Thứ Bẩy, 20/04/2024 07:36:27 GMT+7

Tin đăng lúc 07-01-2022

Lượt xem: 792

Quảng Ninh: Doanh nghiệp vào guồng sản xuất ngay từ đầu năm

Để chuẩn bị cho việc phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19, ngay từ những ngày đầu năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất.
Quảng Ninh: Doanh nghiệp vào guồng sản xuất ngay từ đầu năm
Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn làm việc tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Nhiều chỉ tiêu tăng cao

 

Ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2021 dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh ước tăng 10,01%, cao hơn 0,81 điểm % so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế của tỉnh, tốc độ tăng trưởng cả năm 2021 tăng 6%; sản lượng than sạch sản xuất tăng 5,9% so với cùng kỳ, đóng góp của ngành than trong thu ngân sách nội địa chiếm 36%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,94% so với cùng kỳ, đóng góp 3,3 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.

 

Cũng theo ông Huy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP của tỉnh. Sự tăng trưởng này được xác định là do một số sản phẩm mới được bổ sung như tivi, loa, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp, thân mũ,… thuộc Dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn, Công ty Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, Công ty Bumjin Electronics Co.Ltd, Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long…

 

Được biết, năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu, thu hút đầu tư vào địa bàn KCN, KKT phải đạt trên 1,2 tỷ USD. Trong bối cảnh dịch COVID-19 thì đây là một thử thách lớn đối với địa phương. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu nghiên cứu đầu tư cũng như đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Nhờ đó, trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được gần 45.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngân sách vào địa bàn các KCN, KKT. Trong đó, Ban Quản lý KKT tỉnh đã thu hút được gần 40.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn KCN, KKT do đơn vị trực tiếp quản lý, đạt 137% kế hoạch năm 2021. Riêng vốn thu hút FDI chiếm khoảng 94% tổng vốn thu hút FDI của tỉnh Quảng Ninh.

 

Ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà đầu tư không trực tiếp đến tỉnh Quảng Ninh làm việc, khảo sát thực tế. Do vậy, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận liên quan cung cấp thông tin qua điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng họp trực tuyến... để giới thiệu tới nhà đầu tư các dự án cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển các KCN, KKT tỉnh. Từ đó, đã có 30 nhà đầu tư thiện chí tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào địa bàn KCN, KKT, trong đó có nhiều nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, trao giấy chứng nhận đầu tư, với nguồn vốn lớn.

 

Nhanh chóng bắt nhịp sản xuất

 

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, góp phần phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bắt tay vào sản xuất.

 

Đơn cử tại Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long, KCN Hải Yên, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, song công ty đã sản xuất được trên 142.000 tấn sợi dệt các loại, đạt 100% kế hoạch năm. Dự kiến năm 2022, công ty phấn đấu sản xuất hơn 149.000 tấn sợi dệt các loại. Do vậy, ngay trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch Nhâm Dần, hơn 3.500 công nhân vẫn duy trì nhịp độ sản xuất 3 ca liên tục. Các dây chuyền sản xuất đều hoạt động hết công suất, đảm bảo vận hành an toàn, khai thác hiệu quả thiết bị công nghệ.

 

Còn tại công ty than Hạ Long, mục tiêu trong năm 2022 mà công ty đặt ra là khai thác và tiêu thụ trên 1,75 triệu tấn; đào trên 16.800m lò. Để đạt được mục tiêu này, ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, gần 1000 công nhân đã bắt tay vào lao động sản xuất ở các vị trí, khai trường. Năm 2022, công ty cũng quyết tâm sẽ tiếp tục siết chặt công tác phòng chống dịch đảm bảo giữ mỏ an toàn, không để dịch COVID-19 gây gián đoạn đến sản xuất.

 

Bên cạnh công ty than Hạ Long nhiều đơn vị sản xuất than như: Công ty Tuyển Than Cửa Ông, Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả… cũng duy trì điều hành sản xuất than đáp ứng nhu cầu cung cấp cho khách hàng. Riêng các đơn vị sản xuất than lộ thiên vùng Cẩm Phả cũng đã tranh thủ thời tiết thuận lợi bố trang thiết bị, lực lượng lao động phù hợp đồng loạt bước vào sản xuất ngay trong những ngày đầu năm.

 

Không chỉ đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay trong những ngày đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp còn tranh thủ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho công nhân. Việc triển khai tiêm vaccine sẽ tạo “tấm lá chắn” quan trọng, góp phần phòng chống dịch hiệu quả; đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ tránh bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

 

Theo ông Lê Văn Quảng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Hải - Chủ đầu tư CCN Nam Sơn cho biết, hiện doanh nghiệp luôn duy trì khoảng 700 lao động đang làm việc. Con số này sẽ khoảng 1.200 người nếu không xảy ra dịch COVID-19 khiến nhiều bộ phận không hoạt động. Trong thời gian này, các công ty trong CCN đều thực hiện công tác phòng chống dịch, đảm bảo 100% người lao động được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang