Thứ Bẩy, 20/04/2024 17:56:57 GMT+7

Tin đăng lúc 18-12-2020

Lượt xem: 1047

Quảng Ngãi định vị phát triển kinh tế trong giai đoạn mới

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung, tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.
Quảng Ngãi định vị phát triển kinh tế trong giai đoạn mới

Nhiều tín hiệu tích cực

 

Thời gian qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu gia tăng; tác động của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và giá dầu giảm sâu, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhưng Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã đoàn kết, lãnh đạo quân và Nhân dân nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đạt một số kết quả quan trọng.

 

Công tác thu hút đầu tư quan tâm đến chất lượng dự án, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các dự án đầu tư vào tỉnh, tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư ”tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư, góp phần đưa Quảng Ngãi phát triển nhanh, bền vững và trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước.

 

Được xem là một trong những trung tâm công nghiệp của dải đất miền Trung, công tác thu hút đầu tư của Quảng Ngãi trong Quý I/2020 đã có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có 01 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 20 triệu USD. Lũy kế Quý I/2020 toàn tỉnh có 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1,869 tỷ USD.

 

Trong tỉnh có 16 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1.511 tỷ đồng, lũy kế đến nay có 650 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 296.760 tỷ đồng. Năm 2020 là năm cuối thực hiện các nội dung đã được phê duyệt theo chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2017-2020 của tỉnh và năm cuối thực hiện thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, vì vậy, công tác thu hút đầu tư cần quan tâm chất lượng dự án, ưu tiên trong các lĩnh vực tập trung thu hút các dự án cảng biển và hệ thống logistics; đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch và dịch vụ.

 

 

Quảng Ngãi định hướng phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân nhưng khai thác bền vững, không phát triển nóng.

 

Nỗ lực bứt phá

 

Với mong muốn đổi mới, khát vọng vươn lên, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi xác định năm sau phải phát triển cao hơn năm trước, so sánh mức độ phát triển của tỉnh với các tỉnh lân cận và vùng miền Trung.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết: "Xác định rõ quan điểm phát triển, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng theo mục tiêu tổng quát của 5 năm đến. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước".

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, để làm được điều này, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải chung sức, đồng lòng vượt lên chính mình, đổi mới tư duy, quyết liệt hành động để tạo sức bật phát triển mới trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, là lực lượng phát triển chủ yếu.

 

Để hoàn thành được mục tiêu nêu trên, cùng với việc thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển mọi mặt của tỉnh, Quảng Ngãi sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội xoay quanh 4 mục tiêu chủ yếu; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng kinh tế.

 

Trong đó, đối với mục tiêu chủ yếu, phải phát triển kinh tế đi đôi với bền vững môi trường, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn với bền vững môi trường; giảm phụ thuộc sự tăng trưởng kinh tế vào sản phẩm lọc hóa dầu; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp và đẩy mạnh hội nhập; giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ; nâng mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của cả nước; hình thành và phát triển các cụm ngành hợp lý, có lợi thế; đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh kinh tế biển đảo….

 

Tỉnh cũng sẽ phân bổ vốn đầu tư công gắn với thu hút đầu tư ngoài ngân sách có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm để tập trung phát triển 3 vùng kinh tế động lực gồm: Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; Khu Kinh tế Dung Quất và vùng lân cận là trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh; Vùng ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh và Lý Sơn là trọng tâm phát triển về du lịch, dịch vụ.

 

“Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, đến nay Quảng Ngãi đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để nắm lấy thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung vào năm 2025, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải chung sức, đồng lòng vượt lên chính mình, đổi mới tư duy, quyết liệt hành động để tạo sức bật phát triển mới trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, là lực lượng phát triển chủ yếu”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ. 

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang