Thứ Năm, 18/04/2024 20:54:13 GMT+7

Tin đăng lúc 17-08-2015

Lượt xem: 4686

Quảng Điền phát triển tiểu thủ công nghiệp bền vững

Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được xác định là hướng đi phù hợp trong chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quảng Điền phát triển tiểu thủ công nghiệp bền vững
Nghề đan lát mang lại thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng người/tháng

Khôi phục, phát triển ngành nghề

 

Đến nay, trên địa bàn huyện có 11 doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị đầu tư, di chuyển vào cụm công nghiệp Bắc An Gia; trong đó có 3 đơn vị đã xây dựng nhà xưởng là tín hiệu vui trong định hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp của Quảng Điền. Phấn đấu năm 2015, có 10 doanh nghiệp di chuyển vào sản xuất tại cụm công nghiệp Bắc An Gia. Huyện tiếp tục lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận thêm 4 làng nghề ở các xã: Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Ngạn và thị trấn Sịa...

 

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền rất trăn trở trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của huyện đặc thù thuần nông. Qua nhiều cuộc họp bàn các giải pháp, huyện Quảng Điền xác định phát triển nông nghiệp bền vững, kết hợp khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp là hướng đi phù hợp trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

 

Mấy năm gần đây, huyện Quảng Điền có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khôi phục và phát triển nghề truyền thống với hàng chục tỷ đồng đầu tư. Mới đây, làng nghề bún Ô Sa được Phòng Công Thương huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại cho một số nhóm hộ, gắn với xây dựng hệ thống xử lý môi trường nên làng bún từng bước khôi phục và ngày càng phát triển. Hàng chục hộ nhờ nghề này đã ổn định cuộc sống, có điều kiện nuôi con ăn học. Tại địa phương còn hình thành làng bún Mai Tịnh có quy mô khá lớn, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động nông nhàn với thu nhập từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Đình Đức cho biết, cùng với nghề truyền thống, mấy năm qua huyện còn được Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ kinh phí mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Một số nhóm hộ còn được tạo điều kiện đi tham quan các mô hình, ngành nghề truyền thống ngoài tỉnh nhằm học tập, tiếp thu những kinh nghiệm làm ăn hiệu quả. Nắm vững kiến thức sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ cá nhân, chủ cơ sở mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng khôi phục, mở rộng quy mô ngành nghề. Điển hình, như Hợp tác xã mây tre đan Bao La, Hợp tác xã Thủy Lập, cơ sở làng nghề Việt, cơ sở mộc mỹ nghệ Hạ Lang, cơ sở thêu ren Sịa, Doanh nghiệp cơ khí Lợi Sịa, Xí nghiệp gỗ Hoài Ân, Công ty cổ phần Hiệp Thành... Các doanh nghiệp đều hoạt động có hiệu quả, doanh thu mỗi năm từ vài tỷ đến chục tỷ đồng. Năm 2014, giá trị sản lượng tiểu thủ công nghiệp của huyện Quảng Điền ước đạt gần 107 tỷ đồng, bằng 114% so với năm trước.

 

Hướng đến đầu ra ổn định

 

Việc khôi phục, phát triển các ngành nghề như đan lát, làm bún, mộc mỹ nghệ, gò hàn, cơ khí, thêu ren, chế biến nước mắm... tạo thêm điều kiện để Quảng Điền xây dựng nông thôn mới thuận lợi. Gắn với đào tạo nâng cao tay nghề nhằm cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu cho các cơ sở, doanh nghiệp. Phòng Công Thương huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động. Hầu hết các đối tượng sau khi được đào tạo đều đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ nguồn vốn khuyến công, huyện hỗ trợ cho hàng trăm cơ sở đổi mới, nâng cấp công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều mặt hàng, sản phẩm truyền thống được hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ...

 

Các sản phẩm mây tre đan Thủy Lập, mộc mỹ nghệ, cơ khí Lợi Sịa... không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường một số nước trên thế giới. Kết quả trên cho thấy, ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã có những bước đi ban đầu tương đối khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện Quảng Điền, các làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phần lớn quy mô còn nhỏ lẻ, chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vốn điều lệ của các doanh nghiệp còn hạn chế nên chưa thể đầu tư tạo ra nguồn sản phẩm dồi dào và chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn vừa mới quy hoạch, trong giai đoạn hình thành nên việc bố trí, mở rộng sản xuất cũng như tìm thị trường, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các ngành nghề một cách ổn định, bền vững đang là bài toán khó, cần có lộ trình và hướng đi hợp lý.

 

Giải bài toán phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, huyện Quảng Điền xây dựng đề án giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Trong năm 2015, huyện tập trung kêu gọi, vận động các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào cụm công nghiệp Bắc An Gia. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đa dạng các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ nhằm giải quyết việc làm, phục vụ du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn huyện và hướng đến thị trường xuất khẩu ổn định... 

 

Hoàng Triều

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang