Thứ Năm, 25/04/2024 23:27:29 GMT+7

Tin đăng lúc 21-10-2019

Lượt xem: 4851

Sáng nay, khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV

Sáng nay (ngày 21/10), Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 8 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Sáng nay, khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV
Theo dự kiến, 9 giờ 00 ngày 21/10, Quốc hội họp phiên khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội; tổ chức tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội tại kỳ họp.

 

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 27/11.

 

Trong ngày khai mạc, Quốc hội dự kiến sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8.

 

Cùng đó, Quốc hội cũng sẽ nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra từ các cơ quan của Quốc hội về: tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.

 

Là kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Kỳ họp này Quốc hội tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, cùng với đó là công tác giám sát tối cáo, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật khoảng 17 ngày, chiếm 60% tổng thời gian kì họp. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày, tăng 0,5 ngày so với Kỳ họp thứ 7. Thời gian dành cho hoạt động giám sát chuyên đề, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác khoảng 8 ngày.

 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét thông qua 12 dự án luật, 04 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 09 dự án luật khác.

 

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (theo quy trình tại một kỳ họp).

 

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 

Về hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020…; Xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận…

 

Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7; báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.

 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét công tác nhân sự.

 

Một điểm nhấn, Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội chính thức sử dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp và sử dụng tài liệu. Theo đó, tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội chỉ là tài liệu điện tử, không có văn bản giấy (trừ nội dung Mật).

 

Hiện nay, Văn phòng Quốc hội đã hoàn thiện việc nâng cấp một số tính năng của phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu trên thiết bị di động và máy tính bảng để kịp thời phục vụ đại biểu tại kỳ họp. Các đại biểu Quốc hội cũng có thể sử dụng các ứng dụng thư viện số, hỗ trợ tức thì để có thêm thông tin. Qua đó tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.

 

Về độ tin cậy của các báo cáo gửi đến Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, theo quy định, tài liệu gửi tới Quốc hội sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Trước đó Uỷ ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ. Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 36 thì Bộ Tư pháp giúp Chính phủ chỉnh lý. Hiện nay, báo cáo của Chính phủ chưa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp chính thức gửi tới Quốc hội.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng cho hay, cơ quan nào báo cáo thì chịu trách nhiệm số liệu và thông tin của báo cáo. Báo cáo được gửi đến Quốc hội là bảo đảm tính công khai, thể hiện được sự giảm sát của đại biểu Quốc hội, của cử tri đối với các báo cáo này và từ đó lên tiếng, đặt lại vấn đề cho cơ quan báo cáo để giải trình các thông tin. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, đây là những kênh giám sát rất quan trọng.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang