng có dịp hội tụ và lan tỏa thành công.

                                                                        

Văn Thuận


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang