Thứ Sáu, 29/03/2024 13:33:25 GMT+7

Tin đăng lúc 25-04-2016

Lượt xem: 3336

Quảng Trị cần cách phát triển “khác thường”

Quảng Trị, cũng như các tỉnh miền Trung, không có hoặc thiếu những điều kiện và lợi thế phát triển kinh tế theo cách “cổ điển”, nghĩa là dành nhiều ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, chi phí nhân công rẻ, nên phải cần cách "khác thường", PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư - du lịch Quảng Trị.
Quảng Trị cần cách phát triển “khác thường”
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, cơ quan xúc tiến thương mại và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Theo ông Trần Đình Thiên, cách “cổ điển” nghĩa là dành nhiều ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, chi phí nhân công rẻ.

 

“So sánh trên tất cả lĩnh vực, từ các nguồn lực cơ bản - đất đai, tài nguyên khoáng sản, lao động, cho đến các yếu tốt thời tiết, thủy văn thì trong các tỉnh miền Trung, có lẽ Quảng Trị là khó khăn nhất. Gió Lào ở Quảng Trị cũng khốc liệt nhất dải đất miền Trung”, ông Trần Đình Thiên nhìn nhận.

 

Ông Trần Đình Thiên hiến kế, để có thể bứt phá, tiến lên và nhập được vào quỹ đạo phát triển hiện đại, Quảng Trị phải thoát khỏi động thái, cách thức phát triển cũ, phải chọn cách thức phát triển “khác thường”, chọn hướng đột phá và trục phát triển mới, khác biệt so với 30 năm đổi mới vừa qua. Cách đặt vấn đề này về thực chất chính là thực hiện yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế đang được triển khai trên cả nước những năm qua.

 

Nhà kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng không nơi nào trên thế giới lại có nhiều đau thương như Quảng Trị, do vậy, đất nước Việt Nam cần phải đền ơn Quảng Trị bằng việc xây dựng thương hiệu du lịch vì hòa bình của loài người hay nói cách khác là linh thiêng hóa mảnh đất Quảng Trị để đây là nền móng đề tỉnh này phát triển du lịch.

 

Cùng quan điểm với ông Trần Đình Thiên, TS. Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch góp ý, du lịch hoài niệm cần được coi là một điểm nhấn tạo động lực thúc đẩy liên kết phát triển du lịch Quảng Trị. “Không nơi nào trên đất nước ta có hệ thống nghĩa trang liệt sỹ dày đặc như tại Quảng Trị, với 72 nghĩa trang liệt sĩ - nơi yên nghỉ của gần 600.000 liệt sĩ từ khắp cả nước, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn”, ông Nguyễn Quốc Hưng nói.

 

Ông nêu 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo mà tỉnh Quảng Trị nên chú trọng phát triển. Đó là du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội; du lịch nghĩ dưỡng biển đảo; du lịch tôn giáo, tâm linh và du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây, trong đó, du lịch hoài niệm là sản phẩm du lịch đặc thù và khác biệt nhất của Quảng Trị.

 

Phát triển theo kiểu “đàn sếu”

 

TS. Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung nhận định Quảng Trị đã và đang gặp một số bất lợi trong thu hút đầu tư và phát triển như quy mô dân số nhỏ, tài nguyên không nhiều, quy mô nền kinh tế nhỏ, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực không cao. Tuy nhiên, “nghèo như Quảng Trị chưa hẳn là bất lợi”, ông Trần Du Lịch cho biết. Bởi với những ưu đãi của Chính phủ và của tỉnh như hiện nay, đầu tư vào Quảng Trị là cơ hội để doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.

 

Quảng Trị có vị trí chiến lược và quan trọng, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia về đường bộ, đường sắt Bắc Nam và đường biển; tiếp giáp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đặc biệt Quảng Trị là điểm đầu, điểm kết nối Thái Bình Dương tới Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC); có nguồn nhân lực trẻ, cần cù, chịu khó, chính quyền có những cơ chế đặc biệt trong thu hút đầu tư (Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo).

 

 

TS. Trần Du Lịch phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Một lợi thế nổi bật khác, theo TS. Trần Du Lịch đó là, hiện nay Quảng Trị là một trong số ít các địa phương có quỹ đất sạch, đặc biệt là đất ven biển với diện tích lớn với mức độ tập trung cao, không bị manh mún, chia cắt, hầu như không có tranh chấp, chi phí giải tỏa đền bù thấp nên có đủ điều kiện để đáp ứng các dự án đầu tư có quy mô lớn từ 300 ha trở lên, phục vụ các dự án tổ hợp du lịch, sân golf cao cấp; các dự án đầu tư khu công nghiệp; cảng biển, logistics; điện gió, năng lượng; phát triển đô thị quy mô lớn hiện đại...

 

“Quảng Trị cần tập trung lựa chọn một số lĩnh vực, sản phẩm dựa trên lợi thế để ưu tiên đầu tư phát triển gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, dựa vào vốn như hiện nay sang phát triển dựa vào công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong dài hạn, tỉnh phải kiên trì sự lựa chọn một số lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh, từ đó phải lựa chọn, phải đi mời gọi (săn tìm) và phải tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ để họ trở thành “con sếu đầu đàn” cho từng lĩnh vực cụ thể nhằm tạo sức lan tỏa, tạo động lực và dẫn dắt phát triển”.

 

“Chính quyền phải thực sự là “bà đỡ” cho nhà đầu tư, có bàn tay vàng, thì nhà đầu tư sẽ mẹ tròn con vuông được”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang