Thứ Bẩy, 20/04/2024 21:41:32 GMT+7

Tin đăng lúc 04-04-2020

Lượt xem: 1908

Quảng Ninh: Mục tiêu phát triển dài hạn chương trình khuyến công

Trong những năm qua, bằng nguồn vốn từ chính sách khuyến công của Nhà nước, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Ninh (TTKC) đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương có hiệu quả, góp phần giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường.
Quảng Ninh: Mục tiêu phát triển dài hạn chương trình khuyến công
Năm 2019, Công ty CP Truyền thông G9 được hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng để đối ứng đầu tư thêm các trang thiết bị mới.

Năm 2019, với nguồn kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng do UBND tỉnh phê duyệt, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ 17 đề án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ và tư vấn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Trung tâm cũng đã thực hiện chương trình khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương giao tại Quyết định số 4796/QĐ-BCT ngày 24/12/2018 với tổng kinh phí là 600 triệu đồng cho 2 đề án: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp tại TX Đông Triều, với kinh phí là 300 triệu đồng và Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) với kinh phí 300 triệu đồng.

 

Là một trong những doanh nghiệp được hưởng sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công, với kinh phí 300 triệu đồng, Công ty CP Truyền thông G9 (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) đã đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc mới, phục vụ việc phát triển cho các mục tiêu hoạt động của Công ty về mỹ nghệ, quảng cáo, trang trí nội, ngoại thất. Anh Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ khi được hỗ trợ, đối ứng đầu tư các trang thiết bị mới đã tạo điều kiện thuận lợi để Công ty phát triển mạnh mẽ hơn, doanh thu cũng tăng từ 15-20% so với trước đây, giảm được nguồn lao động và giảm được thời gian chế tác, hoàn thành sản phẩm cung ứng, đặt hàng.

 

Theo ông  Nguyễn Duy Tuấn - Giám đốc TTKC cho biết: “Thời gian qua các chương trình khuyến công trên địa bàn đã được thực hiện đồng bộ, mang lại những kết quả rõ nét, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá từ doanh nghiệp trong tỉnh cho thấy, đa phần các cơ sở công nghiệp nông thôn chủ yếu là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp nên khó đổi mới, chưa tiếp cận hết ứng dụng công nghệ vào sản xuất; trình độ quản lý của chủ các cơ sở công nghiệp nông thôn còn thấp, thiếu chủ động tiếp cận hoạt động khuyến công, dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị còn hạn chế”.

 

Trước những hạn chế đã được chỉ rõ, Sở Công Thương Quảng Ninh đã xây dựng nhiều giải pháp gỡ khó cả trước mắt và trong dài hạn. Theo đó, năm 2020, các đơn vị chức năng thuộc Sở sẽ đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp tư vấn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Tăng cường bám sát cơ sở thông tin kịp thời, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, sản xuất công nghiệp để từ đó có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả. Về dài hạn đến năm 2030, khuyến công Quảng Ninh sẽ triển khai hoạt động theo hướng tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hình thành sự phân công sản xuất, liên kết, hợp tác tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và hạn chế gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.

 

Ngọc Bích


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang