Thứ Sáu, 19/04/2024 14:31:23 GMT+7

Tin đăng lúc 26-12-2021

Lượt xem: 1125

Sản xuất công nghiệp: Thích ứng trạng thái "bình thường mới"

Doanh nghiệp (DN) trong các ngành công nghiệp đã xây dựng kịch bản, chủ động thích ứng với trạng thái "bình thường mới", đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh, nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Sản xuất công nghiệp: Thích ứng trạng thái "bình thường mới"
Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh

Tăng vai trò chủ động của doanh nghiệp

 

Đại diện Công ty TNHH EXEDY Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản - chia sẻ, để ổn định và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, công ty đã linh hoạt điều hành, tổ chức sản xuất; yêu cầu 100% người lao động thực hiện tốt quy định 5K; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất... Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống để "giữ chân" người lao động.

 

Tương tự, Công ty Việt Thắng Jean (TP. Hồ Chí Minh) đang đẩy mạnh hoạt động tối đa công suất trên 100% để hoàn thiện các lô hàng xuất khẩu. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết, DN đã kết thúc sản xuất hàng Noel từ cuối tháng 6/2021, hiện đang sản xuất hàng phục vụ Tết Dương lịch. Đồng thời, DN tiếp tục đàm phán với đối tác để nhận thêm đơn hàng cho mùa xuân - hè 2022.

 

Nỗ lực vượt khó, từng DN đã xây dựng các kịch bản, chủ động thích ứng trong điều kiện tình hình mới khi thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch gắn với các giải pháp đổi mới cách thức tiếp cận, tìm kiếm thị trường cung cấp nguyên liệu thay thế. Đồng thời, giữ chân người lao động, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm.

 

Tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp

 

11 tháng năm 2021, sản xuất hàng dệt may, máy móc, thiết bị, phụ tùng… phục hồi rất khả quan. Theo đó, chỉ số toàn ngành công nghiệp 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,7%); sản xuất và phân phối điện tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%)… Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 23,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,7%. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử được các hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020, khi DN dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.

 

Dự báo về chỉ số sản xuất công nghiệp cuối năm 2021, theo Bộ Công Thương, mặc dù vẫn còn khó khăn, nếu các DN khu vực miền Bắc, miền Trung tăng tốc sản xuất, khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 6% so với năm 2020. Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra ban đầu (IIP tăng 8 - 9%), nhưng cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

 

Trong dài hạn, tiếp tục xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực; liên kết DN trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển bền vững.

 

Theo báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang